Doanh nghiệp bất động sản muốn được làm nhà ở xã hội theo kiểu nhà trọ để cho thuê

Bảo Chương |

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về xây dựng và quy hoạch - kiến trúc; đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị, trong đó kiến nghị cho phép doanh nghiệp được tham gia xây dựng nhà ở xã hội dạng phòng trọ, nhà trọ để cho thuê.

Cụ thể, theo HoREA, TP.HCM có gần 13 triệu dân, trong đó có khoảng 3 triệu người nhập cư, phần lớn người nhập cư phải thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập. Hiện nay tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp có 274.622 công nhân, lao động, trong đó 69% là người ngoại tỉnh và chỉ có 8,54% có chỗ ở tại các khu nhà lưu trú công nhân chính quy, còn lại hơn 90% phải thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập.

Ngoài ra, TP có khoảng 500.000 sinh viên, có khoảng 80% là người ngoại tỉnh, phần lớn cũng phải thuê phòng trọ, nhà trọ dân lập. Thực hiện khoản 3 Điều 53 luật Nhà ở 2014 về "hộ gia đình, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên diện tích đất ở hợp pháp của mình", tại Nghị định 100 của Chính phủ đã giao cho "Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn thiết kế và ban hành quy định về điều kiện tối thiểu xây dựng nhà ở xã hội riêng lẻ” và Thông tư 20 của Bộ Xây dựng đã quy định tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua, như sau: “Diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 10m2; diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2 cho một người".

Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn các khu nhà trọ, phòng trọ của hộ gia đình, cá nhân là nhà lụp xụp, không có các tiện ích cơ bản, thiếu an toàn, an ninh, trong lúc doanh nghiệp không được đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê dạng phòng trọ, nhà trọ. Nếu doanh nghiệp được đầu tư nhà trọ, phòng trọ thì sẽ góp phần tăng nguồn cung loại phòng trọ có chất lượng tốt hơn, có nhiều tiện ích, dịch vụ phục vụ công nhân, người lao động và người nhập cư, tạo sự cạnh tranh, tạo áp lực để các hộ gia đình, cá nhân phải cải tạo, nâng cấp chất lượng phòng trọ, nhà trọ tốt hơn. Do vậy, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng cho phép doanh nghiệp được đầu tư phát triển nhà ở xã hội dạng phòng trọ, nhà trọ để cho thuê.

Bên cạnh đó, việc được phép tham gia phân khúc này doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp. Hiện nay các quy định của pháp luật chỉ cho phép hộ gia đình, cá nhân được vay tiền ngân hàng với lãi suất 4,8%/năm. Tuy nhiên, đến tháng 5.2018, Ngân hàng Chính sách xã hội TP.HCM công bố chỉ được phân bổ 50 tỉ đồng để phục vụ các mục tiêu về nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở xã hội dạng phòng trọ, nhà trọ để cho thuê trên địa bàn TP.HCM.

Bảo Chương