Mất bạn vì làm ăn chung

LS Nguyễn Thị Thúy Hường |

Trong cuộc sống, những người bạn thân cùng hùn hạp làm ăn là bình thường. Có nhiều tình bạn ngày càng thân thiết từ quan hệ làm ăn, nhưng cũng không ít trường hợp tình bạn bị sứt mẻ vì liên quan đến chuyện lời lỗ trong kinh doanh. Câu chuyện của anh T và anh H sau đây là một ví dụ.

Góp vốn, nhưng không có quyền

Anh T và anh H là bạn thân cùng học đại học ngành kinh tế và khá năng động nên thường xuyên chia sẻ với nhau những ý tưởng kinh doanh mới. Ra trường mỗi người mỗi hướng, nhưng hai người vẫn thân nhau. Một hôm, anh T đề nghị anh H cũng góp vốn thành lập Cty TNHH hai thành viên trở lên trong lĩnh vực công nghệ. Ngoài ra, còn có thêm anh P là thành viên góp vốn; tỷ lệ góp vốn của anh T là 50%, anh H góp 30% còn anh P góp 20%. Do cả anh H và anh P đều bận rộn với công việc riêng nên ít đến Cty, việc điều hành chủ yếu do anh T lo liệu.  Sau một năm hoạt động, thấy Cty không lời lãi gì, mà gia đình lại cần tiền nên anh P đề nghị rút vốn. Anh H quyết định mua lại phần góp vốn của anh P. Như vậy, Cty chỉ còn lại hai thành viên là anh T và anh H với tỷ lệ góp vốn là 50:50.

Mặc dù anh H đã tăng tỷ lệ phần vốn góp lên 50%, nhưng do bận rộn, nên anh T vẫn là người điều hành mọi hoạt động của Cty, đồng thời giữ vị trí Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Nhiều lần Cty thiếu tiền trả lương nhân viên, anh H còn cho mượn rồi trả lại anh sau. Thêm một năm hoạt động nữa, Cty bắt đầu có lãi, cuối năm anh T đưa cho anh H 30 triệu đồng xem như tiền lời được chia. Thấy số tiền không đáng là bao, nên anh H không nhận và nói anh T cứ giữ lấy để chi tiêu cho Cty. Cty bắt đầu phát triển mạnh, nhưng do gặp một số trở ngại, nên anh T bàn với anh H giải thể Cty.

Toàn bộ máy móc và các trang thiết bị được một Cty khác mua lại với giá 10 tỷ. Anh T thống nhất với anh H là mỗi người được chia 5 tỷ đồng . Anh H được ứng trước 1 tỷ đồng, còn 4 tỷ sẽ được nhận nốt khi Cty hoàn tất thủ tục giải thể. Anh H lúc đầu cũng không có ý định đòi thêm tiền, vì tình bạn với nhau. Tuy nhiên, anh T lại chần chừ, kéo dài thời gian, không chịu hoàn tất thủ tục giải thể Cty để trả nốt 4 tỷ đồng cho anh H, không đề cập đến việc chia lợi nhuận của mấy năm hoạt động và công khai sổ sách kế toán, tài liệu. Thấy thế, anh H mấy lần gặng hỏi, nhưng anh T cứ né tránh và còn nói anh H góp vốn chưa tới 1 tỷ đồng, không tham gia điều hành công ty, mà nay được chia 5 tỷ đồng đã là quá lời rồi, nên không được chia lợi nhuận của Cty nữa.  Thấy thế, anh H tìm đến luật sư để nhờ tư vấn xem quyền lợi của mình thế nào.

Có thể khởi kiện

Luật sư đã tư vấn cho anh H về các quyền của thành viên trong Cty TNHH từ 2 thành viên trở lên. Đáng ngạc nhiên, dù là thành viên góp vốn tỉ lệ 50 -50, từ nhiều năm qua, nhưng anh H chưa bao giờ đọc điều lệ Cty và cũng không hề biết được mình có những quyền gì. Theo anh H phản ánh, mặc dù Cty hoạt động nhiều năm, nhưng chưa bao giờ chính thức họp lại để công bố các số liệu tài chính, tình trạng lỗ, lãi, cũng như tiến hành phân chia lợi nhuận theo đúng quy định. Luật sư đề nghị anh H yêu cầu được cung cấp Điều lệ Cty để nắm được nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh cũng như nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ theo như quy định tại điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014. Cụ thể: 

1. Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động.
Điều lệ công ty có các nội dung chủ yếu sau đây: a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có); b) Ngành, nghề kinh doanh; c) Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần; d) Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập; đ) Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần; e) Cơ cấu tổ chức quản lý; g) Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần; h) Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ; i) Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Kiểm soát viên; k) Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần; l) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh; m) Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty; n) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.

2. Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp phải có họ, tên và chữ ký của những người sau đây: a) Các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; b) Chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; c) Thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; d) Cổ đông sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty cổ phần.

3. Điều lệ được sửa đổi, bổ sung phải có họ, tên và chữ ký của những người sau đây: a) Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh; b) Chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; c) Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần.

Ngoài ra, anh H cũng cần thực hiện các quyền của thành viên theo quy định tại điều 50 Luật Doanh nghiệp 2014 như: Kiểm tra, xem xét, tra cứu sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm”, “Kiểm tra, xem xét, tra cứu và sao chụp sổ đăng ký thành viên, biên bản họp và nghị quyết của Hội đồng thành viên và các hồ sơ khác của công ty” và một số các quyền khác để nắm chính xác về tình hình tài chính của công ty. Sau khi xác định được chính xác lợi nhuận của Cty như thế nào thì anh H có yêu cầu Cty chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp theo quy định tại khoản 3, điều 50 Luật Doanh nghiệp 2014: “Được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp sau khi công ty đã nộp đủ thuế và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật”.

Trường hợp anh T cản trở anh H thực hiện  quyền của mình, thì anh H có quyền khởi kiện anh T theo quy định tại khoản 1, điều 72 Luật Doanh nghiệp 2014: “Thành viên Cty tự mình, hoặc nhân danh Cty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và cán bộ quản lý khác vi phạm nghĩa vụ của người quản lý trong các trường hợp sau đây: a) Vi phạm quy định tại điều 71 của Luật này; b) Không thực hiện đúng và đầy đủ hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty về các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của Hội đồng thành viên; c) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ Cty”.  

LS Nguyễn Thị Thúy Hường