Theo đó, UBND các quận - huyện sẽ thực hiện ký kết chương trình phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận - huyện và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn vận động từng hộ dân, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp không xả rác ra đường và kênh rạch, thải bỏ rác đúng nơi quy định, thực hiện nếp sống văn minh đô thị.
Lồng ghép việc giám sát, đánh giá, công nhận khu phố, ấp, phường xã không xả rác ra đường và kênh rạch như một tiêu chí về môi trường trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hàng tuần tổ chức tổng vệ sinh tất cả khu vực phát sinh rác tự phát, khu vực ô nhiễm trên địa bàn; kiểm tra các điểm tập kết rác thải tại khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và kết nối đồng bộ về thời gian giao rác của người dân – người thu gom – đơn vị vận chuyển.

Quản lý vận hành hiệu quả các trạm trung chuyển trên địa bàn quận - huyện, tuyệt đối không để tình trạng quá tải, rác thải tràn ra bên ngoài khu vực lưu chứa; vận động 100% hộ gia đình và chủ nguồn thải trên địa bàn quận - huyện ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác và chấp hành việc trả chi phí;
Bố trí thùng rác công cộng đảm bảo nhu cầu thải bỏ rác của khách vãng lai, khách du lịch ở địa phương; triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh, hiệu quả thông tin phản ánh của người dân.

Như Lao Động Trẻ đã phản ánh trong bài viết: "Rác, lục bình ngày ngày đe dọa những dòng kênh Sài Gòn", hiện nay TPHCM đã chi gần 30 tỉ đồng để vớt rác, lục bình trên nhiều tuyến sông, kênh chính. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến kênh, rạch nhỏ thì tình trạng xả rác gây ô nhiễm, tắc nghẽn dòng chảy vẫn xảy ra khiến người dân bức xúc, nhà nước phải bỏ ra số tiền lớn để giải quyết.