Giọt nước mắt và 4.000 tỉ đồng không làm sạch rác

NGỌC UYÊN |

Tại TPHCM, việc người dân vứt rác bừa bãi làm bẩn đô thị, ô nhiễm môi trường là một vấn nạn. Trong khi đó, cũng người dân đó đi nơi khác như Singapore lại không dám “làm bậy”, bởi sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Như vậy vấn đề rác thành vấn nạn ở TPHCM nói riêng và các đô thị Việt Nam nói chung không hẳn chỉ chờ vào ý thức tự giác.

Xả rác mọi chốn

Tại kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua, vấn đề vệ sinh môi trường đô thị lại được xới lên với nhiều biểu cảm, thậm chí có đại biểu nói rằng mình đã khóc khi chứng kiến cảnh công nhân vệ sinh ngâm mình trong cống.

Xả rác bừa bãi nơi công cộng ở Việt Nam đã được “xới” nhiều lần, giờ thành “căn bệnh kinh niên”, ở mọi nơi. Thậm chí như dẫn chứng của đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1) sau mỗi sự kiện lớn cả tuyến đường này gần như ngập trong rác, công nhân vệ sinh phải thu gom đến 4 giờ sáng mới hết. Hoặc tại khu vực đầu hầm Thủ Thiêm (quận 2), sau mỗi đợt bắn pháo hoa là tràn ngập rác do người đi xem quẳng lại.

Dạo quanh kể cả các cao ốc, trung tâm thương mại lớn giữa trung tâm quận 1, để ý chút, ta sẽ không quá khó khi phát hiện người dân, kể cả “áo quần bảnh bao” vẫn lén búng mẩu thuốc lá ra vệ đường, hay một hot girl nhỏn nhẻn vo vo vỏ kẹo thả nhẹ xuống chân…

Còn các vùng quận huyện ngoại thành thì khỏi nói. Điển hình tại quận 8, theo báo cáo của chính quyền địa phương, có nhiều dự án bất động sản do chậm triển khai, đã biến thành bãi chứa rác gây ô nhiễm môi trường.

Không chỉ người dân, ngay cả doanh nghiệp chuyên nghề xử lý rác lại cũng gây ô nhiễm môi trường. Điển hình, Cty TNHH MTV dịch vụ công ích huyện Nhà Bè đã biến một bãi trống nhưng nằm trên đường dân sinh kề trường học làm điểm tập kết rác trái phép. Hậu quả người dân xung quanh và trẻ em lãnh đủ mùi hôi thối, ô nhiễm.

Theo HĐND TPHCM, nhiều Cty công ích khoán việc thu gom rác cho tư nhân. Các đơn vị tư nhân khi đi gom trong khu dân cư thường dùng xe máy kéo theo thùng rác hơn 600 lít không che chắn kín đáo. Thành ra xe chở rác đi tới đâu, lại rải nước thải và mùi hôi thối tới đó.

Có luật, có 4.000 tỉ đồng nhưng…

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng (Giám đốc Sở TNMT TPHCM), lượng rác thải được xả ra nơi công cộng ở TPHCM tăng khoảng 6% mỗi năm. Ông Thắng cho biết, pháp luật có quy định với 4 hành vi xả rác nơi công cộng, mức xử phạt thấp nhất 500 nghìn, cao nhất 7 triệu đồng và được giao về quận-huyện xử lý. Có nhiều nơi đã gắn camara giám sát xử lý việc vứt đổ rác bừa bãi.

Bên cạnh luật pháp, bà Phan Thị Thắng (Giám đốc Sở Tài chính TPHCM), cũng thông tin, mỗi năm TPHCM dành khoảng 4.000 tỉ đồng để thu gom rác thải, trong đó có gần 1.200 tỉ đồng dành cho việc xử lý nước thải sinh hoạt, 700 tỉ đồng chi cho việc quét rác, 88 tỉ đồng chi cho việc phân loại rác tại nguồn, 1.800 tỉ đồng chi cho khâu xử lý rác thải…

Số tiền này mới chỉ trích ra từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa tính tới tổng số kinh phí người dân phải đóng tiền rác hàng tháng.

Có luật và có tới 4.000 tỉ đồng cho ra mỗi năm, tại sao rác vẫn ngập ngụa khắp nơi gây bức xúc trong dân? “Đã đến lúc các nhà quản lý cần xem xét lại cách xử lý vấn đề này để đảm bảo môi trường sống trong lành, không ô nhiễm cho người dân”, một đại biểu HĐND bức xúc.

Đi nước người giữ vệ sinh tốt, về nhà mình thì…

Có không ít chuyên gia cho rằng việc xả rác bừa bãi là do ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, nên cần tăng cường tuyền truyền. Thực tế hàng chục năm qua TPHCM cũng đốt hàng nghìn tỉ cho việc làm này, mà sự chuyển hóa không thấy nhiều. “Tôi có cảm giác chúng ta làm như phong trào nên không thể xây dựng, nâng cao ý thức của người dân”, đại biểu HĐND TPHCM, bà Nguyễn Thị Tố Trâm nhận định.

Một thực tế không thể phủ nhận, cùng một người dân Việt, ở Việt Nam sẵn sàng vứt rác ra đường, nhưng khi đi du lịch sang Singapore thì ngược lại. Bởi đơn giản, Singapore áp dụng “luật thép” với bất kỳ ai xả rác. Với người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 đôla (hơn 100 triệu đồng). Nếu bị kết tội xả rác ba lần, sẽ bị buộc làm vệ sinh đường phố một tuần với một thông báo đi kèm “tôi là người xả rác”, một hình thức làm người phạm tội xấu hổ để đảm bảo rằng họ sẽ không xả rác một lần nữa.

Còn ở Việt Nam? Trò chuyện với chúng tôi, một đại biểu HĐND TPHCM cho hay, bà đi tiếp xúc cử tri ở một huyện ngoại thành. Dân thừa nhận cũng hay… vứt rác ra đường. Có hôm đang chuẩn bị vứt thì thấy “chú công an”, nhưng “chú ấy” cười cười rồi ngoảnh mặt lờ đi, thế là túi rác thản nhiên thả bịch xuống góc đường quen thuộc.

Từ dẫn chứng trên, vị đại biểu cho rằng, vấn đề nằm ở ý thức tuân thủ pháp luật và việc thực thi pháp luật có nghiêm minh hay không. Nên với vấn nạn xả rác ở TPHCM, nếu người dân có lỗi một phần thì cơ quan quản lý lỗi đến 10 phần, khi chưa thực hiện nghiêm pháp luật. 

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê: “TPHCM đang thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù vì vậy TP cần xây dựng một khung xử phạt, chế tài thật nặng để răn đe nhằm ngăn chặn suy nghĩ yếu kém khi vô tư xả rác ra nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường. Đó mới là giải pháp giúp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân tại nơi sinh sống và cộng đồng”.

NGỌC UYÊN
TIN LIÊN QUAN

Hàng trăm hộ dân bị "tra tấn" hơn 10 năm bởi bô rác “tạm” khổng lồ

Châm Bùi |

Bô rác tạm ở phường Hiệp Thành, quận 12 đã tồn tại hơn 10 năm, hàng chục tấn rác hàng ngày bốc mùi hôi thối nồng nặc. Dù người dân đã phản ánh nhiều năm nay, song chính quyền vẫn chưa có những giải pháp ngăn chặn ô nhiễm hoặc di dời bô rác này đi xa khu dân cư.

Giải pháp nào cho nạn trộm cướp ở TPHCM?

Anh Nhàn - Yến Oanh |

Những vụ cướp giật liên tiếp xảy ra thời gian gần đây trên địa bàn TPHCM, khiến nhiều người lo sợ và tự hỏi bao giờ người dân thành phố, du khách nước ngoài đến đây không còn nơm nớp lo sợ bị cướp giật khi ra đường?

Vườn Quốc gia Cát Tiên “kêu cứu” vì khai thác cát

HÀ ANH CHIẾN |

Vườn quốc gia Cát Tiên (VQG Cát Tiên) là khu “rừng cấm” đóng chân trên địa bàn nhiều tỉnh gồm Đồng Nai, Lâm Đồng... đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới do đặc trưng là rừng nguyên sinh, có hàng nghìn loài động thực vật quý hiếm và đặc biệt quý hiếm hầu hết có trong Sách Đỏ. Tuy nhiên, hiện nay VQG Cát Tiên đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng từ hệ sinh thái hai bên bờ sông Đồng Nai do tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều năm qua.

TP.HCM: Hàng loạt trụ Metro đang bị bẩn vì nạn vẽ bậy

Thạch Nam |

Những chữ nguệch ngoạc, hình vẽ quái dị đang tràn ngập dưới chân trụ Metro làm xấu đi nét đẹp của công trình.

Hàng trăm hộ dân bị "tra tấn" hơn 10 năm bởi bô rác “tạm” khổng lồ

Châm Bùi |

Bô rác tạm ở phường Hiệp Thành, quận 12 đã tồn tại hơn 10 năm, hàng chục tấn rác hàng ngày bốc mùi hôi thối nồng nặc. Dù người dân đã phản ánh nhiều năm nay, song chính quyền vẫn chưa có những giải pháp ngăn chặn ô nhiễm hoặc di dời bô rác này đi xa khu dân cư.

Giải pháp nào cho nạn trộm cướp ở TPHCM?

Anh Nhàn - Yến Oanh |

Những vụ cướp giật liên tiếp xảy ra thời gian gần đây trên địa bàn TPHCM, khiến nhiều người lo sợ và tự hỏi bao giờ người dân thành phố, du khách nước ngoài đến đây không còn nơm nớp lo sợ bị cướp giật khi ra đường?

Vườn Quốc gia Cát Tiên “kêu cứu” vì khai thác cát

HÀ ANH CHIẾN |

Vườn quốc gia Cát Tiên (VQG Cát Tiên) là khu “rừng cấm” đóng chân trên địa bàn nhiều tỉnh gồm Đồng Nai, Lâm Đồng... đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới do đặc trưng là rừng nguyên sinh, có hàng nghìn loài động thực vật quý hiếm và đặc biệt quý hiếm hầu hết có trong Sách Đỏ. Tuy nhiên, hiện nay VQG Cát Tiên đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng từ hệ sinh thái hai bên bờ sông Đồng Nai do tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều năm qua.

TP.HCM: Hàng loạt trụ Metro đang bị bẩn vì nạn vẽ bậy

Thạch Nam |

Những chữ nguệch ngoạc, hình vẽ quái dị đang tràn ngập dưới chân trụ Metro làm xấu đi nét đẹp của công trình.