"Làm tròn" cuộc đời nhờ nghề tranh ghép gỗ

MAI PHƯƠNG |

Đến Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM ai cũng bất ngờ trước hình ảnh một chàng trai nhỏ bé, bị liệt cả hai chân đang tận tình chỉ bảo cho người khuyết tật học tranh ghép gỗ. Từng cử chỉ khéo léo, tỉ mỉ, anh Nguyễn Văn Út (1982, quê ở Kiên Giang) đã biến những mảnh gỗ vô tri vô giác thành những hộp đựng bút, những bức tranh ghép gỗ tinh xảo, có hồn.

Quyết tâm học nghề

Sinh ra trong gia đình nghèo, nhà có 11 anh chị em, cha mất sớm. Năm lên 3 tuổi, cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân của anh và làm lưng anh biến dạng. Dù nhà nghèo, dù bản thân tật nguyền nhưng chàng trai ấy vẫn mang trong mình ý chí, nghị lực phi thường.

Mở đầu câu chuyện, anh Út bộc bạch: “Anh luôn suy nghĩ, trên đời này làm cái gì thì cũng cần có một cái nghề để tự nuôi sống bản thân mình trước nhất, sau đó còn lo cho gia đình của mình nữa. Người bình thường mà không có nghề nghiệp thì đời sống đã khó rồi, mình khuyết tật mà không có nghề nghiệp nữa thì sẽ ra sao? Vì vậy, anh cố gắng học 1 nghề nào đó thật tốt, vượt trội hơn mọi người để khi ra đời có thể sống được và có thể giúp được những mảnh đời giống mình”.

Năm 2006, qua lời giới thiệu của Hội bảo trợ người nghèo tỉnh Kiên Giang, anh Út tìm đến Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM để học nghề. Thoạt đầu, mới nhìn thấy anh, phần lớn thầy cô đều lo lắng, lo nhất là sức khỏe vì ai cũng nghĩ rằng anh sẽ không học nổi nghề tranh ghép gỗ. Cô Đinh Thị Hỏi - Nhà giáo ưu tú, Giám đốc Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM, chia sẻ: “Người Út ngồi trên mặt đất còn có mấy tấc thôi nên tôi rất thương và lo ngại khi để em học nghề lao động tay chân, cần sự kiên trì, tỉ mỉ. Ai cũng lo Út sẽ không theo kịp nhưng qua quá trình học thử 1 tháng, Út tỏ rõ được sự cố gắng vượt bậc của mình trên cơ thể nhỏ bé như vậy, em ấy đạt kết quả rất tốt”.

Nhớ lại tháng đầu tiên thử thách ấy, anh Út rưng rưng: “Lúc đó tôi hoang mang lắm, bản thân mình khuyết tật nặng nên không biết có vượt qua nổi không? Nhưng tôi chỉ biết cố gắng, tự dặn mình phải cố gắng thật nhiều vì mình cần phải có một cái nghề, nhất định phải học được nghề để tự nuôi sống bản thân mình. Và tôi đã làm được, sau tháng đó thầy cô quyết định giữ anh lại để dạy thêm”. Sau khi học ở trung tâm 2 năm, anh Út được trung tâm đào tạo thêm 2 năm để giữ lại làm cộng tác viên phụ giảng thực hành với giáo viên. Đến nay, anh Nguyễn Văn Út đã gắn bó với Trung tâm được gần 8 năm ở vị trí người hướng dẫn thực hành cho các học viên khuyết tật khác. 

Một số sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo và ý chí của anh Út.
Một số sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo và ý chí của anh Út.
Chàng trai không cam phận

Mặc dù là người khuyết tật nặng nhưng anh Út là người có ý chí mãnh liệt, sống hoà nhập tốt, tự tin về nghề nghiệp của mình và luôn có hướng phấn đấu. Anh Út được nhắc tới như là một trong những học viên ưu tú nhất của Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM và là một trong số ít những người được trung tâm giữ lại làm cộng tác viên.

Khi được hỏi về việc giữ anh Nguyễn Văn Út ở lại, Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Hỏi bày tỏ sự biết ơn: “Vì trung tâm dạy theo phương pháp cuốn chiếu nên giáo viên rất cực, mỗi tuần lại đưa xuống một vài em mới. Vì vậy nếu có Út, Út sẽ đỡ đần được cho giáo viên, Út theo dõi các em, chỉ các bước thực hành cơ bản nhất, đường đi ngắn nhất để các em nắm bắt dễ dàng. Ngoài việc giỏi nghề, Út phải học thêm các động tác ra dấu, tiếp xúc nhiều với các em khuyết tật để hiểu tâm lý các em, nhất là các em khiếm thính để các em hòa đồng với mọi người”.

“Út không phải là người cam phận. Dù làm ở trung tâm, hỗ trợ giáo viên theo dõi, hướng dẫn các học viên nhưng Út luôn ấp ủ ước mơ tự lập. Cuối tuần, Út cùng các em học viên về nhà mình làm và kiếm thêm thu nhập”, cô Hỏi chia sẻ thêm. Vợ anh Út - chị Phạm Thị Thủy, cũng bị tật một tay một chân, hai người kết hôn năm 2008 và đến nay đã có một cậu con trai 8 tuổi. Chị Thủy kể lại, hồi đó hai người yêu nhau không được sự chấp nhận của gia đình chị vì thấy anh tật nặng quá. Nhưng anh Út là người có ý chí rất phi thường, anh luôn chứng tỏ rằng anh có thể bảo vệ được gia đình, chăm lo cho gia đình, thấy vậy gia đình chị cũng chấp nhận. Rồi chị Thủy xúc động: “Hồi hai vợ chồng mới có em bé, còn ở nhà trọ, căn phòng rộng không tới 10m2, một tuần cúp điện 3 lần. Hai vợ chồng tật nguyền nuôi con nhỏ, mình hồi đó còn không có việc làm, một mình anh lo bươn chải cuộc sống. Nếu không nhờ ý chí của anh chắc vợ chồng mình không có được ngày hôm nay”.

Chứng tỏ mình có đủ sức mạnh để lo cho gia đình nhỏ, anh bộc bạch: “Hồi đó nuôi con gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Rồi bồng con, cho con ăn là cả 1 quá trình nhưng anh suy nghĩ mình tạo ra con thì mình cần phải có trách nhiệm lo tương lai cho con. Giờ con anh cũng lớn rồi, công việc hai vợ chồng cũng ổn định nên cố gắng làm thêm để lo cho con có cuộc sống no đủ”.

Trong hành trình dệt nên ước mơ của cuộc đời mình, ngày hôm nay, anh Nguyễn Văn Út đã có trong tay những sợi chỉ màu tuyệt đẹp để chuẩn bị cho một xưởng tranh ghép gỗ do mình làm chủ, hướng dẫn lại cho các thanh niên khuyết tật đam mê nghề. Anh bảo: “Anh sẽ làm cho Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM đến khi anh cảm thấy mình đã trả đủ ơn cho trung tâm rồi anh mới ra mở xưởng. Anh muốn mình sống mãi với nghề tranh ghép gỗ này vì nhờ nó mà anh có nghị lực vươn lên, nhờ nó mà anh thực hiện được ước mơ của mình. Hơn nữa, đây là nghề mà anh yêu thích, nghề mà anh có thể tự do sáng tạo để tạo ra nhiều sản phẩm đẹp”.  

MAI PHƯƠNG
TIN LIÊN QUAN

Cổ tích về cô giáo… “đi xin”

Phố Nhơn |

Nước mắt cô giáo Ngô Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Nham (xã Trà Nham, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) đã không ít lần rơi khi nói về những kỷ niệm buồn vui với học trò vùng cao, về những dự định tiếp tục đi xin tiền, kêu gọi sự hỗ trợ xây nhà ở công vụ cho giáo viên, khu nhà ăn bán trú, đến việc duy trì bữa cơm bán trú cho học sinh. Câu chuyện về cô giống như cổ tích đẹp giữa đời thường viết lên từ ngọn lửa yêu nghề, mến trẻ.

Những chiếc lồng chim trị giá hàng trăm triệu từ tre

Nguyễn Đắc Thành |

Xuất phát điểm là học nghề điêu khắc gỗ qua sự đào tạo của những nghệ nhân ở Huế, thế nhưng sau này, ông Đoàn Minh Căn ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế lại tìm hướng đi khác cho mình là làm lồng chim từ tre. Qua mấy mươi năm tự tìm tòi học hỏi, giờ đây ông Căn đã trình làng rất nhiều sản phẩm lồng chim đẹp, đặc sắc và có giá trị lên đến hàng trăm triệu mỗi chiếc lồng.

Tìm lại “hồn gốm” Biên Hòa ở xứ Đồng Nai

HÀ ANH CHIẾN |

Trong lịch sử phát triển trăm năm của mình, nghề làm gốm ở Biên Hòa được biết đến như một giá trị văn hóa mang tính biểu tượng cao ở xứ Đồng Nai và cũng là nghề đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân Biên Hòa sống dọc theo cù lao Tân Vạn, sông Đồng Nai. Tuy vậy, đến nay làng nghề này đang ngày càng mai một, các nghệ nhân làm gốm ngày càng ít đi và danh tiếng của gốm cũng phai nhạt dần. Trước thực trạng đó, những người yêu gốm, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đang tìm lối ra cho nghề gốm truyền thống Biên Hòa – Đồng Nai.

9X chụp hình kỷ yếu thu nhập hàng chục triệu đồng mùa cao điểm

Anh Nhàn |

Đến hẹn lại lên, trào lưu chụp hình kỷ yếu lại bắt đầu nở rộ. Nhiều thợ chụp ảnh kỷ yếu rất “đắt show”, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Cổ tích về cô giáo… “đi xin”

Phố Nhơn |

Nước mắt cô giáo Ngô Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Nham (xã Trà Nham, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) đã không ít lần rơi khi nói về những kỷ niệm buồn vui với học trò vùng cao, về những dự định tiếp tục đi xin tiền, kêu gọi sự hỗ trợ xây nhà ở công vụ cho giáo viên, khu nhà ăn bán trú, đến việc duy trì bữa cơm bán trú cho học sinh. Câu chuyện về cô giống như cổ tích đẹp giữa đời thường viết lên từ ngọn lửa yêu nghề, mến trẻ.

Những chiếc lồng chim trị giá hàng trăm triệu từ tre

Nguyễn Đắc Thành |

Xuất phát điểm là học nghề điêu khắc gỗ qua sự đào tạo của những nghệ nhân ở Huế, thế nhưng sau này, ông Đoàn Minh Căn ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế lại tìm hướng đi khác cho mình là làm lồng chim từ tre. Qua mấy mươi năm tự tìm tòi học hỏi, giờ đây ông Căn đã trình làng rất nhiều sản phẩm lồng chim đẹp, đặc sắc và có giá trị lên đến hàng trăm triệu mỗi chiếc lồng.

Tìm lại “hồn gốm” Biên Hòa ở xứ Đồng Nai

HÀ ANH CHIẾN |

Trong lịch sử phát triển trăm năm của mình, nghề làm gốm ở Biên Hòa được biết đến như một giá trị văn hóa mang tính biểu tượng cao ở xứ Đồng Nai và cũng là nghề đã nuôi sống nhiều thế hệ người dân Biên Hòa sống dọc theo cù lao Tân Vạn, sông Đồng Nai. Tuy vậy, đến nay làng nghề này đang ngày càng mai một, các nghệ nhân làm gốm ngày càng ít đi và danh tiếng của gốm cũng phai nhạt dần. Trước thực trạng đó, những người yêu gốm, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đang tìm lối ra cho nghề gốm truyền thống Biên Hòa – Đồng Nai.

9X chụp hình kỷ yếu thu nhập hàng chục triệu đồng mùa cao điểm

Anh Nhàn |

Đến hẹn lại lên, trào lưu chụp hình kỷ yếu lại bắt đầu nở rộ. Nhiều thợ chụp ảnh kỷ yếu rất “đắt show”, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.