Âm nhạc sưởi ấm con tim

Hoàng Cương |

Sau hai năm bị gián đoạn do đại dịch, hòa nhạc Le Chauffage đã chính thức trở lại vào ngày 6.1 tại khán phòng lớn Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, với sự góp mặt của cặp song tấu Trần Lê Bảo Quyên và Trần Lê Quang Tiến, cũng là hai chị em ruột. Năm nay có thêm sự đồng hành của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF).

Cùng theo học tại Đại học Âm nhạc và nghệ thuật trình diễn Frankfurt, Đức (Bảo Quyên đã lấy bằng thạc sĩ và đang học sau đại học tại Học viện Nghệ thuật Âm nhạc Darmstadt), chuyến trở về lần này như một kỳ nghỉ nhỏ sau những năm tháng miệt mài khổ luyện.

Về để được sống trong bầu không khí gia đình đầm ấm, tận hưởng trọn vẹn sự thân quen của một Hà Nội đang rộn ràng đón xuân. Về để góp một phần nhỏ vào chiến dịch “sưởi ấm” cho những mảnh đời bất hạnh nơi quê nhà, thông qua chương trình hòa nhạc gây quỹ từ thiện thường niên Le Chauffage, nơi họ đã từng cống hiến những màn trình diễn xuất sắc cho khán thính giả.

Tất cả tác phẩm được hai chị em Bảo Quyên – Quang Tiến lựa chọn cho buổi diễn này đều đòi hỏi kỹ thuật thể hiện cao, nhưng lại không hề thách thức về mặt cảm thụ, hay nói khác đi, đều tương đối dễ nghe và dễ nắm bắt. Bắt đầu bằng Violin Sonata cung La thứ No.9, Op. 47, cặp đôi này đã ngay lập tức thể hiện sự ăn ý tuyệt vời trong việc đưa người nghe vào không gian âm nhạc của một L.V. Beethoven đang trong độ tuổi 30, đầy hoài bão, đầy tham vọng.

 
Ảnh: Hải Bá

Độ dài bất thường của Kreutzer (tên gọi quen thuộc hơn của bản sonata này) là một minh chứng, sự lắt léo của nó là một minh chứng, sau những hợp âm mở màn trang nghiêm và vang dội qua tiếng violin của Quang Tiến, hai nghệ sĩ đã thực sự tạo ra cảm giác về một cuộc đối thoại thú vị giữa piano và violin, vừa phấn khích vừa lại dịu êm.

Chủ đề của Kreutzer bay bổng, đẹp đẽ, giúp người nghe thư giãn ngay cả trong những khoảnh khắc sôi nổi nhất và kết thúc với một presto ngắn đầy hứng khởi. Hiển hiện trong Kreutzer của hòa nhạc Le Chauffage là sự tươi trẻ và một chút gì đó thanh tao, nhẹ nhõm mang màu sắc Á Đông, những yếu tố người nghe có lẽ khó tìm thấy ở các phiên bản do các nghệ sĩ lão làng phương Tây thể hiện.

 
"Thần đồng violin" Trần Lê Quang Tiến với một trong những tác phẩm viết cho violin độc tấu khó nhất của Nicolò Paganini. Ảnh: Hải Bá

Từng được mệnh danh là “thần đồng violin” của Việt Nam với bộ sưu tập nhiều giải thưởng quốc tế ấn tượng, nhất là Giải đặc biệt cho nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm đương đại xuất sắc nhất tại cuộc thi Tchaikovsky dành cho các nghệ sĩ trẻ (2017), Trần Lê Quang Tiến vẫn gây ấn tượng mạnh cho cả khán phòng khi dễ dàng làm chủ Biến tấu “Nel cor più non mi sento” – một trong những tác phẩm viết cho violin độc tấu khó nhất của Nicolò Paganini. Bản nhạc này có tính biểu tượng rất cao khi bắt nghệ sĩ phải phô diễn mọi khía cạnh kỹ thuật, và sự gắn kết giữa pizzicato tay trái – rõ ràng, nhịp nhàng – với giai điệu chủ đề chơi tay phải chính là điểm nhấn không thể nào quên.

Violinist Trần Lê Quang Tiến với Biến tấu trên chủ đề “Nel cor più non mi sento” của Paganini.

Nửa sau của đêm diễn hoàn toàn thuộc về Trần Lê Bảo Quyên, với tình yêu đặc biệt cô dành cho hai tác giả piano nổi tiếng nhất, Chopin và Sergei Rachmaninoff. Xin đừng để vóc dáng mảnh mai của nữ nghệ sĩ “đánh lừa”, bởi ẩn bên trong là cả nguồn nội lực tiềm tàng – mà việc chơi liên tục ba bản nhạc có cấu trúc phức tạp trong gần một tiếng đồng hồ cũng chưa thấm tháp gì. Theo lời Bảo Quyên, chương trình biểu diễn tốt nghiệp cao học của cô còn kéo dài tới 80 phút với 5 nhà soạn nhạc khác nhau, tất cả đều thuộc loại tượng đài của âm nhạc cổ điển.

Biến tấu trên chủ đề “Là ci darem la mano”, Op.2 được Chopin lấy cảm hứng từ một bản song ca trong vở opera Don Giovanni của Mozart, và được cả thế giới công nhận là một kiệt tác. Và Trần Lê Bảo Quyên, với vẻ nữ tính đầy duyên dáng, đã dẫn dắt cả khán phòng bước vào sự phóng túng của một tình yêu đầy đam mê, được tuôn trào theo dòng suối nhạc mênh mang từ những ngón tay lướt như gió thoảng trên dãy phím ngà.

Không hề có những thách thức về mặt kỹ thuật, tất cả chỉ là câu chuyện của cảm xúc với sự tinh tế đến bất ngờ. Sự tươi vui, nét rạng rỡ, những âm hưởng của chủ nghĩa lãng mạn và cả sự rộn rã mang màu sắc vũ khúc đều được thể hiện thật sinh động, với Trần Lê Bảo Quyên hoàn toàn kiểm soát được tiết tấu để mang đến một màn trình diễn mạch lạc và thực sự thăng hoa.

Đằng sau vóc dáng mảnh mai này là cả một nội lực tiềm tàng khi dám chơi liên tục ba bản nhạc có cấu trúc phức tạp trong suốt gần một tiếng đồng hồ. Ảnh: Hải Bá
Trần Lê Bảo Quyên với tình yêu đặc biệt cô dành cho hai tác giả piano nổi tiếng nhất: Chopin và Sergei Rachmaninoff.

Còn Fantaisie cung Fa thứ, Op.49 như một sự tương phản mạnh mẽ với nét tươi vui trong “Là ci darem la mano”, mà nếu Bảo Quyên là một họa sĩ, thì cô đã vẽ ra trước mắt thính giả bức tranh đêm đen với thật nhiều giông bão, thật nhiều kịch tính. “Nội lực” của nữ nghệ sĩ một lần nữa được bộc lộ qua những nốt trầm sâu thẳm, qua những dải âm thanh cuồn cuộn mà ở đó, bè trầm và bè cao như quyện chặt vào nhau, qua cả những đoạn hành khúc trong hình dung về đoàn quân xuyên qua bóng tối sải bước ra sa trường.

 
Đằng sau vóc dáng mảnh mai này là cả một nội lực tiềm tàng khi dám chơi liên tục ba bản nhạc có cấu trúc phức tạp trong suốt gần một tiếng đồng hồ. Ảnh: Bùi Tiến Dũng 

Không phải ngẫu nhiên Chopin đặt tên tác phẩm này là Fantaisie (hoặc Fantasy theo tiếng Anh). Nó là một “ảo mộng” đúng nghĩa, với những ngẫu hứng liêp tiếp được tái hiện qua kỹ thuật điêu luyện của nghệ sĩ, như đưa người nghe vào mê cung của xúc cảm. Giới phê bình thì đơn giản xếp Fantaisie cung Fa thứ, Op.49 vào nhóm “vương miện” trong các sáng tác của Chopin, nghĩa là hay nhất, xuất sắc nhất, tuyệt vời nhất.

Và kịch tính được đẩy lên tới cao trào trong chương đầu tiên của Piano Sonata cung Si giáng thứ, No.2, Op. 36 của nhà soạn nhạc người Nga Sergei Rachmaninoff. Có thể thấy Bảo Quyên hoàn toàn tự tin về bản thân, những đoạn khó nhất đều được kiểm soát khá tốt, mạnh mẽ mà không quá dồn dập, nhẹ nhàng nhưng vẫn rõ ràng. Cô chuyên chú vào âm nhạc chứ không phải kỹ thuật, thả cho giai điệu tự phát sáng qua những thay đổi âm hình đầy màu sắc biểu cảm, với khả năng diễn tấu vừa mẫu mực lại vừa sáng tạo, thứ bất kỳ nghệ sĩ trẻ nào cũng cần có trong giai đoạn khám phá thế giới nội tâm của tác giả và của chính bản thân mình.

Pianist Trần Lê Bảo Quyên với bản Sonate số 2 cho Piano của Rachmaninoff op.36.
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cảm ơn hai nghệ sỹ trẻ và các nhà tài trợ đã đồng hành cùng nhóm “Chia sẻ tình thương” trên hành trình thiện nguyện. Ảnh: Hải Bá
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cảm ơn hai nghệ sỹ trẻ và các nhà tài trợ đã đồng hành cùng nhóm “Chia sẻ tình thương” trên hành trình thiện nguyện. Ảnh: Hải Bá

Một lần nữa, Trần Lê Bảo Quyên lại cho thấy tài hoa của một người đã sở hữu khả năng làm chủ cây đàn có sức mạnh của cả một dàn nhạc. Buổi diễn khép lại bằng một hợp âm khỏe khoắn, vang vọng, như lời chia tay đầy ý nghĩa trong một đêm Hà Nội giáp Tết và trắng xóa tiếng dương cầm…

Hoàng Cương
TIN LIÊN QUAN

Nghệ sĩ piano Minh Ngọc từng gây sốt mạng xã hội giờ ra sao?

DI PY |

Minh Ngọc nổi tiếng nhờ vẻ ngoài xinh xắn đang không ngừng trau dồi để theo đuổi đam mê trở thành nghệ sĩ piano. Minh Ngọc mong muốn có thể truyền những năng lượng tích cực và lối sống yêu đời đến mọi người.

Chung kết “Piano SIU 2022”: Đã tìm được chủ nhân giải thưởng 1 tỉ đồng

Di Py |

Sau hơn 2 tháng diễn ra, Cuộc thi “Piano SIU 2022” đã tổ chức Gala trao giải với sự góp mặt của top 60 thí sinh xuất sắc nhất tại vòng Bán kết và Chung kết của cuộc thi. Trong đêm Gala, BTC sẽ vinh danh và trao giải với tổng giá trị lên đến 1 tỉ đồng.

Tài năng piano Việt Nam 8 tuổi quyết tâm chinh phục quốc tế

Thanh Hương |

Sau khi giành 2 cúp Vàng tại cuộc thi Liên hoan Nghệ thuật Châu Á lần thứ 9 (Asia Art Festival 2022) ở Singapore, tài năng nhí Nguyễn Trường Thịnh quyết tâm theo đuổi piano và rèn luyện để chinh phục đấu trường quốc tế.

Nghệ sĩ piano Minh Ngọc từng gây sốt mạng xã hội giờ ra sao?

DI PY |

Minh Ngọc nổi tiếng nhờ vẻ ngoài xinh xắn đang không ngừng trau dồi để theo đuổi đam mê trở thành nghệ sĩ piano. Minh Ngọc mong muốn có thể truyền những năng lượng tích cực và lối sống yêu đời đến mọi người.

Chung kết “Piano SIU 2022”: Đã tìm được chủ nhân giải thưởng 1 tỉ đồng

Di Py |

Sau hơn 2 tháng diễn ra, Cuộc thi “Piano SIU 2022” đã tổ chức Gala trao giải với sự góp mặt của top 60 thí sinh xuất sắc nhất tại vòng Bán kết và Chung kết của cuộc thi. Trong đêm Gala, BTC sẽ vinh danh và trao giải với tổng giá trị lên đến 1 tỉ đồng.

Tài năng piano Việt Nam 8 tuổi quyết tâm chinh phục quốc tế

Thanh Hương |

Sau khi giành 2 cúp Vàng tại cuộc thi Liên hoan Nghệ thuật Châu Á lần thứ 9 (Asia Art Festival 2022) ở Singapore, tài năng nhí Nguyễn Trường Thịnh quyết tâm theo đuổi piano và rèn luyện để chinh phục đấu trường quốc tế.