“Để phòng chống, xử lý dịch, đơn vị đã triển khai thêm việc ngưng sử dụng thức ăn thừa; khi xuất bán lợn phải lùa lợn vào ra khu vực riêng, tiêu độc khử trùng xe, thay ủng trước khi vào mua lợn…” - ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM nói.
Thêm 122 con lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi
Ngày 4.7, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM - cho biết, địa bàn phường Tân Tạo, Quận Bình Tân là điểm xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tiếp theo tại TP. Trước đó, người dân phát hiện một số con lợn thuộc 3 hộ chăn nuôi thuộc địa bàn này có triệu chứng điển hình của nhiễm bệnh DTLCP.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cùng cơ quan chức năng liên quan đã lấy mẫu xét nghiệm đồng thời, tiến hành tiêu hủy 122 con lợn nghi nhiễm bệnh DTLCP. “Kết quả mẫu xét nghiệm là dương tính bệnh DTLCP”, ông Huỳnh Tấn Phát cho biết. Lực lượng chức năng cũng đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện an toàn sinh học, tiến hành tiêu độc khử trùng nhiều nơi…Trước đó, tại phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM cũng đã công bố, tiêu hủy hơn 160 con lợn bị DTLCP.
Trước tình hình DTLCP diễn biến phức tạp, cũng như việc xuất hiện thêm ổ dịch tại phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, để phòng chống, xử lý dịch bệnh trên địa bàn, TP đã tiến hành nhiều giải pháp.

Theo đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TPHCM, đề nghị UBND 24 quận/huyện chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến, kho bảo quản, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể thực hiện cam kết không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch để kinh doanh, chế biến thực phẩm…Xử lý kịp thời các thông tin trái chiều, thiếu chính xác, gây hoang mang cho cộng đồng.
UBND các quận huyện phối hợp với Đội QL ATTP liên quận/huyện trực thuộc BQL ATTP TP kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ truyền thống, chợ tự phát, chợ tạm, nhằm quản lý chặt chẽ nguồn động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về TP tiêu thụ.
Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Dịch tả lợn châu Phi không lây sang người
Theo Bộ NNPTNT, bệnh DTLCP là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra; lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp mầm bệnh và xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi loại heo. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh.

Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người, bệnh chỉ lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nuôi), không gây bệnh cho các loài động vật khác. Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh.
Ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi rút. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị bệnh DTLCP, vì vậy giải pháp phòng bệnh bằng các biện pháp an toàn sinh học là chính.

Theo đó, để phòng chống dịch bệnh, cần áp dụng “5 không” tại các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, cụ thể: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, thịt heo chết; Không vứt heo chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa nuôi heo mà không qua xử lý nhiệt,…
Thức ăn dư thừa, mối họa lây lan dịch tả lợn châu Phi
Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM cho rằng, việc TPHCM có 274 hộ nuôi lợn bằng thức ăn thừa tại các nhà hàng quán ăn khiến nguy cơ xâm nhiễm DTLCP cao. Cần đặc biệt chú ý kiểm soát chặt nguồn thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt. Sử dụng thức ăn dư thừa chưa được xử lý nhiệt chiếm khả năng lây lan và xâm nhiễm DTLCP cao và con đường lây lan có nhiều hướng. Theo đó, nấu chín thức ăn dư thừa để tránh virus từ thịt lợn thừa, xúc xích làm từ thịt lợn bệnh,… sẽ lây lan khi cho lợn ăn.
Việc người chăn nuôi đi gom thức ăn dư thừa từ các nhà hàng, quán nhậu,… nếu không may tiếp xúc với thịt lợn bệnh, hay dụng cụ thu gom, đồ đựng, xe vận chuyển,… và không được khử trùng cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nhiễm bệnh cho lợn.
“Qua đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai thêm việc ngưng sử dụng thức ăn thừa; khi xuất bán lợn phải lùa lợn vào ra khu vực riêng, tiêu độc khử trùng xe, thay ủng trước khi vào mua lợn,…”, ông Phát nhấn mạnh.