Không yêu thì nói một điều cho xong!

BÍCH HẠNH |

“Có yêu thì nói rằng yêu, không yêu thì nói một điều cho xong. Làm chi dở đục dở trong…” – Cái Ngân nghêu ngao hát khi nghe Hà than thở về công việc. Hát chán chê, Ngân chốt: “Thôi cậu viết đơn nghỉ quách cho rồi. Nhằng nhì mãi chả được tích sự gì, ngoài kia còn đầy cơ hội, cớ gì cứ bám lấy chỗ đấy”.

Hà là một người có năng lực, chịu khó nhưng lại ngại thay đổi. Hà làm việc ở công ty đã hơn 5 năm, từ lúc mới ra trường. Công ty chuyên về may mặc thời trang, Hà lại học chuyên ngành thiết kế thời trang nên công việc ở công ty đối với Hà là rất phù hợp. Từ mức lương khởi điểm 4 triệu đồng khi vừa ra trường, đến nay, lương của Hà đã hơn 10 triệu đồng/tháng. Hai tháng trước, công ty thay đổi trưởng phòng Thiết kế. Trưởng phòng mới bắt đầu một cuộc “thanh lọc” nhân viên. Vốn là cấp dưới thân tín của sếp cũ nên Hà bị sếp mới soi rất kỹ. Đặc biệt, sếp mới cũng muốn đưa một người thân tín về, thay vị trí của Hà.

Một số nhân viên năm rồi bị đánh giá xếp loại B, tức chưa hoàn thành nhiệm vụ, sếp mới đều trả về phòng nhân sự và yêu cầu tuyển mới. Riêng Hà, sếp cũng muốn trả về nhưng xếp loại đánh giá công việc của Hà qua các quý đều là A hoặc A+ nên sếp muốn trả cũng chẳng được. Vậy là sếp bắt đầu chiến thuật “o ép” để Hà tự ý xin nghỉ. Việc nào khó, sếp đều “ưu tiên” giao cho Hà, khi cô cần hỗ trợ, sếp trả lời hoặc phê duyệt rất lâu. Chưa kể, không chỉ trong quá trình làm việc, mà ngay cả công việc đã có kết quả, sếp cũng tìm mọi cách, mọi lý do để chê bai hoặc tỏ vẻ không vừa lòng.

Về phần mình, Hà tỏ ra rất khổ tâm. Mặc dù là chỗ thân tín với sếp cũ nhưng Hà không có ý chống đối sếp mới. Hơn nữa, Hà cần công việc chứ không phải cần sếp, vậy mà sếp mới của Hà không chịu hiểu. Hôm rồi, Hà nghe trưởng phòng nhân sự thông báo, đã có một ứng cử viên mới nộp hồ sơ vào vị trí của Hà, nghe đâu là người thân tín của của sếp mới. Vẻ như vị trí của Hà bị đe dọa thực sự!

Từ ngày có sếp mới, mỗi lần về phòng, Hà đều than ngắn thở dài khiến Ngân “não hết cả lòng”. Ngân phân tích: Các sếp hay thích những người “hợp gu”. Có thể sếp mới của Hà là một người cực đoan khi đã không chịu tiếp nhận những người lính mới mà cứ khư khư muốn giữ bên mình những người lính cũ. Nhưng đó là quyền và suy nghĩ, cách làm việc của họ. Một khi họ đã có ý định muốn thay người thì nhân viên dù có cố gắng thế nào cũng không làm họ thay đổi được. Hơn nữa, “lính ruột” của họ đã nộp hồ sơ vào công ty, nghĩa là người kia đã rất sẵn sàng, có thể đã nghỉ việc ở chỗ cũ rồi, họ chỉ còn một con đường duy nhất là thay thế vị trí của Hà.

“Sếp cậu cũng có cái dở là nếu không thích hoặc không muốn cậu giữ vị trí đó thì có thể thương lượng hoặc bố trí sắp xếp lại công việc. Không nhất thiết phải ép người khác vào đường cùng, soi từng việc nhỏ để tìm lỗi. Tớ thấy, cậu tốt nhất là nên nghỉ việc, kéo dài tình trạng này còn căng thẳng hơn. Hoặc vẫn còn muốn gắn bó với công ty, cậu nên gặp trực tiếp ban giám đốc, phòng nhân sự, xem có thể xin chuyển công tác sang phòng ban khác. Hãy thay đổi mình, biết đâu cơ hội mới sẽ tốt đẹp hơn” – Ngân động viên.

Trước lời động viên của Ngân, Hà thấy nhẹ lòng hơn. Cô quyết định sẽ đổi công việc mà trước khi đi, cô sẽ nói chuyện thẳng thắn với vị sếp mới một lần, hy vọng từ lần sau sếp sẽ hành xử tốt hơn với nhân viên của mình.  

BÍCH HẠNH