Đừng ham đứng tên làm giám đốc giùm

LS NGUYỄN THỊ THÚY HƯỜNG |

Thạc sỹ A đang công tác tại một trường đại học, một hôm về quê chơi gặp nhóm bạn học chung cấp 3, trong đó có anh N đang kinh doanh tự do. Vốn tính nhanh nhẹn và khéo kết nối, nên anh N làm công việc rất tốt, và đang muốn thành lập công ty để làm ăn lớn. Biết điều kiện của anh A, anh N cố gắng thuyết phục bạn đứng tên giùm làm giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Giám đốc trên danh nghĩa

Anh A lúc đầu từ chối quyết liệt vì không rành về kinh doanh, hơn nữa công việc ở trường đại học cũng rất bận rộn. Tuy nhiên, anh N vẫn cố gắng thuyết phục rằng mọi việc kinh doanh, giao dịch đã có anh N lo liệu, anh A chỉ đứng tên để tạo sự tin tưởng với các đối tác, nếu công ty phát triển thì anh A được tặng 30% vốn góp của công ty. Đổi lại, hàng tháng công ty sẽ trả cho anh A một khoản thù lao “đứng tên giùm” khoảng 10 triệu đồng. Nể tình bạn cộng với việc anh N khéo thuyết phục, cuối cùng anh A cũng đồng ý đứng tên làm giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên hoạt động trong lĩnh vực cung ứng lao động.

Do không trực tiếp điều hành, nên anh A cũng không để ý nhiều đến việc công ty hoạt động ra sao. Anh A chỉ giật mình khi tình cờ phát hiện anh N ký hợp đồng tùm lum với nhiều đối tác không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực lao động. Không những vậy, anh N còn đề nghị anh A ký một loạt những hợp đồng hợp tác và hợp đồng vay vốn. Lo lắng với hậu quả phải gánh chịu, anh A tìm đến luật sư để tư vấn về những rủi ro mà anh có thể gặp phải với tư cách là người góp vốn 60% và là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Quá nhiều rủi ro

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nếu như doanh nghiệp có hành vi kê khai hồ sơ đăng ký doanh nghiệp không trung thực thì sẽ bị phạt tiền từ 10 -15 triệu đồng. Ngoài ra, với tư cách là người góp vốn (dù thực tế không hề góp vốn), anh A sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn cam kết góp vào công ty theo quy định tại điều 48 Luật Doanh nghiệp 2014.

Theo đó, 1. Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty. 2. Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp. 3. Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì được xử lý như sau: a) Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty; b) Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp; c) Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên. 4. Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên. 5. Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp. Giấy chứng nhận phần vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây: a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty; b) Vốn điều lệ của công ty; c) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với thành viên là cá nhân; tên, số quyết định thành lập hoặc mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức; d) Phần vốn góp, giá trị vốn góp của thành viên; đ) Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp; e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty. 6. Trường hợp giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác, thành viên được công ty cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp theo trình tự, thủ tục quy định tại điều lệ công ty.

Như vậy, theo quy định trên, anh A vẫn phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của các thành viên.

Chưa hết, nếu công ty kinh doanh thua lỗ hay có hành vi trốn thuế, lừa đảo, kinh doanh trái phép, thì anh A, với tư cách là người đại diện theo pháp luật của công ty, sẽ phải thực hiện các các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm quy định tại khoản 1 điều 13 và điều 14 Luật Doanh nghiệp 2014 về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật. Đồng thời, người đại diện theo pháp luật là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước trọng tài, tòa án về các nghĩa vụ giải trình, nộp phạt hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự nếu có.

Sau khi nghe luật sư phân tích, anh A thấy hết rủi ro và quyết định rút tên khỏi công ty, dù biết rằng tình bạn giữa anh và anh N sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. “Đã có bao nhiêu trường hợp bị khổ sở, thậm chí bị tù tội do làm giám đốc giùm rồi. Thôi tự mình phải biết cứu mình, chứ không nên trông chờ vào người khác”, anh A nói vẻ đầy hiểu biết về vấn đề và vui vẻ ra về.

LS NGUYỄN THỊ THÚY HƯỜNG