Theo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Thanh Hóa ngày 27.8, toàn tỉnh hiện có 350.377 người có công với cách mạng, trong đó 66.823 người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với tổng kinh phí chi trả hàng năm trên 1.800 tỷ đồng.
Theo đó, Thanh Hóa hiện có hơn 4 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng; hơn 800 cán bộ lão thành cách mạng; gần 44 nghìn thương binh; gần 31 nghìn bệnh binh, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; hơn 200 nghìn người tham gia kháng chiến được tặng huân chương, huy chương; hơn 55 nghìn liệt sĩ…
Hằng năm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) trong tỉnh đã tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại nhà cho gần 28.000 NCC, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% NCC và thân nhân theo quy định.
Giai đoạn 2021 - 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện chính sách đối với người có công, là cơ sở để các ngành chức năng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể triển khai thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các chế độ chính sách được triển khai kịp thời, đầy đủ, từng bước nâng cao đời sống gia đình người có công.
Cùng với thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành, doanh nghiệp và các địa phương đẩy mạnh phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.
Qua đó, việc huy động nguồn lực chăm sóc, ưu đãi người có công đã được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức, việc làm cụ thể, thiết thực. Giai đoạn 2021 - 2023, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh đã vận động được số tiền trên 2,7 tỉ đồng.
Từ nguồn quỹ vận động được, tỉnh đã hỗ trợ để xây dựng và sửa chữa nhà đối với người có công; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, nhà bia ghi công liệt sĩ; hỗ trợ tiền mặt cho người có công với cách mạng gặp khó khăn trong đời sống.
Cũng theo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, đời sống người có công và thân nhân người có công ở Thanh Hóa không ngừng được nâng cao; đến nay, toàn tỉnh không có gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo, có trên 99,8% hộ có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư; 100% các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời.
Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, HĐND tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với người có công với cách mạng, tập trung chăm lo điều kiện vật chất và tinh thần cho người có công theo đúng quy định. Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ để bảo đảm sau khi đầu tư các công trình phát huy hiệu quả sử dụng, bảo đảm trang nghiêm, khang trang, sạch đẹp.