Chạm vào Sài Gòn

Kỳ cuối: Sài Gòn bao dung

Trần Nam Luân |

Với những “người lạ” đi trên vỉa hè Sài Gòn bằng Google Map như chúng tôi đôi khi gặp những tình huống, sự việc vô cùng… “hại não”. Ngay cả với Dung, người đã qua 4 năm học, 1 năm làm việc ở Sài Gòn mà có những điều thuộc về thành phố này vẫn khiến cô bỡ ngỡ.

Những điều không đâu có

Tôi được tặng cặp vé mời trải nghiệm The World of Heineken. Thực chất là đến uống bia, nhưng là uống bia ở tòa nhà Bitexco – một trong những biểu tượng của Sài Gòn. Cao ốc 68 tầng nằm ở trung tâm quận 1 này tiêu tốn khoảng 400 triệu USD để xây dựng, có cái sân đỗ trực thăng “thò” ra ở tầng 52, treo lơ lửng ra khỏi kết cấu chính của tòa nhà một cách dị thường. Từ chỗ chúng tôi ở nhìn thấy tòa nhà mồn một, cảm giác vài bước chân là tới. Bước xuống đường, cứ ngửa cổ lên là thấy nó sừng sững trước mặt, mà đi lòng vòng, tới lui, lạc đường vài lần mới tới. Dung cười khúc khích kể lại cảm giác lần đầu cô tìm đến cao ốc này: Lạc đường không đáng sợ mà sợ nhất là thấy rành rành mà đi hoài không đến. Nhiều người, kể cả người Sài Gòn, thậm chí không biết chính xác Bitexco nằm ở đâu? Hỏi thì ậm ờ nó ở Nguyễn Huệ hay Hàm Nghi chi đó. Nguyễn Huệ hay Hàm Nghi là 2 con phố quá nổi tiếng, nên ai cũng nghĩ nó xứng với sự nổi tiếng của Bitexco hơn? Thực ra, địa chỉ tòa nhà là số 2 Hải Triều – một con phố ngắn và nhỏ nối 2 phố lớn kể trên, vốn chỉ được biết đến vì có mấy quán phở đêm đậm chất Bắc.

Lần khác, chúng tôi gọi taxi đến một nhà hàng trên đường Bạch Đằng. Chạy một hồi, tài xế dừng xe ở một chỗ lạ hoắc. Tôi thắc mắc rồi đưa tấm card visit nhà hàng, tài xế hoảng hốt: “Ủa, Bạch Đằng ở Tân Bình chứ hổng phải Bình Thạnh ư?”. Anh rối rít xin lỗi rồi vòng xe. Hai con đường ở hai quận khác nhau này cách nhau hơn 5 cây số! Sài Gòn có hơn 200 con đường trùng tên nhau như thế. Cho nên khi nói đường phải kèm nói quận, thậm chí nói phường. Người dân ở Bình Thạnh, Gò Vấp thường mặc định đường Phan Văn Trị chắc chắn nằm ở quận mình rồi. Nhưng ít ai biết rằng, ở quận 5 xa tít đầu kia thành phố cũng có một con đường mang tên Phan Văn Trị. Quận 1 có con đường Lê Lai và Phạm Ngũ Lão nổi tiếng thì ở cách đó chục cây số quận Gò Vấp cũng có. Tôi đọc một tài liệu, sở dĩ Sài Gòn có nhiều đường bị trùng tên như vậy là vì trước năm 1975 có đến 3 đơn vị hành chính với 3 hội đồng đặt tên đường khác nhau gồm: Chợ Lớn, Sài Gòn và Gia Định. Sau này, 3 đơn vị hành chính này nhập làm một nên nhiều tên đường bị trùng.

So với Hà Nội, đường ở Sài Gòn dài hơn nhiều. Có những con đường trải dài qua 4-5 quận. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài gần 9km chảy qua quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh. Hai con đường chạy dọc bờ kè của con kênh được đặt tên là Hoàng Sa và Trường Sa - được xem là tuyến đường ven kênh dài nhất Sài Gòn. Đường Cách mạng Tháng 8, Điện Biên Phủ, Trần Hưng Đạo chạy qua 4 quận, Nguyễn Trãi, Lê Văn Sỹ chạy qua 3 quận. Một lần, chúng tôi được mời sang quận 10 ăn cơm. Anh bạn trong đoàn hoảng hốt: Xa quá, từ quận 1 sang quận 10 phải chạy qua 9 cái quận thì bao giờ đến? Chúng tôi cười phá. Không biết quy luật đặt tên quận ở Sài Gòn như thế nào, nhưng chắc chắn để đi từ quận 1 sang quận 10 thì không phải đi qua 9 quận còn lại đâu. 2 quận này chỉ cách nhau chưa đến 5km. Vị trí quận cũng nhiêu khê: Quận 1 nằm sát quận 3, nhưng lại cách quận 2 đến 8km. Quận 4 xa quận 5, quận 6 xa quận 7, quận 7 xa quận 8, và đặc biệt quận 8 cách quận 9 hơn… 32km!

Một số địa danh cũng khiến người mới đến Sài Gòn hiểu lầm, như ngã ba Vũng Tàu, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, ngã tư Bình Phước vì nó khiến ta liên tưởng rằng ngã ba Vũng Tàu chắc... gần Vũng Tàu, Hiệp Bình Phước hay ngã tư Bình Phước thì ở tỉnh Bình Phước còn Hiệp Bình Chánh ở huyện Bình Chánh. Sự thực thì Hiệp Bình Chánh hay Hiệp Bình Phước chỉ là tên những phường ở quận Thủ Đức. Còn sở dĩ người ta gọi là ngã ba Vũng Tàu vì ngã ba ấy thì có đường rẽ về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu. Dung hỏi chúng tôi: “Sài Gòn có Tân Sơn Nhất và Tân Sơn Nhì, Tân Sơn Nhất gắn với tên phi trường thì nổi tiếng rồi, vậy Tân Sơn Nhì ở đâu?” Tôi trả lời chắc đe: “Thì đâu đó gần Tân Sơn Nhất”. Dung cười bảo hồi đầu cô cũng nhầm vậy. Thực ra Tân Sơn Nhì là một con đường ở mãi quận Tân Phú, nằm cách sân bay Tân Sơn Nhất ở quận Tân Bình đến hơn 7km.

Những chuyện dễ thương

Sài Gòn có 4 “đường tây” (tên nước ngoài) mà người dân mỗi người đọc một phách, đa phần là sai. Đó là các đường Calmette, Yersin, Pasteur và Alexandre de Rhodes. Đường Calmette (Albert Calmette, một bác sĩ người Pháp) ở quận 1, người dân thường đọc “Ca-mét”. Đường Pasteur (Louis Pasteur, cũng là một bác sĩ nổi tiếng người Pháp) chạy từ quận 1 sang quận 3 thường được đọc là “Bát-tơ”. Đường Alexandre de Rhodes (một nhà truyền giáo, một nhà ngôn ngữ học có công lớn trong việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam) đọc lên mới nan giải. Có người đọc “A-lếch-xan-đơ”, có người đọc “Đờ-rốt”, vẫn hiểu nhau như thường. Con đường mang tên một bác sĩ người Pháp nổi tiếng khác - đường Yersin, một số tài xế taxi đọc là “Yec-xin”. Ở Hà Nội cũng có một con đường mang tên vị bác sĩ này, có điều là theo phiên âm tiếng Việt: “phố Yec Xanh” (thuộc quận Hai Bà Trưng). Phiên âm thế rồi đọc đương nhiên phải đúng. Hà Nội còn có một vườn hoa mang tên Pasteur ngay cạnh phố Yec Xanh. Yec Xanh thì phiên âm, còn Pasteur lại để nguyên bản. Riêng về sự thống nhất cách đặt tên, Hà Nội phải học Sài Gòn.

Trên đường phố Sài Gòn có nhiều đồ miễn phí cho người nghèo. Đó có thể là bình trà đá, vài ổ bánh mì đựng trong một thùng kính đề biển nắn nót “một ổ miễn phí” (ý là chỉ lấy vừa đủ ăn), rồi cháo thịt bằm và cả quần áo miễn phí. Người ta để ngay trên vỉa hè, sát mép đường, ai đi ngang qua cứ việc lấy. Anh bạn đưa điện thoại lên chụp ảnh nồi cháo thịt bằm miễn phí trên vỉa hè đường Lê Hồng Phong, một người phụ nữ gần đó nhắc nhở: “Mấy anh mà chụp ảnh là người ta ngại không dám lấy cháo ăn đâu nghe. Người nghèo dễ tự ái lắm đó…”. Một lời nhắc thật khéo và cũng thật độ lượng. Cách nồi cháo miễn phí không xa, bên lề đường, cạnh một tiệm sửa mũ bảo hiểm có một tấm biển cũng khiến bạn ấm lòng: “Sửa nón miễn phí cho người chạy xe ôm, bà con đừng ngại”. Chúng tôi cũng hay bắt gặp những tấm biển siêu dễ thương, kiểu như “Xin mời vào xem đừng ngại, mua hay không mua không sao” ở cửa một shop thời trang. Trong quán ăn, trên tường gắn biển “Không đánh bạn nhậu” (Cảm giác thật an toàn!). Bên một thùng rác trên vỉa hè, có một túi rác nhỏ không để vào bên trong mà đặt ngay cạnh, trên miệng túi có gắn mảnh giấy A4 ghi: “Cô ơi trong túi có miếng chai, cô cẩn thận”. Cô lao công hẳn sẽ cảm động lắm! (À, “miếng chai” là “mảnh sành” theo cách nói ngoài Bắc). 

Người bán hàng rong tranh thủ nghỉ ngơi trên phố Trần Hưng Đạo. Ảnh: Trần Nam Luân
Người bán hàng rong tranh thủ nghỉ ngơi trên phố Trần Hưng Đạo. Ảnh: Trần Nam Luân

Thành phố bao dung

Một buổi tối muộn, ở góc đường Bùi Thị Xuân, chúng tôi bắt gặp hai cha con nhà ai đang ngủ lăn lóc trên mấy tấm bìa các tông trên vỉa hè. Chiếc xe đạp lỉnh kỉnh những bao tải phế liệu dựng bên. Chắc cha con ve chai. Thằng bé chừng 3-4 tuổi nằm dang tay dang chân rúc đầu vào bụng cha, tấm chăn xỉn màu đắp ngang bụng, bên cạnh là chú cá sấu bông màu cam cũng đã xỉn màu.

Tò mò hỏi một nhân viên bảo vệ tòa nhà gần đó đang còn thức, chúng tôi được nghe một câu chuyện thực sự cảm động. Cái người mà chúng tôi tưởng là cha ấy thực ra là mẹ. Chị tên là Hương. Con trai 4 tuổi tên Thịnh. Chị vốn đã gầy và đen, lại còn cắt tóc ngắn, mặc áo thun, đội mũ lưỡi trai nên trông như đàn ông. Thực ra là chị cố tình làm vậy để bảo vệ con và bảo vệ mình trong những đêm tối đầy cạm bẫy của đất Sài Thành. Chị Hương quê Kiên Giang, mẹ con dắt díu nhau lên Sài Gòn nhặt ve chai từ nhiều năm nay.

Hôm sau, tôi quay lại góc đường Bùi Thị Xuân thì mẹ con Thịnh đã rời đi. Nhân viên bảo vệ tối qua bảo họ dậy sớm lắm. Mỗi sáng, mẹ lấy nước trong chai vệ sinh cá nhân, uống sữa tươi, mặc quần áo đồng phục, đeo cặp sách tươm tất cho con rồi dẫn con đến lớp mầm non. Thật ngạc nhiên là cậu bé ve chai vẫn hằng ngày được đến lớp, chứ không hề thất học như tối qua chúng tôi từng nghĩ. Một cách giản dị, hạnh phúc chính là đây chứ đâu. Cậu bé có thể thiếu những đồ chơi xa xỉ, những cuộc chơi xa xỉ, nhưng cậu luôn có mẹ ở bên, luôn có sự chở che và lòng yêu thương vô bờ bến. Có mẹ, cậu không bao giờ đói, không bao giờ rét, và vẫn được cắp sách đến trường như chúng bạn. Nhìn cái dáng ngủ dang tay dang chân say sưa và vô tư lự của cậu bé, dù là trên vỉa hè gió bụi – đó chính là hình ảnh biểu tượng của tình mẫu tử. Thịnh từng sống như củ khoai củ sắn, rồi đây sẽ trưởng thành, sẽ mạnh mẽ ít ra như mẹ cậu.

Khi đêm về, chúng tôi vẫn thường bắt gặp nhiều người vô gia cư ngủ trên vỉa hè. Phố Lê Thánh Tôn đoạn từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Nguyễn Trung Trực có 3 mẹ con bán hàng rong ngủ qua đêm trên tấm nilon. Gia tài chỉ có một bao dứa và cái giỏ nhựa nhỏ trong đựng lỉnh kỉnh mấy gói kẹo caosu, vài hộp giấy khô… Hai đứa trẻ nằm lăn lóc, người mẹ thì ngủ ngồi trông chừng bọn trẻ và đồ đạc, chốc chốc choàng tỉnh lấy quạt giấy quạt cho 2 đứa. Cánh xe ôm hết giờ làm cũng thường dựng xe ngay lề đường, kê túi đồ làm gối, nằm ngủ luôn trên yên xe. Hồ Con Rùa cũng là nơi lý tưởng để những người cơ nhỡ ngả lưng trên những chiếc ghế gỗ chật chội…

Sài Gòn rộng lượng thu nạp hàng triệu người từ khắp nơi đến sinh sống. Người sung túc, kẻ nghèo khổ nhưng tất cả đều có việc để làm. Chính quyền thống kê, trong khoảng 10 triệu dân của thành phố, có ít nhất 3,5 triệu là người nhập cư, 80% trong số đó đến đây vì lý do việc làm. Nếu so với cách đây 100 năm, thì dân số Sài Gòn bây giờ đã tăng lên gấp hơn 100 1ần - mức tăng không phải do gia tăng dân số tự nhiên, mà chủ yếu do gia tăng cơ học từ những đợt di dân. Thực ra, rất khó tìm được con số chính xác về những người tha hương đến thành phố hằng năm. Và cũng khó mà biết được họ là những ai. Ở Sài Gòn nghe giọng nói lạ không còn là lạ, dù là giọng Bắc, giọng Trung, có khi giọng Nam cũng là dân miền Đông miền Tây lên lập nghiệp.

Câu chuyện của chủ quán cơm Nam Định ở Võ Văn Tần chúng tôi hay ăn là một ví dụ. Ông tên Đặng Văn Trọng. Năm 1985 nhập ngũ, làm anh nuôi ở biên giới phía Bắc. Xuất ngũ về quê Ý Yên, Nam Định lấy vợ lập nghiệp, nhưng không có việc làm ổn định, bỏ ra TP Nam Định, lên cả Hà Nội đi xây nhưng vẫn không đủ ăn. Năm 2002 ông quyết định nam tiến. Lúc đầu, vợ chồng sắm cái xe đẩy bán dạo cháo lòng ở chân cầu Chữ Y. Những nồi cháo lòng nóng nghi ngút hồi đó mang về ít nhiều vốn liếng. Đến 2010 thì mở được Nam Định Quán, làm ăn phát đạt đến nay. Quán có các món ăn chuẩn Bắc Bộ như cá trắm kho, lòng lợn (heo) luộc, rau lang mắm cáy, canh cua, cà pháo mắm tôm… Ông chia sẻ giản dị: “Sài Gòn dễ làm ăn”. Từ Nam Định Quán nhìn sang bên kia đường là một quán ăn của một ông chủ Bắc khác - quán “Bún chả Hồ Gươm”, làm ăn cũng khấm khá, mới đây mở liền thêm 3 cơ sở nữa ở quận 5, quận 10 và 11, khách vô ra nườm nượp không khác cái ở quận 3 này.

Người nhập cư thành công ở Sài Gòn thì nhiều vô kể, có những người mà tên tuổi lẫy lừng trong giới doanh nhân, công chức, nghệ sỹ… – điều này chưa thể nói đến ở bài viết nhỏ này. Sài Gòn nhiều người tha hương, nên mỗi dịp tết dòng người lại lũ lượt ra Bắc hay về miền Đông, miền Tây trên những chuyến bay, những đoàn tàu và xe nêm chặt người và đầy ắp hàng hóa. Sài Gòn lại vắng hoe.

Sài Gòn hào hiệp ôm ấp biết bao phận người nghèo khó. Sài Gòn bao dung luôn có sẵn việc làm cho những người chăm chỉ, luôn dành cơ hội cho những người khởi nghiệp, dám dấn thân. Như cô Dung bạn của chúng tôi đây thôi, cô cũng đang nương nhờ sự hào hiệp, sự bao dung của Sài Gòn để lập thân, lập nghiệp. Cho dù giờ đây vẫn còn ở nhà thuê, nhưng hề chi, một công việc lương không tồi, một môi trường làm việc cởi mở và thân thiện như công ty cô đang làm hứa hẹn mang đến cho cô một tương lai tươi sáng. Mai kia cô lấy chồng, đẻ con. Con cô là người Sài Thành chính hiệu, là lớp người mới tràn trề năng lượng của một Sài Gòn năng động.  
10/2018

Trần Nam Luân
TIN LIÊN QUAN

Nước mắm Phú Quốc - sự lấp lánh của mộc mạc

Lục Tùng |

Nghề làm nước mắm đã hình thành ở huyện Phú Quốc (Kiên Giang) hơn 200 năm. Nước mắm Phú Quốc (NMPQ) được sản xuất theo phương thức truyền thống toàn chuỗi từ đánh bắt cá, muối cá, ủ chượp... nhưng lại cho ra đặc sản lấp lánh cả về hương, vị và sắc.

Chạm vào Sài Gòn (Kỳ 2): Người Sài Thành “lười biếng”

Trần Nam Luân |

Người Sài Gòn có thể siêng năng ở nhiều việc, nhiều lĩnh vực, nhưng chắc chắn là lười… đi bộ. Tôi ở Sài Gòn 3 tháng và thường xuyên cuốc bộ nên dám khẳng định điều đó. Trên vỉa hè, trong công viên và ngay trên phố đi bộ cũng chủ yếu là khách du lịch “tây” và mấy ông bà trung niên đi dưỡng sinh là chính.

Chạm vào Sài Gòn

Trần Nam Luân |

LTS: Trần Nam Luân - cộng tác viên của Lao Động, một doanh nhân sống ở Hà Nội gửi đến tòa soạn những dòng viết thú vị sau một thời gian ngắn anh sống và làm việc ở TPHCM. Những câu chuyện thực tế cùng cảm nhận dí dỏm, nhẹ nhàng như chỉ mới “chạm khẽ” vào Sài Gòn, song vẫn “nóng” chuyện thời sự của thành phố này.

Ghé thăm vườn sứ với những chiếc cối đá tự xoay tròn mãi

ĐINH TRỌNG |

Những người ở xa có dịp ghé thăm vườn sứ tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đều tỏ ra thích thú xen lẫn sự tò mò khí thấy những chiếc cối đá tự xoay tròn như có ai đó đang tác động.

Nước mắm Phú Quốc - sự lấp lánh của mộc mạc

Lục Tùng |

Nghề làm nước mắm đã hình thành ở huyện Phú Quốc (Kiên Giang) hơn 200 năm. Nước mắm Phú Quốc (NMPQ) được sản xuất theo phương thức truyền thống toàn chuỗi từ đánh bắt cá, muối cá, ủ chượp... nhưng lại cho ra đặc sản lấp lánh cả về hương, vị và sắc.

Chạm vào Sài Gòn (Kỳ 2): Người Sài Thành “lười biếng”

Trần Nam Luân |

Người Sài Gòn có thể siêng năng ở nhiều việc, nhiều lĩnh vực, nhưng chắc chắn là lười… đi bộ. Tôi ở Sài Gòn 3 tháng và thường xuyên cuốc bộ nên dám khẳng định điều đó. Trên vỉa hè, trong công viên và ngay trên phố đi bộ cũng chủ yếu là khách du lịch “tây” và mấy ông bà trung niên đi dưỡng sinh là chính.

Chạm vào Sài Gòn

Trần Nam Luân |

LTS: Trần Nam Luân - cộng tác viên của Lao Động, một doanh nhân sống ở Hà Nội gửi đến tòa soạn những dòng viết thú vị sau một thời gian ngắn anh sống và làm việc ở TPHCM. Những câu chuyện thực tế cùng cảm nhận dí dỏm, nhẹ nhàng như chỉ mới “chạm khẽ” vào Sài Gòn, song vẫn “nóng” chuyện thời sự của thành phố này.

Ghé thăm vườn sứ với những chiếc cối đá tự xoay tròn mãi

ĐINH TRỌNG |

Những người ở xa có dịp ghé thăm vườn sứ tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đều tỏ ra thích thú xen lẫn sự tò mò khí thấy những chiếc cối đá tự xoay tròn như có ai đó đang tác động.