Phải trả lại lương khi viết đơn xin nghỉ việc đúng không?

Nam Dương |

Tôi nghỉ hưu nhưng công ty không trả trợ cấp thôi việc có đúng không? Tôi viết đơn xin nghỉ việc, nhưng công ty yêu cầu phải trả lại tiền lương, tiền đóng BHXH có đúng? Lao động thời vụ có được nghỉ phép năm? Trên đây là một số câu hỏi chính Văn phòng Tư vấn pháp luật nhận được trong tuần qua. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Nghỉ hưu thì thôi nhận trợ cấp thôi việc?

Bạn đọc có email songtienxxx@yahoo.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi sinh năm 1950, đã làm việc cho một công ty tư nhân từ năm 1993 đến năm 1997 mới được tham gia BHXH. Đến năm 2017 tôi đủ 21 năm đóng BHXH nên kết hồ sơ hưởng chế độ hưu trí với mức hưởng là 57%. Nhưng đơn vị này không trợ cấp thôi việc cho tôi trong thời gian làm việc với lý do là lĩnh lương hưu không được thanh toán thôi việc. Như vậy có đúng không?

Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 48 BLLĐ 2012 quy định về trợ cấp thôi việc như sau: 1. Khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. 2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc. 3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc. Như vậy, với quy định này thì trường hợp NLĐ chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại khoản 4, 8 điều 36 BLLĐ sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc. Khoản 4, 8 điều 36 BLLĐ 2012 quy định: 4. NLĐ đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại điều 187 của Bộ luật này. 8. NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 điều 125 của Bộ luật này. Do đó, nếu bạn nghỉ hưu thì công ty không phải trợ cấp thôi việc cho bạn là đúng.

Lao động thử việc nuôi con dưới 12 tháng có được nghỉ 60 phút/ngày?

Bạn đọc có email hieptruongxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Lao động thử việc nuôi con dưới 12 tháng tuổi có được nghỉ mỗi ngày 60 phút không? Lao động ký hợp đồng mùa vụ có được tính phép năm không?

Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 5, điều 155 BLLĐ 2012 quy định: Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Quy định này không phân biệt là lao động thử việc hay lao động đã có HĐLĐ mà nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút mà vẫn hưởng nguyên lương. Do vậy, về nguyên tắc, tất cả lao động đều được hưởng chế độ như nhau.

Về ngày nghỉ phép năm, điều 114 BLLĐ quy định: Thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ như sau: 1. NLĐ do thôi việc, bị mất việc làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ. 2. NLĐ có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền. Như vậy, về nguyên tắc, lao động thời vụ cũng được hưởng ngày phép theo quy định này.

Viết đơn xin nghỉ việc, phải trả lại tiền lương

Bạn đọc có email trantuanxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: HĐLĐ của tôi thời hạn 36 tháng. Vì lý do gia đình tôi làm đơn xin thôi việc vào ngày 10.3.2018. Gần 30 ngày sau, công ty có yêu cầu tôi thực hiện một số việc thì mới ra quyết định cho nghỉ việc: Nộp lại 100% tiền BHXH do tháng 11 tôi bị công ty cho là đã vi phạm quy định của công ty; Hoàn trả 100% tiền Tết công ty cho vì lý do chỉ dành cho những người còn ở lại làm việc với công ty; Trừ 100% lương tháng 11.2017 do tháng 11 tôi bị công ty cho là đã vi phạm quy định công ty; Không trả lương tháng 1,2 năm 2018 cho tôi với lý do công ty làm những tháng đầu năm không có sản lượng nên không trả (mặc dù công ty đã trả cho toàn bộ nhân viên khác); Không trả lương tháng 3.2018 vì tôi đã làm đơn nghỉ việc.

Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Về tiền lương, nguyên tắc chung là có làm có hưởng, công ty không được tuỳ tiện đòi lại tiền lương của bạn. NLĐ chỉ bị trừ lương khi phải bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của NSDLĐ theo quy định tại điều 130 BLLĐ 2012. Theo đó, trường hợp NLĐ gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi NLĐ làm việc, thì NLĐ phải bồi thường nhiều nhất là 3 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 điều 101 của Bộ luật này.

2. NLĐ làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.

Về việc công không trả lương tháng 1,2 cho bạn với lý do không có sản lượng, đây là lý do không đúng. Pháp luật hiện hành cũng quy định về tiền lương ngừng việc như sau: 1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì NLĐ được trả đủ tiền lương; 2. Nếu do lỗi của NLĐ thì người đó không được trả lương; những NLĐ khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; 3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, NLĐ hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Về BHXH: Lý do Cty đưa ra do bạn vi phạm quy định nên bị đòi lại 100% tiền đóng BHXH là không hợp pháp. Theo quy định của pháp luật thì người có HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên (từ 1.1.2018) Cty có nghĩa vụ đóng BHXH cho bạn. Không có quy định nào cho phép NSDLĐ đòi lại tiền đã đóng BHXH cho NLĐ .

Về tiền “Công ty cho Tết” thì phụ thuộc vào quy định của công ty. Do đó, bạn cần xem lại quy định của công ty về việc này, nhưng nguyên tắc chung là đã thưởng thì không được đòi lại, trừ trường hợp phát hiện người được thưởng không thuộc đối tượng được thưởng.

Trường hợp của bạn có thể làm đơn gửi phòng LĐTBXH cấp huyện nơi Cty đóng trụ sở yêu cầu hoà giải những vấn đề về tiền lương. Nếu hoà giải không thành, bạn có thể khởi kiện Cty.

Nam Dương