Sao làm MV cổ trang: Trào lưu hay bế tắc ý tưởng?

Minh Thi |

Rộ lên từ năm 2017, hàng loạt MV cổ trang của các ca sĩ lần lượt trình làng với chi phí tốn kém gấp 3 lần MV bình thường. Tuy nhiên, điều đáng nói là các ê kíp thường bắt chước nhau hoặc bắt chước phim… Trung Quốc, cho ra những hình ảnh na ná nhau, khiến khán giả lúc mới xem thì háo hức, càng xem càng…bội thực.

Phải có màu cổ trang dù không liên quan

Trong cùng 1 ngày (29.6), cả Hương Tràm và Nam Em đều tung MV cổ trang. Nói cho đúng ra, trong poster nhá hàng, Hương Tràm mặc trang phục cổ xưa khiến nhiều người lầm tưởng đây là MV cổ trang, mà trên thực tế thì chỉ có một đoạn minh họa, còn lại là thời hiện đại; tuy nhiên để “ăn theo trào lưu”, cũng phải có một đoạn “mồi” hấp dẫn nhử khán giả. Ca khúc "Duyên mình lỡ" do Hương Tràm đặt hàng nhạc sĩ Tú Dưa viết cho người cô từng yêu 5 năm trước đây, là ca khúc hiện đại, giờ pha thêm màu sắc cổ trang cho lãng mạn. Chỉ cần một nét pha lãng mạn đó mà chi phí  MV đội lên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều người, cách giới thiệu poster của Hương Tràm là “cú lừa ngoạn mục” nhằm kích thích trí tò mò của khán giả.

Còn Nam Em ra MV “Nỗi nhớ hóa băng”, một ca khúc do chính cô sáng tác trong khoảng thời gian nằm viện chữa bệnh và xa người cô yêu thầm trộm nhớ. Đoạn teaser gợi mở nhiều sự tò mò với hình ảnh Nam Em trong trang phục thời xưa, ngồi trước tấm kính soi rọi hình ảnh chính mình, cô mở cửa lồng chim cho cánh chim bay ra ngoài, tìm đến  tự do… Câu chuyện thời nay, song trong MV, Nam Em có tạo hình phảng phất hình ảnh nữ hoàng chốn hoàng cung – nhiều quyền uy nhưng cũng nhiều nỗi niềm, tâm sự. Đặc biệt, có phân đoạn cô hóa trang hơi giống Võ Tắc Thiên, hoặc có đoạn ôm đàn tì bà... Hình ảnh trong MV bắt mắt và trau chuốt khiến người ta chú ý phần xem hơn là phần nghe.

Nhìn chung, cả hai MV đều muốn đưa người xem ngược về quá khứ xưa cũ, với những trang phục không rõ của thời đại nào, để diễn ra sự cách biệt và nỗi nhớ thực ra thời nào cũng giống nhau. Rõ ràng, để thu hút khán giả, các ca sĩ thường đầu tư khá nhiều tiền vào MV của mình, với hình ảnh mới lạ, bắt mắt, song xét về hiệu ứng bài hát thì việc đầu tư "khủng" cũng không dễ biến ca khúc trong MV trở thành bản hit ngay được.

Cũng trong tháng 6, ca sĩ “Đừng như thói quen” tung MV cổ trang hóa Kim Trọng trong “Truyện Kiều”. Đây là một cú liều của Jaykii và đạo diễn, vì có ai nghiên cứu kỹ trang phục của Kim Trọng lẫn nàng Kiều thời ấy. Và thực ra ca khúc cũng không liên quan mấy đến nhân vật trong Truyện Kiều, chỉ đơn giản là ca sĩ thấy thích thì nhờ đạo diễn làm, thế thôi.

“Sao em nỡ” chọn Tràng An là nơi ghi hình, xây dựng câu chuyện gợi nhớ những trích đoạn của Truyện Kiều nổi tiếng như Kiều gặp Kim Trọng, Kiều bán mình chuộc cha, Kim Trọng bôn ba tìm Kiều... Và kết thúc bằng một cái kết bất ngờ ở thời hiện tại. Với bối cảnh cổ trang, ê kíp đã cố gắng kể một câu chuyện thuần Việt, với trang phục được thiết kế bởi nhà thiết kế Nguyễn Hoàng Tú, tránh tối đa những hiểu lầm về văn hóa, nhưng nhìn chung phục trang quá tuềnh toàng, nhất là trang phục của nhân vật Thúy Kiều trong MV. 

Không chỉ các ca sĩ đang nổi, những ca sĩ trẻ cũng “máu” làm MV cổ trang. Ca sĩ Cao Vũ cho ra MV cổ trang ngôn tình “Anh là gió em là cát”. Điều lạ lùng là đây ca khúc trong phim “Hoàn Châu Cách Cách” nhưng lại được phối theo dòng nhạc EDM (điện tử) với nhân vật chính hóa trang thành chàng trai giỏi cưỡi ngựa và bắn cung, sánh vai cùng công chúa Mông Cổ…

Nam Em trong hình ảnh thiếu nữ xưa.
Nam Em trong hình ảnh thiếu nữ xưa.
Phong cách lai phim Trung Quốc

Năm ngoái, hàng loạt MV cổ trang xuất hiện, mang hơi hướng mới lạ, thu hút khán giả và nhanh chóng trở thành các MV gây sốt trên mạng, nhưng sau một thời gian lại bị chỉ trích là mang phong cách không khác gì các bộ phim Trung Quốc. Hoặc gọi là cổ trang song trang phục khá đơn điệu, chỉ là trang phục của thời xưa chứ không mang dấu ấn của một nhà thiết kế nào có công dụng võ nghiên cứu trang phục người Việt cổ kỹ càng.

Lần lượt ra đời các  MV cổ trang “Lạc giữa nhân gian” của ca sĩ Ngô Kiến Huy, "Chờ người" của Tố My, “Thiên tử” của, Đan Trường. “Sống xa anh chẳng dễ dàng” của Bảo Anh, “Họa tình” của Trương Quỳnh Anh, “Lạc trôi “ của Sơn Tùng M-TP. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng các MV cổ trang thường chịu ảnh hưởng ít nhiều của các phim kiếm hiệp, dã sử, lịch sử, ngôn tình của Trung Quốc. MV của Bảo Anh gợi nhớ phim Họa bì 2, khi nhân vật nữ mượn xác cô gái khác để được bên cạnh người mình yêu. MV của Trương Quỳnh Anh đậm chất ngôn tình Trung Quốc với mô típ người con gái hóa bướm. Đan Trường hay Sơn Tùng M-TP với hình ảnh “chân mệnh thiên tử” – mô típ thường gặp trong các phim kiếm hiệp Trung Quốc. “Dẫu chỉ là mơ” của Thủy Tiên phảng phát hình ảnh của hồ ly trong Họa bì lẫn vẻ đẹp quyền lực của Võ Tắc Thiên… 

Trước những ý kiến trái chiều của khán giả, Tố My lý giải: “Thật ra, My làm MV “Chờ người” theo hướng cổ trang fantasy (kỳ ảo), chứ không có chi tiết nào theo hướng cổ trang hay dã sử Trung Quốc. Nếu để ý kỹ, mọi người có thể thấy sân khấu phía sau là 12 con giáp hoàng đạo, chứ không phải chi tiết của văn hóa Trung Quốc. Trang phục của My cũng mang hơi hướng fantasy chứ không theo chuẩn mực nào. Nhìn vào mọi người sẽ thấy tạo hình, bối cảnh trong MV là cổ trang nhưng đã biến tấu đi. Có thể, lâu nay trong suy nghĩ của nhiều người “cứ cổ trang là của Trung Quốc”, thế nên nhìn qua sẽ thấy giống, nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy khác hoàn toàn.

Nhiều người không tiết lộ chi phí làm MV cổ trang, nhưng chi phí thường từ vài trăm triệu đến hơn 1 tỷ đồng. Riêng tiền trang phục có khi lên đến 300 triệu đồng, như trong tạo hình của Đan Trường trong “Thiên tử”, hay các cảnh quay tốn kém ở các thắng cảnh nổi tiếng như Ninh Bình, Hòa Bình, Lâm Đồng…

Khôi hài hơn, 2 MV cổ trang của Sơn Tùng M-TP và Ngô Kiến Huy được ghép lại khớp đến không ngờ, là do sự na ná trong hình ảnh lẫn ý tưởng liêu trai, giai điệu ma mị. Theo đó, nền nhạc được lấy từ sản phẩm mới nhất của Ngô Kiến Huy là "Lạc giữa nhân gian", xuyên suốt clip đan xen hình ảnh của cả "Lạc trôi" với những chi tiết cổ trang kết nối giữa 2 MV. Một số khán giả bình luận, họ cũng thấy sự “giông giống” giữa 2 MV sau khi xem vài phân cảnh đầu. 

Trước đó 10 năm, trào lưu MV cổ trang từng xuất hiện với các ca sĩ đi tiên phong như Đan Trường, Cẩm Ly, Lam Trường, Thanh Thảo, Hiền Thục, Hàn Thái Tú, Đàm Vĩnh Hưng, Uyên Linh... Tuy nhiên, thời nay cách làm đã khác. Ca sĩ có thể đưa nhiều yếu tố hiện đại vào MV như áo len cổ lọ, giày sneakers, váy quây, áo lông vũ… hoặc chú trọng vào lối trang điểm cầu kỳ, độc lạ. Ê-kíp thực hiện cũng  có chủ ý khi đặt các câu chuyện vào bối cảnh giả tưởng, kỳ ảo, không rõ thời đại để tránh bị "soi" không đúng với từng thời đại.

Ca sĩ Vũ Hà nhìn nhận: “So với thời của chúng tôi, MV cổ trang của các ca sĩ trẻ hiện nay được chuyên nghiệp hóa từ khâu phục trang, hóa trang, tạo hình, bối cảnh... Đáng mừng cho những nghệ sĩ trẻ đã dũng cảm thực hiện những MV này, rất đẹp và ấn tượng. Thực ra, trong con đường âm nhạc của mình, ca sĩ nào cũng muốn thay đổi và làm mới mình. Nhiều ca sĩ cũng “chạy đua” tung ra sản phẩm mới, nên nghiễm nhiên nó sẽ trở thành xu hướng gây “bão”. Vô hình trung trở thành trào lưu. Dù thích hay không thích, dòng chảy  đó vẫn cứ diễn ra”. 

Có một điều đáng nói, là dù hình thức cổ trang hay hiện đại, thì phải là MV hay thì người ta mới nhớ. Còn nếu không liên quan gì đến thời xa xưa song vẫn mượn hình ảnh cổ trang, khẩu tiếng không khớp với khẩu hình, hình ảnh na ná phim cổ trang Trung Quốc... thì sẽ có một loạt MV thiếu bản sắc Việt và không ai nhớ đến sau vài lần xem. Thế nên, làm MV cổ trang cũng là cái bẫy cho những ai thiếu ý tưởng riêng hoặc chỉ biết bắt chước nhau thiếu sáng tạo.

Minh Thi
TIN LIÊN QUAN

Nguyễn Minh Tân đoạt giải nhất clip cuộc thi “Tận hưởng bản sắc Việt” lần 2

M.T |

Vừa qua, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức Lễ trao giải cuộc thi ảnh, cuộc thi viết, cuộc thi clip “Tận hưởng bản sắc Việt” lần 2 với tổng giá trị giải thưởng 685 triệu đồng.

“Hotboy học đường Thái Lan" Nanon Korapat đóng vai chính trong "Mỹ nhân thần sách"

M.T |

Mang tinh thần trẻ trung, "Mỹ nhân thần sách" là bộ phim học đường hài hước bóc tách cuộc sống của giới trẻ hiện đại. Phim có sự tham gia của nhiều gương mặt triển vọng hứa hẹn tạo ra phong vị mới trên màn ảnh Việt.

“Hết thời”- hai từ ám ảnh của sao

Minh Thi |

Nhiều ca sĩ đến đỉnh cao của sự nghiệp bỗng dưng danh tiếng trồi sụt chỉ vì những tin đồn thất thiệt. Hoặc không hiểu sao những lời đưa chuyện “ca sĩ này hết thời”, hay không được mời làm giám khảo, chỉ mải lo kinh doanh… đeo bám họ. Có nhiều cách xử lý khủng hoảng dành cho sao trước những tin đồn như vậy.

Nguyễn Minh Tân đoạt giải nhất clip cuộc thi “Tận hưởng bản sắc Việt” lần 2

M.T |

Vừa qua, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức Lễ trao giải cuộc thi ảnh, cuộc thi viết, cuộc thi clip “Tận hưởng bản sắc Việt” lần 2 với tổng giá trị giải thưởng 685 triệu đồng.

“Hotboy học đường Thái Lan" Nanon Korapat đóng vai chính trong "Mỹ nhân thần sách"

M.T |

Mang tinh thần trẻ trung, "Mỹ nhân thần sách" là bộ phim học đường hài hước bóc tách cuộc sống của giới trẻ hiện đại. Phim có sự tham gia của nhiều gương mặt triển vọng hứa hẹn tạo ra phong vị mới trên màn ảnh Việt.

“Hết thời”- hai từ ám ảnh của sao

Minh Thi |

Nhiều ca sĩ đến đỉnh cao của sự nghiệp bỗng dưng danh tiếng trồi sụt chỉ vì những tin đồn thất thiệt. Hoặc không hiểu sao những lời đưa chuyện “ca sĩ này hết thời”, hay không được mời làm giám khảo, chỉ mải lo kinh doanh… đeo bám họ. Có nhiều cách xử lý khủng hoảng dành cho sao trước những tin đồn như vậy.