Khốn khổ vì lương cao!

THÙY DƯƠNG |

“Chắc tớ phải ra đi thôi, cậu xem có chỗ nào tuyển nhắn tớ với nhé. Tớ chịu hết nổi” – Nguyệt thở dài, gọi cho tôi khi vừa tan giờ làm.

Nguyệt là bạn thời đại học của tôi. Nguyệt vốn là thủ khoa đầu vào hồi chúng tôi thi đại học. Trong nhóm chúng tôi, Nguyệt là đứa thông minh, chăm chỉ nhất. Vốn con nhà nông nên Nguyệt không ngại vất vả, hồi học đại học, chúng tôi còn bận chơi bời, đàn đúm thì Nguyệt đã xin đi làm đủ mọi việc. Nhận bằng tốt nghiệp, chúng tôi rủ nhau đi chơi 1 tháng rồi về xin việc thì Nguyệt đã có chỗ gọi đi làm.

Nguyệt vốn hiền lành, không màn chuyện ganh đua, tranh giành chức quyền. Tưởng cái tính đó sẽ giúp Nguyệt yên ổn, làm tốt công việc của mình nhưng không phải. Nguyệt nhiều lần bị đồng nghiệp làm cho “lên bờ xuống ruộng” chỉ vì “hiền mà làm việc lương cao”.

Cách đây gần 1 năm, Nguyệt được đích thân giám đốc bộ phận Sale – Marketing của công ty mời về làm việc. Lúc đó Nguyệt đang làm cho một công ty khác, vì nể người giám đốc, vốn là sếp cũ nên Nguyệt trở về với cam kết mức lương sẽ không thấp hơn ở chỗ làm cũ.

Ngoài công việc được giao, Nguyệt còn phụ trách thêm công việc của một trưởng nhóm hiện đang nghỉ thai sản. Với lượng công việc gấp đôi lúc thỏa thuận nhưng Nguyệt vẫn làm tốt, được ban tổng giám đốc công ty đánh giá cao. Mọi việc dần trở nên phức tạp khi Chân, trưởng nhóm hết thời gian nghỉ thai sản, đi làm trở lại. Không biết bằng cách nào đó, mức lương của Nguyệt được trưởng nhóm biết rồi cả phòng cũng biết. Ban đầu mọi người chỉ là xì xầm, sau đó là chống đối, cô lập…

“Con đó làm gì mà lương cả hai chục triệu mỗi tháng. Trước đó thấy việc còn nhiều, còn ở lại công ty làm đêm, làm ngoài giờ chứ giờ bà Chân đi làm trở lại. Cũng ngày làm 8 tiếng mà lương gấp ba cái Viên là sao” – Một cuộc đối thoại mà Nguyệt tình cờ nghe được trong nhà vệ sinh nữ khi mấy đồng nghiệp trong phòng bàn luận về mức lương của cô.

Sự việc lên đến đỉnh điểm khi giám đốc bộ phận Sale Marketing chuyển công tác, Nguyệt bị đồng nghiệp cô lập, gây khó dễ với mục đích “để xem có hoàn thành công việc được không để mà nhận lương cao gấp 3 người khác”.

“Tớ gửi nội dung qua phòng thiết kế, có thời hạn nhận file rõ ràng, tớ liên tục nhắc vậy mà đến ngày giao file, người phụ trách lại nghỉ phép, những người còn lại thì lắc đầu “không biết”. Chị Chân thì bày tỏ thái độ không hài lòng ra mặt bởi mức lương của tớ gần bằng của chị ấy. Chị ấy nói với mọi người rằng tớ còn trẻ, chưa có kinh nghiệm nhiều, tiền lương của tớ gần bằng chị ấy là một sự bất công. Cả ngày ở công ty, tớ không thể nở được một nụ cười, ăn cơm thì lầm lũi một mình. Tớ thực sự rất mệt mỏi. Tớ phải đi tìm việc khác thôi” – Nguyệt giãi bày.

“Tiền lương của mỗi người trong công ty là do tự cá nhân đó thỏa thuận với đại diện doanh nghiệp, lương cao lương thấp còn tùy thuộc vào năng lực, trình độ của mỗi người. Tiền lương của cậu cao nhưng đâu phải là những đồng nghiệp kia trả cho cậu, hoặc cũng không vì lương của cậu cao mà lương những người kia thấp lại. Thay vì ganh ghét, nghĩ cách cô lập người khác thì họ nên nghĩ cách làm thế nào đó để hoàn thành được công việc để có một mức lương cao hơn. Tớ nghĩ cậu nên nói chuyện sòng phẳng với họ. Còn những ai cố tình gây khó dễ trong công việc, không hợp tác với cậu mà ảnh hưởng đến công việc chung của công ty, cậu nên nói thẳng. Lần thứ nhất không được, cậu nên nói chuyện với giám đốc bộ phận mới, ngoài ra còn có ban tổng giám đốc. Đừng vì những đồng nghiệp như vậy mà đầu hàng” – Tôi “xổ một tràng” và khuyên Nguyệt hãy chiến đấu.

Thế nhưng, trái với khí thế hừng hực của tôi, Nguyệt lại thở dài: “Thôi, cố gắng làm gì, người ta đã không thích thì mình có nói gì cũng vậy. Tớ sẽ đi tìm một công việc khác, một môi trường mới, để mặc họ vẫy vùng với những tính toán bé mọn của mình”.  

THÙY DƯƠNG