Giúp công nhân “nếu có buồn em hãy nói ra”

LÊ AN NHIÊN |

Để đoàn viên, công nhân (CN) không cô đơn chống chọi với những cảm xúc tiêu cực, các công đoàn (CĐ) cơ sở đã mở các lớp học, tập huấn giải quyết những tình huống phát sinh từ cuộc sống, việc làm giúp CN hướng đến những suy nghĩ tích cực.

Lớp học Quản lý cảm xúc

“Em là người mới, mặc dù rất cố gắng làm việc nhưng không được tổ trưởng sản xuất hài lòng. Nếu em bị cô lập, em phải làm sao? Em rất thích công ty vì chế độ đãi ngộ tốt, CĐ có nhiều chương trình hay nên em mới nộp đơn vào đây làm việc. Được công ty nhận, em rất vui và cố gắng làm việc nhưng không hiểu sao không được tổ trưởng hài lòng” – Giảng viên nội bộ của Cty Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai), đọc mẫu giấy do một nữ CN gửi đến lớp học Quản lý cảm xúc do CĐ cơ sở Cty Taekwang Vina tổ chức.

Đọc xong, nữ giảng viên ngừng giây lát rồi nói: “Gặp tình huống này, việc đầu tiên là bình tĩnh xem xét lại thái độ, hành xử của mình. Nếu tổ trưởng chỉ không hài lòng mỗi mình trong khi vẫn đối xử tốt với tất cả những người khác thì mình có thể đã làm điều gì đó không đúng. Khi đã tìm được lý do thì giải quyết dễ hơn. Khi không thể nói chuyện trực tiếp với tổ trưởng, em có thể nói chuyện với các đồng nghiệp lâu năm, lắng nghe các ý kiến của các chị để có thể có hướng giải quyết tốt nhất.

Ở tổ sản xuất, ngoài tổ trưởng sản xuất, còn có tổ trưởng tổ CĐ, những tổ trưởng CĐ sẽ luôn lắng nghe các ý kiến, tâm tư tình cảm của các bạn. Em có thể thông qua tổ trưởng tổ CĐ để làm cầu nối để chị tổ trưởng sản xuất hiểu mình hơn. Ngoài ra còn có các anh chị trong ban chấp hành CĐ công ty sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ em. Em là một người yêu công ty, quý CĐ, thích công việc thì em hãy cố gắng giải quyết những chuyện vụn vặt để gắn bó với công ty. Mọi người sẽ luôn ủng hộ nếu em có cố gắng, làm tốt công việc”.

Ông Đinh Sỹ Phúc – Chủ tịch CĐ Cty Taekwang Vina, chia sẻ: Đó chỉ là 1 trong những tình huống đơn giản của CN khi trình bày với các giảng viên nội bộ. Nhiều anh chị em còn bộc bạch, chia sẻ những câu chuyện khá phức tạp, những bức xúc, những rắc rối, sự cố các anh chị em gặp phải trong công việc, cuộc sống. “Bất kỳ tình huống nào, chúng tôi cũng phải suy nghĩ kỹ để đưa ra giải pháp, tư vấn cho anh chị em. Chúng tôi rất vui vì anh chị em đã nói ra, có như vậy chúng tôi mới hiểu để chia sẻ với anh chị em” – Ông Phúc nói.

Lớp học Quản lý cảm xúc được CĐ Cty Taekwang Vina triển khai gần 1 năm nay. Có hai nguồn giảng viên là giảng viên thỉnh giảng, tức là những nhà tư vấn tâm lý, chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp và giảng viên nội bộ. Giảng viên nội bộ được CĐ tuyển chọn và đưa đi học các khóa đào tạo về tâm lý, xử lý tình huống ở các trung tâm. Lớp được mở theo đợt, tiếp nhận các ý kiến của CN và trả lời, giải đáp trực tiếp. Không chỉ giải quyết các tình huống, các giảng viên còn hướng dẫn CN quản lý cảm xúc của mình, hướng đến những suy nghĩ tích cực.

Nói về lý do ra đời các lớp học này, ông Phúc chia sẻ: “Cuộc sống của anh chị em CN chịu tác động của mạng xã hội và những mối quan hệ xung quanh. Nhiều trường hợp suy nghĩ tiêu cực dẫn đến hành động sai, không chỉ gây hại cho bản thân mà còn cho người khác. Cho nên chúng tôi quyết định mở các lớp Quản lý cảm xúc để giúp CN “có buồn thì hãy nói ra”, đừng để trong lòng, gây ấm ức, khó chịu”.

Để chi tiêu tốt hơn

“Vợ chồng Tuấn cùng chuyền với mình, thu nhập của hai vợ chồng cũng 15 triệu/tháng mà giờ mua được miếng đất, nghe đâu đang tính chuyện xây nhà. Vậy mà vợ chồng mình cứ thiếu trước hụt sau, có tháng còn phải đi vay nợ” – Anh Trung, làm việc tại KCX Tân Thuận (TPHCM), thở dài với vợ khi chiều nay, lúc tan ca, anh nghe đồng nghiệp khoe tính chuyện xây nhà. Vợ anh gật đầu đồng ý, nhìn lại cách chi tiêu của gia đình lâu nay, chị chốt: “Do gia mình chi tiêu hoang phí. Lương có bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, không có tiết kiệm nên khi đụng chuyện đột xuất phải đi vay. Vay nợ rồi lại trả, cứ như thế lòng vòng không thoát được cảnh nợ nần”.

Vợ chồng anh Trung không phải là cá biệt, khi hiện nay, nhiều gia đình CN thường xuyên lâm cảnh nợ nần vì chi tiêu không hợp lý, không biết cách tiết kiệm. Ngược lại, một số gia đình CN biết cách tiết kiệm, với số tiền ít ỏi, họ vẫn có khoản để dành để mua đất cất nhà. Vợ chồng anh Nguyễn Minh Phương (Bình Chánh, TPHCM) vốn là CN, làm việc tại Cty TNHH PouYuen Việt Nam (Bình Tân, TPHCM). Với thu nhập của hai vợ chồng hơn 15 triệu đồng/tháng, anh chị đã mua được một miếng đất và xây căn nhà cho riêng mình.

Anh Phương chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều là người miền Trung, vào Nam lập nghiệp, xác định TPHCM là quê hương thứ hai của mình. Tôi muốn có chỗ cho con ở đàng hoàng nên ngay từ đầu, vợ chồng tôi đã tiết kiệm. Có những khoản chi mình không thể cắt giảm được như tiền nhà trọ, tiền học cho con, còn những khoản khác như mua sắm áo quần, đồ dùng phải mua những cái nào cần thiết. Vợ chồng tôi cũng xác định, khi đang ở trọ, không nên mua sắm nhiều. Có được hơn trăm triệu tiền tiết kiệm, vợ chồng tôi đi tìm đất, chịu khó mua xa một chút, thiếu thì vay mượn thêm, trả dần. Chúng tôi tiết kiệm bằng nhiều cách như hàng tháng trích lương gửi ngân hàng, có khoản thưởng đột xuất tôi làm sổ tiết kiệm, bỏ ống heo… Mình lương thấp, phải tính toán kỹ”.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên – Trưởng Ban nữ công (LĐLĐ TPHCM) chia sẻ: “Chi tiêu không hợp lý dẫn đến thiếu hụt tiền bạc là một trong những nguyên nhân gây mâu thuẫn gia đình. Không ít trường hợp CN có những vấn đề về tâm lý mà nguyên nhân khởi phát từ chuyện tiền bạc, tài chính. Chi tiêu hợp lý cũng cần kỹ năng và được đào tạo, hướng dẫn, do đó, hiện nay một số CĐ cơ sở, các tổ chức đoàn thể đã có những lớp học, đào tạo ngắn hạn miễn phí hỗ trợ cho CN”.  

LÊ AN NHIÊN