Tại TPHCM có đến 35-40% tội phạm bị bắt giữ có sử dụng ma túy, trong đó 60% tội phạm cướp giật bị bắt có sử dụng ma túy. Trong khi đó, công tác quản lý đối với người nghiện cũng như công tác phòng chống tệ nạn ma túy đang gặp không ít khó khăn.
50-60% tội phạm cướp giật bị bắt giữ có sử dụng ma túy
Tại lễ ra quân hưởng ứng "Tháng hành động phòng, chống ma túy" mới đây, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM (Sở LĐTBXH TPHCM) nhận định, số vụ mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá) tại TPHCM gia tăng. Những phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mua bán ma túy ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp nên làm cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này gặp khó khăn. Đặc biệt, số người nghiện có xu hướng trẻ hóa và sử dụng nhiều loại ma túy, nhất là ma túy đá gia tăng. Theo Sở LĐTBXH TPHCM, tính đến tháng 6 năm 2018 trên địa bàn TPHCM có khoảng 23.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong số người nghiện có hồ sơ quản lý thì có đến khoảng 7.000 người nghiện ma túy đá.
Đó chỉ mới là con số thống kê người nghiện có hồ sơ quản lý, còn trên thực tế theo nhận định của các cơ quan chức năng thành phố thì con số người nghiện có thể còn lớn hơn. Bởi qua kiểm tra của lực lượng chức năng tại các tụ điểm nhạy cảm như nhà hàng, khách sạn, karaoke, quán bar thời gian gần đây trên địa bàn TPHCM cho thấy, hầu hết khi kiểm tra những tụ điểm nhạy cảm, các cơ quan chức năng đều thu giữ được nhiều loại ma túy đá, đồng thời kiểm tra nhanh các đối tượng chủ yếu lứa tuổi thanh thiếu niên thì kết quả cho thấy dương tính với chất ma túy khá nhiều. Cụ thể như rạng sáng ngày 13.7.2018, khi kiểm tra một khách sạn trên đường Trần Tuấn Khải, phường 5, quận 5, lực lượng chức năng đã phát hiện, tạm giữ 4 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép ma túy.
Đáng nói, trong số khoảng 170 thanh niên nam nữ được đưa về trụ sở công an để test nhanh chất ma túy, thì có đến khoảng 95 người cho kết quả dương tính. Tương tự, trước đó vào ngày 12.7, các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất một quán bar trên địa bàn quận Tân Phú, khi thấy lực lượng chức năng, nhiều thanh niên nam nữ tháo chạy, vứt ma túy khắp nơi. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 7/10 bàn tại đây có thuốc lắc, đồng thời công an cũng lập hồ sơ xử lý đối với 39 nam nữ có dấu hiệu sử dụng ma túy…“Điều này cho thấy người nghiện ma túy tổng hợp ngoài xã hội còn nhiều, chưa thể quản lý và rất khó phát hiện. Bởi bản thân người nghiện và gia đình không hợp tác với cơ quan chức năng để khai báo tình trạng nghiện” – một cán bộ công an thuộc lực lượng phòng chống ma túy tại TPHCM cho biết.
Ma túy đá là loại ma túy rất nguy hiểm, gây tổn hại sức khỏe cho người sử dụng, gây nguy hiểm cho cộng đồng xã hội. Đặc biệt, tình trạng đối tượng nghiện ma túy thường gắn liền với các hành vi phạm tội. Điều này, có thể thấy rõ qua các vụ cướp giật táo tợn thời gian gần đây trên địa bàn TPHCM, các đối tượng trộm cướp phần lớn là con nghiện. Để có tiền mua ma túy sử dụng, những đối tượng nghiện sẵn sàng đi cướp giật, ra tay sát hại người khác khi bị phát hiện hay bị ngăn cản. Theo thống kê của Công an TPHCM, có 35-40% tội phạm bị bắt giữ có sử dụng ma túy, trong đó 50 - 60% tội phạm cướp giật bị bắt có sử dụng ma túy. Vì thế, ma túy là nguyên nhân làm cho tội phạm diễn biến phức tạp, đây cũng là nguy cơ, thách thức lớn nhất hiện nay.
Cần giải quyết căn cơ vấn đề phát sinh ở người nghiện
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn xử lý căn cơ, quyết liệt và hiệu quả để kéo giảm tình hình tội phạm, nhất là nạn cướp giật trên địa bàn TPHCM, thì một trong các giải pháp quan trọng cần tập trung xử lý là vấn đề người nghiện ma túy. Bởi hiện nay, vấn nạn sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng nhiều tại các cơ sở nhạy cảm và tại cộng đồng dân cư. Trong khi đó, công tác lập hồ sơ người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp không ít khó khăn; việc quản lý người nghiện tại cộng đồng còn nhiều sơ hở, yếu kém; công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người sau cai nghiện hiệu quả thấp, nguy cơ tái nghiện cao…
Tại buổi họp cung cấp thông tin về nhóm trộm xe SH đâm chết 2 hiệp sĩ và bị thương 3 người khác, Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó GĐ Công an TPHCM cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm cướp giật cao là tỷ lệ người nghiện ma túy còn nhiều và do nhu cầu, sự lệ thuộc về ma túy dẫn đến xâm hại tài sản. Trong khi đó, chính sách pháp luật đối với người nghiện ma túy trên địa bàn TPHCM hiện không còn như xưa. Trước đây, TPHCM được thí điểm quản lý sau cai, thực hiện cai nghiện khá triệt để.
Có những thời điểm, các trung tâm cai nghiện ma túy của thành phố có hơn 30.000 người. Còn hiện nay chú trọng cai nghiện tại cộng đồng, trong khi số lượng người nghiện ma túy không giảm. Căn cơ là phải giải quyết vấn đề phát sinh ở người nghiện, đặc biệt là tình trạng lạm dụng ma túy tổng hợp ở các khu vui chơi giải trí, dịch vụ nhạy cảm như vũ trường, quán bar…Vì vậy cần phải có chính sách nhất hóa hơn mới giải quyết được căn cơ hơn.
Để phòng chống và ngăn chặn tình trạng giới trẻ sử dụng ma túy, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM cho rằng, trước tình trạng tệ nạn ma túy ngày càng biến hóa tinh vi, nguy cơ lan rộng, các cơ quan, cấp, ngành, chính quyền địa phương và cả xã hội, cộng đồng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, tăng cường tuyên truyền, giám sát, phát hiện và tố giác tội phạm ma túy, chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy để bảo vệ tương lai của chính con em chúng ta. “Sự tham gia của cộng đồng, của các DN để làm sao thấy được tác hại của ma túy, đó là thảm họa của một dân tộc, một thế hệ.
Vì vậy, để kéo giảm số người nghiện ma túy cũng như việc tái nghiện, cần huy động sự tham gia của cộng đồng thông qua việc kết nối, tạo điều kiện cho người cai nghiện được học nghề, giới thiệu việc làm, tham gia các hoạt động tạo điều kiện cho người nghiện ma túy sớm hòa nhập cộng đồng” – Ông Lê Minh Tấn nói.
Trong khi đó, theo luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn Luật sư TPHCM), ngoài giải quyết vấn đề phát sinh ở người nghiện, thì các cơ quan chức năng cần tăng cường truy bắt và mạnh tay hơn nữa đối với các đối tượng mua bán, vận chuyển và sản xuất ma túy. “Tôi thấy, việc các chức năng kiên quyết và liên tiếp phá được các đường dây buôn bán, sản xuất ma túy lớn gần đây trên địa bàn TPHCM hay Lóng Luông (Sơn La) là điều rất đáng mừng. Mong rằng, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục mạnh tay hơn nữa, triệt phá và xử nghiêm đối với những đối tượng buôn bán, sản xuất ma túy, nhằm răn đe với những đối tượng khác" - luật sư Trần Quốc Minh cho biết.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Công an TPHCM phát hiện 710 vụ buôn bán, vận chuyển ma túy, thu giữ 11,744 kg heroin, gần 11.000 kg cần sa, trên 43.500 kg ma túy tổng hợp, gần 3.000 viên thuốc lắc các loại. Ngoài ra, riêng ngày 13.7, các lực lượng chức năng đã phá được một đường dây buôn bán ma túy cực lớn tại TPHCM do Phan Hữu Hiệu (tức Chuột, 48 tuổi, quê Nghệ An) cầm đầu, với số lượng ma túy bị tạm giữ lên đến khoảng 179 bánh.
Theo kết quả điều tra xã hội năm 2017 tại 6 tỉnh, thành phố ở Việt Nam của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ người sử dụng ma túy là 0,66% dân số trong độ tuổi điều tra (từ 15 – 64 tuổi); 8% sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi; 60% số người sử dụng ma túy lần đầu dưới 25 tuổi. Tuy con số này được điều tra tại 6 tỉnh và không phải là con số chung cho cả nước nhưng cũng phần nào phản ánh tương đối tình hình cả nước hiện nay. Ông Lê Văn Khánh - Phó cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho biết, tính đến giữa tháng 11.2017, cả nước có trên 222.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó gần 50% có sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) và chất hướng thần.
Ngoài ma túy truyền thống và ATS thì các loại ma túy khác như: cần sa, “cỏ Mỹ”... xuất hiện ngày càng nhiều. Điều đáng nói, hiện gần 2/3 thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Để phòng chống ma túy hiệu quả, ông Hậu nhấn mạnh: "Gốc rễ của vấn đề phòng chống ma túy là phải giảm trên cả ba tiêu chí: giảm cung, giảm cầu và giảm hại. Cốt lõi là ngăn chặn sự gia tăng, từng bước làm giảm người nghiện, nhất là tình trạng người nghiện đang trẻ hóa". LAO ĐỘNG