Ghi nhận tại TPHCM, từ 9h sáng nhiều người đã trang bị các dụng cụ quan sát để có thể theo dõi nhật thực.
Chị Nguyễn Thị Anh (quận 1, TPHCM), hào hứng: "Tôi rất thích những hiện tượng như thế này. Hôm nay, tôi đi ngắm từ 9h sáng. Tôi trang bị cho mình kính, máy ảnh và cũng không quên kem chống nắng. Nhật thực rất đẹp, tôi rất vui vì đã không bỏ lỡ cơ hội này".
Đưa con đi xem nhật thực, anh Nguyễn Khanh (quận 3, TPHCM), chia sẻ: "Hôm nay, tôi đã thu xếp công việc để đưa con đi ngắm nhật thực. Bình thường con tôi hay được học các kiến thức này trong sách vở, nhưng hôm nay có cơ hội cho cháu quan sát thực tế.
Qua việc ngắm nhật thực trực tiếp như vậy, tôi muốn mình có thể kích thích tính tò mò của cháu, từ đó mở ra nhiều điều trong tương lai".
Tuy nhiên đến 12h trưa nay, dù lượng người đổ đến xem nhật thực ngày càng đông nhưng trời nhiều mây che lấp mặt trời. Khoảng 12h30 nắng đẹp trở lại, người xem thoải mái chiêm ngưỡng hiện tượng độc đáo này.
Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học Trẻ Việt Nam VACA, hiện tượng nhật thực diễn ra không phải quá hiếm, thông thường 1 - 2 năm xảy ra một lần.
"Tuy nhiên, tại Việt Nam, lần gần đây nhất chúng ta quan sát được là nhật thực vào tháng 3 năm 2016. Như vậy, sau gần 4 năm, hiện tượng này mới lại quay lại nước ta. Lần nhật thực tiếp theo được dự báo sẽ xuất hiện vào tháng 6 năm 2020" - ông Vũ Tuấn Sơn nói.
Được biết, hiện tượng nhật thực lần này siêu hiếm và là đợt cuối cùng của thập kỷ. Ở Hà Nội, nhật thực sẽ bắt đầu vào lúc 10h44, đạt cực đại vào khoảng 12h24 và kết thúc lúc 14h01. Trong khi đó, tại TPHCM, sự kiện này sẽ bắt đầu từ 10h36, đạt cực đại lúc 12h31 và kết thúc lúc 14h20.