Mở đầu chương trình, ca sĩ Hồng Hạnh kể lại lần cô và ca sĩ Thái Hòa cùng thực hiện sản phẩm về nhạc Trịnh để tặng cho một người sếp. Dù hâm mộ danh ca Khánh Ly, nhưng vị sếp này không thể cảm nhận được hết giá trị bài hát vì ca sĩ Hồng Hạnh và Thái Hòa hát song ngữ.
Tuy nhiên, sau khi vị sếp này mang sản phẩm của ca sĩ Hồng Hạnh và Thái Hòa sang Nhật thì các đồng nghiệp của ông lại thích thú và mong muốn được nghe nhiều hơn. Do đó, vị sếp này đã mời ca sĩ Hồng Hạnh sang Nhật biểu diễn sau đó.
Song, sau khi trình diễn, ca sĩ Hồng Hạnh bị khán giả người Nhật “bắt lỗi” rằng, họ không hề biết "Diễm xưa" là tên của một cô gái.
Vì vậy, ca sĩ Hồng Hạnh cho rằng, phải cắt nghĩa nguồn gốc, thông tin bài hát hoặc tác phẩm để có thể tiếp cận đến nhiều người cũng như để xuất khẩu văn hóa, âm nhạc.
Theo ca sĩ Hồng Hạnh, để đưa văn hóa, âm nhạc Việt Nam ra thế giới, đầu tiên cần có tư duy chiến lược, trang bị kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa các quốc gia. Ngoài ra, cần phải phát triển tài năng đa dạng, từ giọng hát cho đến vũ đạo, nhạc cụ, kỹ năng giao tiếp bằng ngoại ngữ… Thậm chí, ngoại hình và phong cách thời trang cũng là một yếu tố quan trọng.
Điểm chính yếu thứ hai chính là giai điệu bài hát. Ca sĩ Hồng Hạnh cho rằng, nội dung ca khúc không cần quá dài mà chỉ cần bắt tai, làm người nghe dễ nhớ. Để làm được như vậy, nữ khách mời nhận định nhạc sĩ, ca sĩ Việt phải lắng nghe, nghiên cứu những ca khúc nước ngoài.
Theo “người đàn bà xõa tóc hát tình ca”, hiện các nhạc sĩ Việt Nam nghe và tìm hiểu rất nhiều bài hát quốc tế và đã đến lúc văn hóa âm nhạc Việt nên được xuất khẩu.
Qua những chia sẻ của ca sĩ Hồng Hạnh, host chương trình là đạo diễn Lê Hoàng kết luận để xuất khẩu văn hóa âm nhạc thì cần có chiến lược, không chỉ đơn giản là mang sản phẩm trong nước ra nước ngoài trình diễn. Bên cạnh đó, cần có sự nghiên cứu, hiểu biết về đối tượng muốn hướng đến.