“Thế giới ngầm” của làng nhạc trỗi dậy

Minh Thi |

Gần đây, xuất hiện những ca sĩ cá tính lẫn ca khúc underground (tạm hiểu “thế giới ngầm”) của họ chinh phục người nghe với lượng view “khủng” không thua kém những ca khúc đang hot của Sơn Tùng M-TP. Điều tương tự đang xảy ra trong các bảng xếp hạng âm nhạc, khi nhiều ca khúc “thế giới ngầm” bắt đầu soán ngôi các ca khúc dance, ballad, EDM và tạo “cú hích” lớn cho thị trường âm nhạc. 

Ngấm vào giới trẻ

Mới đây, ca khúc underground đầu tiên đạt 300 triệu lượt nghe là “Buồn của anh”, nối gót 2 ca khúc chính thống là “Em gái mưa” và "Phía sau một cô gái". "Buồn của anh" do bộ ba underground “lạ hoắc” với dân chuyên nghiệp, gồm K-ICM, Đạt G và Masew sáng tác và trình bày, có giai điệu bắt tai với giới trẻ. Ca khúc được phát hành cuối năm 2017, chỉ mất hơn 5 tháng để chạm đến ngưỡng 300 triệu lượt.

Tuy nhiên, ca từ và nội dung "Buồn của anh" vẫn bị xem là "thảm họa" vì  cách hát ngọng y như...  “Việt kiều mới hồi hương”. Không riêng “Buồn của anh”, Vpop đầu năm 2018 chứng kiến sự lên ngôi của các sản phẩm đến từ cộng đồng Indie/underground sở hữu cả trăm triệu lượt nghe như "Cùng anh", "Cô gái M52" và "Người âm phủ".

Có thể nói,  ca khúc underground như mưa lâu thấm đất, ngấm dần vào giới trẻ, hiểu được nỗi lòng của họ nên có khi còn gần gũi hơn nhiều ca khúc chính thống. Năm 2018 chứng kiến sự lên ngôi view "khủng" của “Người lạ ơi”  (Super Brothers, Karik và Orange)  với 147 triệu lượt xem. Khán giả bắt đầu chán “Em gái mưa” với phong cách ballad quen thuộc, nên khi “Người lạ ơi” vừa ra mắt đã trở thành ca khúc “gây nghiện”. MV của ca khúc cũng đạt 100 triệu lượt xem chỉ sau 39 ngày trình làng trên Youtube.

Một ca khúc gây chú ý không kém là "Túy âm" của nhóm tác giả nghiệp dư - Xesi, Masew, Nhatnguyen đạt 103 triệu lượt xem. Ca khúc này cũng chiếm sóng trên các bảng xếp hạng trong một thời gian, cho dù tên tuổi tác giả không mấy ai biết đến trong làng nhạc underground. Tính đến thời điểm hiện tại, “Túy âm” đã mang về rất nhiều thành tích khủng khi lượt xem và nghe trên Youtube và Zing Chart đều đạt trên 100 triệu lượt.

“Kém duyên” của RUM, NIT, MASEW cũng đạt 59 triệu lượt xem trên Youtube và hơn 150 triệu lượt nghe. “Người âm phủ” của tác giả có cái tên lạ tai Osad cũng đạt 37 triệu lượt xem. Ra mắt gần 2 tháng, tuy nhiên “Người âm phủ” vẫn chứng tỏ được sức hút của mình khi đạt hơn 100 triệu lượt nghe trong top 3 những ca khúc được nghe trong ngày. Thậm chí, bản audio đăng tải trên Youtube cũng có hơn 37 triệu lượt xem – tính tới thời điểm hiện tại.

Điểm mạnh của các ca khúc underground chính là ca từ khá  thú vị và bất ngờ, thậm chí có khi còn là cách nói vòng vèo gây cười, kiểu: "Nhà em có sao em không ở mà đi chuyển hộ khẩu vào trái tim anh? ", hay "Người lạ ơi! Xin hãy cho tôi mượn bờ vai, tựa đầu gục ngã vì mỏi mệt quá/Người lạ ơi! Xin hãy cho tôi mượn nụ hôn, mượn rồi tôi trả, đừng vội vàng quá/Người lạ ơi ! Xin hãy ghé mua giùm tôi , 1 liều quên lãng, để tôi thanh thản"…

Đặc biệt, thừa thắng xông lên, sau “Người âm phủ”, Osad tiếp tục ra mắt ca khúc mới. Anh thể hiện phân đoạn rap với ca từ ngọt ngào, lãng mạn trong MV "Những kẻ dại khờ" cùng Hà Anh và Đinh Mạnh Ninh. Ca khúc được phát hành độc quyền trên Zing MP3 và nhanh chóng nhận hơn 130.000 lượt nghe. 

Mai Quang Nam - chủ nhân ca khúc “Người âm phủ“.
Mai Quang Nam - chủ nhân ca khúc “Người âm phủ“.
Sức hút của ca khúc underground

Lạ tai, bắt mắt, đầu tư gọn nhẹ nhưng mang lại hiệu quả cao và tức thì - đó là những gì mới mẻ mà dòng nhạc underground mang lại. Hơn nữa, sự giản dị, rất đời và hóm hỉnh của ca từ khiến người nghe phải nhớ, rồi “nghiện” lúc nào không hay. Bản thân đề tài cũng tự do, rộng mở, không bó hẹp lại ở những chuyện não tình, thất vọng, mất mát, chết chóc…

Đặc biệt, giai điệu cá tính mà vẫn dễ nghe, pha lẫn những đoạn rap tự sự chân thành cũng là một điểm mạnh của dòng nhạc này, thể hiện trong "Túy âm", "Kém duyên", "Con điên", "Em dạo này"... Hơn thế nữa, mỗi ca khúc đều có chút gia vị lạ, chút bất ngờ nên mang tính hấp dẫn người trẻ.

Không phải ngẫu nhiên mà "Chiều hôm ấy" trở thành bản ballad "quốc dân" trong suốt một thời gian dài. Đó là nhờ giọng hát mộc mạc, ấm áp, cảm xúc  của JayKii. Không quảng bá hình ảnh, hay chiến lược truyền thông rầm rộ, thế nhưng, ca khúc  vẫn lọt top nhiều bảng xếp hạng nghe nhạc trong suốt thời gian dài, đạt hơn 41 triệu lượt xem, 95 nghìn lượt yêu thích trên Youtube.

Bên cạnh đó, tư duy về MV hay cách kể chuyện cũng thể hiện được cá tính nổi loạn đặc trưng của các cá nhân, nhóm nhạc Underground đang hoạt động. Ví dụ như,  "Em dạo này" của Ngọt kể về tâm sự của một chàng trai mới chia tay người yêu với những hồi ức được tái hiện đầy dí dỏm, rộn ràng. Hoặc ở MV "Từ ngày em đến" lại có nét thu hút riêng khi xoay quanh câu chuyện về một cô gái độc lập, lạc quan sau khi chia tay người yêu, cùng lời nhắn gửi: Mọi cô gái sinh ra đều xứng đáng được yêu một người đàn ông tốt.

Phải nói rằng thế hệ tác giả underground đều có khả năng viết nhạc, tạo một sân chơi sáng tác phong phú. Những cái tên như Ngọt, Dalab, bộ đôi Nit và Rum, Đạt G, Xesi... đều là những nhân tố mới có lực hút và còn có khả năng đi xa. 

Đặc biệt, trong một số bảng xếp hạng âm nhạc, những ca khúc ngôn tình dần nhường chỗ cho cho không ít ca khúc underground. Đặc biệt, trên #zingchart tuần, những ca khúc underground đều nắm giữ thứ hạng cao. Trong đó, Người lạ ơi, Mình cưới nhau đi và Cùng anh đứng ở 3 vị trí đầu tiên. Đây là lần hiếm hoi 5 vị trí #zingchart đều thuộc về nghệ sĩ underground.

Không những thế, âm nhạc của những tác giả, nghệ sĩ Indie/underground đã chiếm ưu thế áp đảo so với giới nghệ sĩ showbiz suốt những tháng đầu năm. Âm nhạc  của giới  tác giả trẻ ẩn khuất trong cộng đồng mạng nay bắt đầu manh nha bước vào đời thực và chiếm ưu thế nhờ những tự sự và thông điệp mới mẻ.
Bản thân các tác giả hoạt động độc lập, không cần một ê-kíp hùng hậu hay một chiến dịch hoạch truyền thông bài bản cho sản phẩm, vẫn đang gây sốt với cộng đồng nghe nhạc, như  Ngọc Dolil, Osad hay Huy, Tùng Viu cùng loạt sáng tác đầu tay của mình.

Từ đây có thể thấy, thói quen nghe nhạc của giới trẻ cũng thay đổi. Các nghệ sĩ chính thống cũng bắt đầu bị cạnh tranh gay gắt bởi các ca sĩ trẻ underground với những sáng tạo không ngừng trong âm nhạc. Những sáng tạo đó có thể còn chưa quen tai  của số đông khán giả, nhưng thâm nhập sâu rộng trong giới trẻ, để tên tuổi của các tác giả mới không còn là "thế giới ngầm"nữa.  

Dòng nhạc underground được hiểu nôm na là dòng nhạc không chính thống, tách biệt với những thể loại âm nhạc đại chúng, ít xuất hiện trên truyền thông. Nghệ sĩ được thả mình thoải mái trên không gian hoạt động chính của họ là Internet và khá kín tiếng. Những sáng tác của họ thường giản dị, chân thực, gắn liền với cuộc sống và dễ đi sâu vào lòng người. Khác với dòng nhạc overground (chính thống) lấy tình yêu làm chủ đề chính, nhạc underground thường tập trung vào đi sâu các vấn đề xã hội bên cạnh chủ đề về tình yêu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của internet như hiện nay, dòng nhạc này đang lan rộng ảnh hưởng và bắt nhịp với các dòng nhạc khác.

Minh Thi