Đánh cược mạng sống trên ngọn dừa

Lộc Bình |

Khi mà nghề nông đã không còn mang lại thu nhập cao thì nhiều nông dân đành rong ruổi khắp trong cùng ngõ hẻm ở Quảng Nam để thu mua dừa cải thiện cuộc sống. Mấy tháng hè khi nhu cầu sử dụng dừa tăng cao, người hái cũng kiếm bội tiền. Thu nhập nhiều là thế nhưng “sinh nghề tử nghiệp”, sức khỏe của người hái dừa cũng lắm mong manh, bạc mệnh…

Rong ruổi ngày hè

Giữa trưa hè, ông Nguyễn Văn Quý (48 tuổi, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) siết chặt những bó rơm trên cánh đồng thành từng đống để kịp giao cho tiểu thương làm nấm. Vài năm gần đây, nghề làm nấm phát triển nên việc thu mua rơm rạ tăng cao, nông dân vì vậy có thêm nguồn thu nhập sau mùa vụ. “Họ thu mua một sào có giá 100 ngàn đồng, nhà tui có 9 sào cũng có thêm gần 1 triệu đồng. Có người mua rơm đã là may, hồi trước lúa  gặt xong, rơm rạ toàn đốt bỏ hay cho trâu, bò ăn chứ biết làm gì đâu”  - ông Quý nở nụ cười diễn giải trên khuôn mặt sạm nắng.

Ông Quý ngồi bấm đốt ngón tay, phân tích: Trung bình 1 năm có  2 vụ, 1 sào lúa nông dân thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Ráng trồng thêm vài sào đậu phộng, bắp thì tăng khoảng 50 triệu đồng. Với số tiền đó, ông nói chắc nịch “nuôi con ăn học còn phải vay chỗ này, lấp chỗ khác chứ lấy gì mà dư giả”.  Cái khó ló cái khôn, thu nhập từ đồng ruộng bấp bênh nên nông dân như ông Quý tự xoay sở, tìm công việc làm thêm những mong cải thiện cuộc sống gia đình. Ngoài chuyện đồng áng, họ xin làm thêm nghề tạm bợ như chẻ đá, phụ hồ.  “Nhưng đó là trước đây thôi, nghề “hót” bây chừ là nghề… leo dừa!” – ông Quý bật mí và cho biết, bán nốt vài sào rơm rạ ở nhà, vài ngày nữa ông cùng nhóm bạn đi hái dừa thuê.

Từ cuối tháng 4 đến hết tháng 7 âm lịch sau khi những vùng đồng bằng có diện tích dừa lớn ở Quảng Nam được thu mua cạn, những nhóm người rong ruổi đến các huyện vùng núi tiếp tục công việc hái dừa thuê.  Công việc nặng nhọc nhưng ai cũng tranh thủ làm để kiếm nguồn thu nhập  thêm. 

Từ sự giới thiệu của ông Quý, chúng tôi liên lạc và theo chân nhóm người do ông Phạm Văn Hạng (52 tuổi, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình) lên các huyện miền núi Tiên Phước, Bắc Trà My, địa phương có diện tích dừa lớn, để thu mua dừa.  Tấp vào một quán nước ven đường tại huyện Bắc Trà My để phân công nhiệm vụ cho anh em trong nhóm tránh bị trùng lặp, ông Hạng không quên dặn tôi nửa đùa nửa thật: “Nhìn bọn tui hái nhưng nhớ tránh xa, người có mắt chứ dừa không có mắt đâu!”

Trong đoàn, trừ tôi với vẻ ngoài “không bình thường” ra thì 7 người trong nhóm đều có chung đặc điểm dễ nhận dạng là đi trên con xe máy hết đát, áo quần nhếch nhác, lộn xộn. “Áo quần thợ hái dừa không dày cũng không mỏng. Xe không còi, đèn, độ chế lại sao cho phù hợp nhất với nghề hái dừa thuê” – Nguyễn Hữu Bảo – thành viên trong nhóm giải thích rồi phóng xe mất hút trong con hẻm nhỏ.

Nghề mạo hiểm

Đầu hè nhưng trời Trà My nắng đổ lửa. Trưa oi ả nhưng đây lại là thời điểm nhóm người của ông Hạng tản ra khắp nơi thu mua dừa cho kịp giao hàng cho mối.  Tôi theo chân Kiên, thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn, len lỏi vào con đường bê tông vào sâu trong xã nghèo Trà Giang. Cưỡi trên con xe máy cà tàng, Kiên có dáng dong dỏng, tóc cháy nắng, da sạm nên ít ai nghĩ thanh niên này vừa bước sang tuổi 30.  Kiên kể, vì sự học không thuận lợi nên vào đời sớm. Không lười biếng từ ngày vào đời, Kiên xin vào làm công nhân may trong khu công nghiệp Hòa Khánh ở Đà Nẵng. Làm đâu được 10 năm liên tục, 2 năm trước, công ty giải thể nên Kiên bỏ về nhà. Trong thời gian rỗi, Kiên được người quen giới thiệu nên xin theo anh em trong xã hái dừa thuê.

Xe chúng tôi dừng trước một gia đình có vườn dừa trĩu quả, sau cuộc ngã giá chớp nhoáng, Kiên rảo bộ ra vườn dừa hành nghề nhẩm tính toán độ cao, thời gian thu hái.  Chọn được mấy gốc dừa ưng ý cao tầm 15 sải tay người lớn, Kiên nhổ bãi nước miếng vào tay xoa đều; đôi tay, đôi chân Kiên như dính chặt vào thân dừa, thoáng chốc ngồi lên đến ngọn dừa cao chót vót. 

Tôi quan sát trên cao, không dụng cụ bảo hộ nhưng Kiên di chuyển linh hoạt đảm bảo an toàn bản thân. Tay cầm rựa, Kiên rọc tàu lá xum xuê, Kiên đạp bẹ thông thoáng rồi chặt từng chùm dừa nặng trĩu. Kiên buộc dây thừng vào chùm dừa thả nhẹ nhàng xuống đất. Tính nhẩm từ lúc trèo lên đến khi thu hái xong một cây dừa, Kiên mất thời gian chưa đây 20 phút.  Cứ thế, hết cây dừa này đến cây khác cao chót vót đều được kiên chinh phục một cách thuần thục, gọn ghẽ.

Đống dừa sau cùng được Kiên gom gọn, mang ra chất đầy lên xe rồi giao tiền cho chủ nhà. Ngồi nghỉ ngơi, Kiên chia sẻ, cái nghề hái dừa người ngoài nhìn vào tưởng chừng như chỉ cần biết leo là đủ nhưng không đơn giản là vậy. Trèo lên cây, người hái dừa đối diện với  hàng loạt nguy hiểm rình rập như rắn, rết, ong, kiến làm tổ trên các bẹ, tàu lá… “Bởi vậy nên việc đầu tiên trước khi lên thân dừa là mình phải phát quang các bụi rậm trên cây tránh rắn, rết… Việc làm này chẳng ai bảo ai, mình tự bảo vệ sinh mạng mình thôi” – Kiên đúc kết.

Bản thân Kiên hay những người trong nhóm đều kể tôi rằng, phần lớn những người hái dừa thuê đều không có công việc ổn định hoặc là nông dân nông nhàn… Ai cũng dễ theo nghề nhưng yêu cầu bắt buộc là có một sức khỏe tốt, cần cù, chịu áp lực. Vào nghề, mỗi người thợ tự trang bị cho bản thân dụng cụ gồm đoạn dây thừng dài dài trên 40m, cây rựa, búa chặt dừa…

Một ngày làm việc kết thúc khi nhóm ông Hạng tập trung về một mối tại thị trấn Trà My để giao cho khách hàng.   Số dừa hái xong, theo ông Hạng sẽ được tiểu thương thu mua tận nơi rồi vận chuyển ra Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị… “Nghề này nguy hiểm nhưng thu nhập tốt. Trung bình mỗi người trong nhóm chúng tôi thu nhập từ 10-15 triệu đồng mỗi tháng” – ông Hạng tiết lộ. 

 
 
Đời hái dừa ngắn ngủi

Buổi tối, nhóm ông Hạng thuê tạm một căn gác ọp ẹp trong thị trấn để mọi người nghỉ ngơi, lấy lại sức.  Bữa cơm muộn qua loa rồi ai nấy vùi đầu vào chăn ngủ lấy sức mai tiếp tục công việc nặng nhọc.  Quan sát bàn tay chi chít sẹo trên người ông Hạng, người đối diện dễ dàng hình dung ra những vất vả, nguy hiểm mà người leo dừa phải đối diện. “Nghề này làm có tiền nhưng bạc bẽo lắm!” – ông Hạng nói – “vết sẹo trên tay tui, trên lưng tui do rựa và rắn cắn. Chẳng ai dạy ai, cứ sau mỗi tai nạn,  người hái tự trưởng thành, rút kinh nghiệm. Nghề dạy nghề mà!”.

Hơn 15 năm leo trèo, hái dừa nên ông Hạng không biết bao lần bị rắn cắn, kiến, rết độc đốt. Ông bảo có lẽ bị đốt nhiều quá nên giờ cơ thể có sức đề kháng. Thế nhưng người leo dừa vẫn sợ nhất vẫn là khi thời tiết chuyển trời, mưa giông bất chợt khiến thân dừa trơn nhẵn… “Đã có không ít anh em trong nhóm gặp tai nạn khi hái dừa vào trời mưa.  Nhiều người rơi từ trên cao xuống đất nhưng may mắn chỉ bị thương nhẹ, nhưng có trường hợp thì nặng hơn.

Ông Hạng kể, trong nhóm ông vài năm trước có trường hợp của ông Nguyễn Văn (quê xã Bình Phục, huyện Thăng Bình) vốn là một tay leo dừa thượng hạng. Trong một lần bất cẩn, ông Văn bị rắn cắn trên ngọn dừa và rơi xuống đất rồi tàn phế. Nhiều năm nay, ông Văn chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều trông nhờ vào người vợ tảo tần. Còn một thanh niên tên Tường, năm ngoái bất cẩn rơi từ trên cao xuống đất rồi gãy tay, hãi quá nên Tường bỏ hẳn tìm nghề khác...

Mấy chục năm theo nghề, ông Hạng hiểu rõ những nguy hiểm rình rập đối với người hái dừa. Giờ khi về tuổi xế chiều, ông đã không còn nhanh nhạy, linh hoạt như xưa nên ông bảo, hết mùa dừa này ông và một số người trong nhóm bỏ nghề, tìm việc khác ở quê nhà. Vậy là, khi lớp người như ông Hạng không còn đủ sức khỏe, lớp thanh niên như Kiên mà tôi gặp lại tiếp tục đánh cược tính mạng, sức khỏe của bản thân trên những ngọn dừa...  

Lộc Bình