Người lao động bị tạm giam, có được đóng BHXH?

Nam Dương |

Công ty chuyển đổi NSDLĐ thì việc đóng BHXH thế nào? NLĐ bị tạm giam thì có phải tiếp tục đóng BHXH không? Cha không có đăng ký kết hôn phải cấp dưỡng cho con thế nào?... Trên đây là những câu hỏi chính Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được trong tuần qua. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi chính và trả lời.

Đổi chủ, một năm sau mới được đóng BHXH?

Ban đọc có số điện thoại 0933476XXX gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559 hỏi: Công ty chúng tôi được bán cho một chủ khác. Chủ mới tiếp nhận công ty tuyên bố những ai tiếp tục làm việc thì phải sau một năm nữa mới được đóng BHXH. Như vậy có đúng không?

Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Pháp luật hiện hành có các quy định về mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp. Nhưng cho dù việc mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp thế nào, thì những NSDLĐ vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật về lao động, BHXH. Điều 2 Luật BHXH 2014 quy định 1. NLĐlà công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXHbắt buộc, bao gồm: a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa NSDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng (áp dụng từ 1.1.2018). Do đó, nếu các bạn có HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên tại thời điểm hiện tại, thì NSDLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc cho các bạn. Việc NSDLĐ mới tuyên bố phải sau một năm nữa mới đóng BHXH cho bạn là trái pháp luật. Bạn có thể phản ánh vụ việc đến Phòng LĐTBXH hoặc LĐLĐ cấp huyện nơi công ty đóng trụ sở để được hỗ trợ bảo vệ quyền lợi.

Không kết hôn, cha cấp dưỡng cho con thế nào?

Ban đọc có số điện thoại 0932471XXX gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559 hỏi: Cháu tôi lấy chồng nhưng không kết hôn. Hai người có một con chung hiện 3 tuổi. Giờ chồng cháu bỏ đi lấy vợ khác. Trước đây, cha cháu bé có nói sẽ cho con một khoản tiền lớn để cháu tôi nuôi con thay vì phải đưa tiền hàng tháng vì ngại vợ mới cắn nhằn. Cháu tôi có được quyền yêu cầu bố cháu bé cấp dưỡng hàng tháng cho đến khi cháu bé đủ 18 tuổi không?

Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 2,  Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:  2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại luật này, bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Khoản 2, điều 82  Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: 2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con: Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.

Điều 117 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Như vậy, mặc dù giữa hai người không có đăng ký kết hôn, nhưng cha cháu bé vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con mình. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha bé chỉ chấm dứt khi thuộc một trong các điều quy định tại điều 118 Luật Hôn nhân và Gia đình 1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình; 2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi; 3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng; 4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết; 5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn; 6. Trường hợp khác theo quy định của luật.

Bị tạm giam, tạm dừng đóng BHXH

Bạn đọc có số điện thoại 0965134XXX gọi đến số điện thoại tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961360559 hỏi: Cơ quan tôi có người mới bị bắt tạm giam để điều tra liên quan đến một vụ án hình sự. Việc đóng BHXH cho người này được thực hiện thế nào?

Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 5, điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định: Tạm dừng đóng BHXH đối với NLĐ đang tham gia BHXH bắt buộc mà bị tạm giam được thực hiện như sau: a) NLĐ quy định tại khoản 1, điều 2 của nghị định này mà bị tạm giam thì NLĐ và NSDLĐ được tạm dừng đóng BHXH; b) Sau thời gian tạm giam, nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai thì thực hiện việc đóng bù BHXH cho thời gian bị tạm giam. Trường hợp NLĐ là cán bộ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, công nhân công an và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thì NLĐvà NSDLĐ thực hiện việc đóng bù BHXH. Các trường hợp khác thì việc đóng bù thông qua NSDLĐ trên cơ sở tiền đóng BHXH do cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đảm bảo; c) Số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 của Luật BHXH; d) Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định NLĐ là có tội thì không thực hiện việc đóng bù BHXH cho thời gian bị tạm giam.

Như vậy, trước mắt, cơ quan bạn được quyền tạm dừng đóng BHXH đối với NLĐ này. Việc có phải đóng bù BHXH cho họ không còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, truy tố, xét xử xem họ có phạm tội hay không.  

Nam Dương