Chia sẻ tại buổi lễ, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng các nhà giáo đang sống và làm việc trong những ngày tháng với nhiều suy tư, trăn trở.
“Khi người ta chưa vượt qua được cái tôi nhỏ bé, khi người ta chưa thương yêu được người khác như chính thương yêu mình thì sân si sẽ còn làm lòng ta trĩu nặng. Khi còn ý nghĩ hơn người chỉ là hơn về tiền bạc, về địa vị là trên hết, mà quên rằng cái quý hơn là lẽ sống và cách sống của mỗi người, thì những này kia còn hiển hiện cũng là lẽ thường tình.

Dẫu sao, đừng để những xót xa, trĩu nặng xâm lấn vào hồn con trẻ. Mọi người hãy nhớ rằng, đừng vì những vị kỷ riêng tư, những gì bức xúc, bột phát, những chiều chuộng thái quá mà làm tổn thương thầy cô chân chính để rồi họ bất lực, buông xuôi thì con cái mỗi gia đình sẽ ra sao, trước khi nói đến những điều lớn lao hơn thế”, thầy Minh nói.
Theo thầy Minh, các thầy cô giáo đang phải đối diện với nhiều gian khó, những cơm áo gạo tiền thường ngày. Đã có những thầy cô đành dứt áo với nghề, đó là một nỗi buồn của nghề giáo.
“Những đồng nghiệp giã từ nghề giáo, chúng ta chia sẻ với họ và lấy làm tiếc nuối. Vì trong đó, không ít người vẫn đau đáu với nghề, với người; nhưng cơm gạo, áo tiền đã giằng xé họ và cuối cùng đành dứt áo ra đi. Ngọn nguồn của giáo dục là sự tử tế, sự chân chính và yêu thương, khi người ta phải đành lòng giã từ những giá trị đó để theo đuổi mục đích khác thì vấn đề rất đáng lưu tâm đối với một xã hội', thầy Minh nói.
Mặt khác, GS Nguyễn Văn Minh cũng chỉ ra những điều chưa được của một bộ phận thầy cô khiến học sinh "sợ hãi", đi ngược với triết lý giáo dục.
"Lẽ ra ở trường học chính là nơi có môi trường thân thiện, khoa học và văn minh nhất, nhưng không đơn giản như thế. Sinh viên của chúng ta ra trường, thu nhập là một phần, một phần nữa, chính một số đồng nghiệp chúng ta khi làm quản lý đã tạo nên những vòng kim cô, những cách thức làm việc có khi trái với nguyên lý giáo dục. Lẽ ra khuyến khích sáng tạo, lại gò ép, máy móc, tạo ra tâm lý sợ hãi và đó cũng là ngọn nguồn của chán nản. Có lúc, những thúc ép “ngoài” giáo dục, thúc ép hành chính, thúc ép thành tích đã buộc làm xê dịch lòng tự trọng nhà giáo. Cam chịu có khi thành đồng lõa.
Chúng ta cũng nghiêm túc nhìn lại chúng ta. Khi không tự soi, tự sửa thì khó mà tiến bộ. Có một số chỉ gán cho ngoại cảnh, và còn ai đó bảo thủ, ngại thay đổi, thích làm theo thói quen cố hữu, trong khi thời đại đã chuyển mình. Khi còn tâm lý như thế thì kêu ca và cùng với ngoại cảnh tác động dễ dẫn đến buông xuôi. Khi bản thân chúng ta chưa trân quý công việc của mình, chưa đem hết đam mê vì nó thì khó lòng để người khác tôn trọng việc mình làm", Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh.