Pianist Trần Lê Bảo Quyên: "Một đời người không đủ cho âm nhạc”

Hồng Hoàng |

Tròn 10 năm học piano cổ điển tại Đức, Bảo Quyên vẫn chưa hẹn ngày về. Cô vẫn còn muốn học nữa và tập nữa, trong một nỗi hối hả thường trực: “Một đời người không đủ cho âm nhạc”, hay nói như Murakami: "Nếu không thành công thì đó là do tập luyện chưa đủ"...

Biết ơn sự cô đơn

Bảo Quyên dẫn lời Rachmaninoff (nhà soạn nhạc người Nga) để giải thích cho sự tò mò của nhiều người: "Sao học lâu thế, mãi không về”, rằng: “Âm nhạc đủ cho một đời người, nhưng một đời người không đủ cho âm nhạc”.

Năm 2013, Bảo Quyên sang Đức. Mục đích ban đầu chỉ là lấy bằng Bachelor ngành biểu diễn piano cổ điển. Nhưng 4 năm, 7 năm rồi 10 năm, có bằng thạc sĩ biểu diễn trong tay, Bảo Quyên vẫn xin cha mẹ ở lại học thêm 2 năm nữa. Học cho đến khi nào cảm thấy đủ an tâm và hài lòng cô sẽ về. Nhưng với một con người cầu toàn, tự trọng như cô, thế nào là đủ thì chính cô cũng không biết.

Ngày mới sang Đức, Bảo Quyên không nghĩ chuyến đi của mình lại dài đến vậy. Với vô vàn khốn khổ. Khốn khổ vì cô đơn, khốn khổ vì tự ti, khốn khổ vì choáng ngợp khi tự so sánh mình với sự ngay ngắn, chỉn chu, chuẩn mực của các du học sinh piano cổ điển khác. Và khốn khổ vì luôn thúc bách, đòi hỏi ở bản thân mình.

Vốn dĩ Bảo Quyên không hề được chuẩn bị cho việc đi du học. Một cô gái được gia đình yêu thương, chiều chuộng, chưa từng va vấp với cuộc sống bỗng bước chân sang một đất nước xa lạ. Học hành vất vả, những buổi tập đến 2 giờ sáng mới trở về nhà trong cái lạnh âm độ C. Học viện Âm nhạc Darmstadt khi ấy không có bạn bè người Việt. Sau này khi chuyển lên học thạc sĩ tại Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Frankfurt, cả trường cũng chỉ có 2 sinh viên người Việt. Nhưng người còn lại sinh ra và lớn lên ở Đức.

 
Nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên. 

"Ở trường người Trung Quốc có hội của người Trung Quốc, người Nhật có hội của người Nhật, người Hàn có hội của người Hàn. Nhưng Việt Nam thì không có hội. Ở đây cuộc sống tĩnh lặng và buồn tẻ. Siêu thị đóng cửa lúc 8 giờ tối. Cuối tuần không ai đổ ra đường. Có những đêm đi học về, chỉ ao ước một ai đó cho mình ôm cái tay cái chân mà ngủ", Bảo Quyên thổ lộ.

Bảo Quyên nói cô biết ơn sự cô đơn, bởi vì nó giúp cô được toàn vẹn thời gian cho âm nhạc. Nhưng để đi được đến ngày biết ơn ấy, cô gái trẻ đã trải qua bao tự ti, chống chếnh, đổ vỡ. Cả những lúc chấp chới tuột tay rơi xuống vực thẳm hay chán nản tự buông mình xuống hố sâu vì không dám đối mặt, rồi lại tự loay hoay vật lộn tìm cách leo lên. Lại lao đầu vào những buổi tập kéo dài 7-8 tiếng một ngày, ngón tay đau nhức, tóc rụng rồi bạc đi. Không dám bê trễ. Vì cứ nghĩ đến ngày mai nếu chết thì tiếc lắm.

 

Sự cô đơn cũng giúp Bảo Quyên tìm thấy cân bằng ở chính mình. Làm việc với chính mình, quán chiếu chính mình bằng âm nhạc, mỗi ngày cô lại thêm trân trọng bản thân vì đã không ngừng nỗ lực. Để khi vô tình nhìn lại, thấy bản thân thực sự tự tin và đủ đầy.

Những vất vả đã qua trở nên rất “đáng”.

Bảo Quyên chia sẻ, cô mong các bạn trẻ ở quê nhà nhận ra cái “đáng” của sự khổ luyện ấy để mạnh dạn đi du học, tạo ra một cộng đồng người Việt ở các trường âm nhạc của Đức như người Hàn, người Nhật đang làm.

Làm khó mình để làm đẹp cuộc đời

Người học nhạc cổ điển rất dễ cô độc trong thế giới của họ. Không dễ gì chia sẻ được với ai nỗi vất vả nhọc nhằn của cái nghề chỉ có thể thành công bằng tập luyện, tập luyện và tập luyện. Nói như tiểu thuyết gia danh tiếng Haruki Murakami: "Nếu không thành công thì đó là do tập luyện chưa đủ". Mà ai bắt họ làm việc đó ngoài chính họ?

Bảo Quyên thổ lộ có những thời điểm cô bối rối và khổ tâm trước những lời khuyên. Cô hoàn toàn có thể lựa chọn một con đường khác ít thử thách hơn, “nhàn thân” hơn. Nhưng tự tưởng tượng và đặt mình vào bối cảnh ấy, Bảo Quyên lại sợ. Bởi đó không phải cuộc sống và cách sống mà cô hướng đến.

 

10 năm qua, Quyên đã quen với thời gian biểu chỉ có âm nhạc trong quỹ ngày 24 tiếng của mình. Lúc nào cũng thấy mình còn hạn chế về kỹ thuật, song chọn bài thì toàn chọn bài khó đến rất khó, những phức điệu có khi lên đến 5 bè. Những bản nhạc của Bảo Quyên đối lập với ngoại hình mảnh mai, nữ tính của cô, nhưng đồng điệu với cách cảm xúc bên trong cô vận hành.  Như chuỗi chuyển động không ngừng, không vần điệu, dữ dội và da diết trong bản piano Concerto số 2 của Sergei Prokofiev - bản nhạc Bảo Quyên đang tập cho đêm diễn sắp tới ở Việt Nam.

Mẹ của Bảo Quyên nhiều lần trách con sao cứ tự hành mình, sao không chọn bài dễ chơi thôi. Thể trạng bé nhỏ, ngón tay không đủ dài, trước mỗi kì thi lại luôn bị kẹp ngón tay như trời hành. Nhưng Bảo Quyên cãi lời: “Còn có ít tuổi trẻ, nếu không tranh thủ lúc trí nhớ vẫn còn, thể lực vẫn tốt để tập thì sau này khi tuổi trẻ qua đi, gia đình vướng víu, sức khỏe suy giảm, lúc ấy có muốn tập cũng đâu có tập được.”

Sắp tới, Bảo Quyên sẽ có 3 đêm trình diễn liên tiếp ở Việt Nam. Một đêm biểu diễn cùng với Dàn nhạc giao hưởng HSBO tại Nhà hát Lớn TPHCM, một đêm biểu diễn cùng thầy cô nhạc viện và một đêm kỷ niệm hành trình 10 năm của mình với em trai là nghệ sĩ violin Trần Lê Quang Tiến. Quang Tiến hiện đang học năm thứ 3 ngành biểu diễn violin tại Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật Frankfurt.

 
Cặp song tấu piano và violin Trần Lê Bảo Quyên và Trần Lê Quang Tiến.

Đêm nhạc của hai nghệ sĩ Bảo Quyên - Quang Tiến diễn ra vào ngày 6/1/2023, mang tên Journey of heartbeat, tại Phòng hòa nhạc lớn, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đây là mùa thứ 3 của Le Chauffage concert (Hòa nhạc Sưởi ấm) - chuỗi hòa nhạc phi lợi nhuận thường niên mà hai chị em đã thực hiện từ năm 2018 song bị gián đoạn 2 năm vì dịch Covid-19. Năm nay, hòa nhạc Le Chauffage được bảo trợ tổ chức bởi Chiasetinhthuong.org và sự đồng hành của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VNCDLL). 

Trong đó, hai chị em sẽ song tấu 1 trong những bản Sonate dài nhất cho Violin và Piano: Sonate Beethoven. Ở phần độc tấu, Bảo Quyên chinh phục bản Biến tấu trên chủ đề "Là ci darem la mano" của Chopin và Rachmaninoff Sonata của Rachmaninoff - hai tác phẩm được cho là vô cùng thách thức về kỹ thuật... Còn Tiến sẽ chơi Biến tấu Paganini - 1 trong những tác phẩm độc tấu khó nhất mà Paganini viết cho Violin...

Concert đánh dấu 10 năm khổ luyện nơi xứ người khiến Bảo Quyên bồi hồi. Trong 10 năm đó, không ít lần Bảo Quyên và gia đình mình nhận về câu hỏi: "Học đàn để làm gì? Học đàn có ra tiền đâu?”. Nhưng cô chưa bao giờ nao lòng. Học đàn với cô chỉ đơn giản là một tình yêu được mẹ thắp lên từ thuở ấu thơ.  Học đàn có thể không để làm gì, nhưng nhất định không tạo ra điều gì xấu. Và nếu như "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu", học đàn có thể vun vén những đẹp đẽ cho cuộc đời, sưởi ấm những trái tim đang rét mướt, hay góp thêm một tiếng hoan ca cho những tâm hồn đang đủ đầy.

Song tấu piano và violin của chị em Trần Lê Bảo Quyên và Trần Lê Quang Tiến, tác phẩm “Salute d'Amour” của Edward Elgar tại chương trình Le Chauffage concert (Hòa nhạc Sưởi ấm) mùa 2 (2019).
Hồng Hoàng
TIN LIÊN QUAN

Tài năng piano Việt Nam 8 tuổi quyết tâm chinh phục quốc tế

Thanh Hương |

Sau khi giành 2 cúp Vàng tại cuộc thi Liên hoan Nghệ thuật Châu Á lần thứ 9 (Asia Art Festival 2022) ở Singapore, tài năng nhí Nguyễn Trường Thịnh quyết tâm theo đuổi piano và rèn luyện để chinh phục đấu trường quốc tế.

Bán kết cuộc thi Piano SIU 2022: Nhiều thí sinh tài năng lộ diện

DI PY |

Cuộc thi Piano SIU 2022 đã thu hút đông đảo các thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, nhiều đơn vị đào tạo nghệ thuật uy tín trong nước và quốc tế. Đặc biệt, có cả những thí sinh với độ tuổi còn rất trẻ nhưng có chung niềm đam mê âm nhạc.

Công nương Kate lần đầu trổ tài chơi piano

Hà Anh |

Công nương Kate Middleton đã thể hiện kỹ năng chơi piano cho khán giả truyền hình trong một buổi biểu diễn dịp Giáng sinh. 

Tài năng piano Việt Nam 8 tuổi quyết tâm chinh phục quốc tế

Thanh Hương |

Sau khi giành 2 cúp Vàng tại cuộc thi Liên hoan Nghệ thuật Châu Á lần thứ 9 (Asia Art Festival 2022) ở Singapore, tài năng nhí Nguyễn Trường Thịnh quyết tâm theo đuổi piano và rèn luyện để chinh phục đấu trường quốc tế.

Bán kết cuộc thi Piano SIU 2022: Nhiều thí sinh tài năng lộ diện

DI PY |

Cuộc thi Piano SIU 2022 đã thu hút đông đảo các thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành, nhiều đơn vị đào tạo nghệ thuật uy tín trong nước và quốc tế. Đặc biệt, có cả những thí sinh với độ tuổi còn rất trẻ nhưng có chung niềm đam mê âm nhạc.

Công nương Kate lần đầu trổ tài chơi piano

Hà Anh |

Công nương Kate Middleton đã thể hiện kỹ năng chơi piano cho khán giả truyền hình trong một buổi biểu diễn dịp Giáng sinh.