Đây là một câu chuyện về một thời vàng son được nhà thiết kế kể một cách sinh động, bắt mắt trên dáng áo dài với dòng vải lụa quý thượng phẩm của làng nghề Việt Nam, thể hiện sự tự hào về bản sắc văn hóa, tình yêu quê hương đất nước trong tâm hồn người nghệ sĩ.
Nhà thiết kế sinh năm 1984 cho rằng, một trong những di sản nổi bật của Huế là mỹ thuật triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng tại Việt Nam. Trong đó, vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc trang trí trên kiến trúc Hoàng thành Huế có dấu ấn rõ nét được nhà thiết kế vận dụng tinh tế để điểm xuyến trên tà áo dài.
Trên các mẫu thiết kế là hoa văn trang trí từ các linh vật cho đến các kiểu thức hoa lá có sẵn trong thiên nhiên hay các biểu tượng trừu tượng như sấm, chớp, mây, mưa... được cách điệu thành hoa văn trang trí.
Điều đặc biệt nhất là từ những vốn cổ sẵn có, nhà thiết kế Viết Bảo cùng đội ngũ nghệ nhân chắt lọc và "triển lãm" những hình ảnh mỹ thuật tinh tế trên những tấm lụa tơ tằm tự nhiên thượng hạng của thủ phủ tơ tằm Việt Nam, đó là Bảo Lộc (Lâm Đồng). Lụa ở đây được người dệt chăm chút cẩn thận từng chi tiết nhỏ từ lúc chăn tằm cho tới ươm tơ dệt vải.
Ngoài kỹ thuật thêu truyền thống, Việt Bảo cho biết, anh chú trọng khai thác công nghệ in trên tơ tằm tiên tiến để chuyển tải vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống.
"Qua bộ sưu tập lần này, tôi muốn tôn vinh chất liệu lụa truyền thống của làng nghề Việt Nam, xóa bỏ những chất liệu không nguồn gốc, vải giả tơ lụa đang trà trộn trên thị trường, đánh lừa người tiêu dụng", nhà thiết kế gốc Huế khẳng định.
Bộ sưu tập của nhà thiết kế Viết Bảo được giới thiệu tại Lễ hội Áo dài Huế 2019 - một trong những sự kiện nằm trong khuôn khổ Festival Nghề truyền thống Huế 2019 diễn ra từ ngày 26.4 đến 2.5.