Chất thải nguy hại: Lắm bất cập, công nghệ xử lý nghèo nàn

Hoàng Hưng |

Chưa bao giờ, lượng rác thải được các doanh nghiệp nhập khẩu trá hình dưới hình thức phế liệu lại tràn ngập các cảng biển ở VN nhiều như vậy. Ngay giữa tháng 6.2018 vừa qua, lực lượng Hải quan đã phải báo động tình trạng hàng ngàn container phế liệu vô chủ đã nhập vào VN, góp phần gây ùn ứ cảng. Chưa nói, tại không ít địa phương, cơ quan chức năng cũng phát hiện không ít vụ tập trung, ủ chứa vô số phế liệu thuộc diện chất thải hết sức nguy hại… Trong khi đó, công tác xử lý chất thải nguy hại (CTNH) lại tỏ ra quá nhiều bất cập về quản lý, vận chuyển, công nghệ xử lý…

1001 kiểu thu gom chất thải nguy hại

Đầu tiên phải kể về một trường hợp ở phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ngày 12.6 vừa qua, Phòng cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Bình Dương, đã bắt quả tang bà N.T.H tập kết chất thải công nghiệp nguy hại tại một khu đất trống, với số lượng rất lớn, gần 700 thùng phuy. Bà H. chuyên mua phế liệu, CTNH mà bà H. mua là hàng trăm thùng phuy đựng hoá chất độc hại. Bà H. mua những thùng phuy trên để phân loại, rồi bán ra bên ngoài nhằm thu lợi. Những thùng phuy bà H. bán ra thị trường không hề được xử lý theo đúng quy định. Thời điểm kiểm tra, bãi tập kết phế liệu của bà H. không có giấy phép hoạt động, không xuất trình được giấy phép xử lý CTNH.

Trước đó, ngày 8.6, Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã bắt quả tang điểm chôn lấp trái phép chất thải công nghiệp nguy hại xảy ra tại khu đất rộng 600m2 của bà N.T.L ở phường Khánh Bình, thị xã  Tân Uyên.  Bãi đất chứa hàng tấn chất thải công nghiệp, gây ô nhiễm nghiêm trọng cả một vùng…Theo khai nhận của bà L., hàng ngày bà thu mua phế liệu sau đó phân loại những loại không sử dụng được, bà cho công nhân đổ tại bãi đất này, sau đó thuê người lấp đất lên để san lấp mặt bằng. Tại bãi đất này có khoảng vài chục tấn chất thải rắn công nghiệp gồm: bao bì nylon, vải vụn và những chất thải khó phân hủy khác đang gây hại cho môi trường rất trầm trọng.

Trong khi đó, tại TPHCM, theo Cục Hải quan TPHCM, tính đến giữa tháng 6.2018, có khoảng 3.220 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan đang được lưu giữ tại các cảng biển TPHCM. Trong số đó, chỉ tính riêng lượng container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan tồn đọng quá 90 ngày đã lên đến 2.255 container. Hiện phần lớn hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái do Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 quản lý, với 2.181 container. Ngoài ra, có 38 container tồn đọng tại các cảng Phước Long - Thủ Đức... Tại cảng Cát Lái, có 965 container phế liệu nhập khẩu chưa làm thủ tục.v.v…

Còn theo số liệu từ Cục Hàng hải VN, tính đến cuối tháng 5.2018, khu vực cảng biển VN có nguy cơ tồn đọng gần 28.000 container hàng. Trong đó, khu vực cảng biển Hải Phòng tồn hơn 6.700 container, TPHCM tồn hơn 14.600 container và Bà Rịa - Vũng Tàu là hơn 6.500 container. Nhóm hàng đang có nguy cơ tồn đọng lâu dài là hàng điện tử cũ, phân bón, nông sản, nhôm, nhựa, giấy phế liệu, ô tô… 

Tiêu huỷ phế liệu tiềm ẩn chất thải nguy hại tại khu xử lý rác Phước Hiệp (TP HCM). Ảnh: H.H
Tiêu huỷ phế liệu tiềm ẩn chất thải nguy hại tại khu xử lý rác Phước Hiệp (TP HCM). Ảnh: H.H
Lắm bất cập, công nghệ xử lý nghèo nàn

Ông Vũ Phong – cán bộ Hải quan TP HCM tại cảng ICD Phước Long – cho rằng: “Thực trạng các tổ chức nhập phế liệu từ nước ngoài về VN ngày càng nhiều. Đặc biệt là nhập các loại đồ điện tử đã qua sử dụng, rác nhựa, giấy để về tái chế … tiềm ẩn rất nhiều chất độc hại. Các loại CTNH này rất khó xử lý, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người là tất yếu”. Thống kê của Tổng cục Môi trường cho biết, hàng năm, VN phát sinh độ 1 triệu tấn CTNH. Tuy nhiên, việc xử lý CTNH, trên thực tế cũng nảy sinh không ít bất cập.

Để quản lý CTNH, Bộ TN-MT đã ban hành Danh mục về CTNH kèm theo Quyết định số 23/2006 QĐ-BTNMT và Thông tư số 12/2006/TT-BTNMT, hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục nộp hồ sơ, đăng ký cấp giấy phép, mã số quản lý CTNH. Theo đó, công tác quản lý CTNH thời gian qua đã thu được những kết quả đáng kể như: hướng dẫn và cấp phép hành nghề quản lý CTNH; in và phát hành chứng từ CTNH; xây dựng và triển khai hệ thống thông tin điện tử về quản lý CTNH…

Tuy nhiên, công tác quản lý CTNH hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Đó là do quy định pháp luật, thẩm quyền quản lý nhà nước giữa các bộ, ngành, còn thiếu và chưa đảm bảo tính khả thi. Từ đây, dẫn đến việc quản lý bị phân tán, thiếu sự phối hợp trong kiểm soát CTNH.  Hệ thống văn bản pháp luật về quản lý CTNH chưa đầy đủ và hoàn thiện, thiếu văn bản chi tiết hướng dẫn việc thực hiện, chưa có quy định về quản lý, lưu giữ CTNH chờ xử lý và phân loại.v.v… Kinh phí chi cho xử lý, tiêu hủy CTNH tốn kém, nên vì lợi nhuận trước mắt, một số cơ sở cố tình vi phạm các quy định pháp luật quản lý CTNH.

Nhận định về công nghệ xử lý CTNH, ông Phùng Chí Sĩ – chuyên gia về xử lý rác thải, cho rằng: “Việc áp dụng công nghệ trong xử lý CTNH mới chỉ dừng ở một số công nghệ như: Lò đốt tĩnh hai cấp và lò quay. Đồng thời, xử lý trong lò đốt xi măng, tái chế, điện phân… Xử lý CTNH hiện có của VN chưa thực sự hiện đại, sử dụng các công nghệ đa dụng cho nhiều loại CTNH và thường ở quy mô nhỏ. Nguyên nhân của vấn đề này một phần do khó khăn trong việc thu gom chất thải, nên việc đầu tư quy mô lớn hiện chưa phát triển hơn được. Hơn nữa, hiện nay, do VN chưa có các quy định cụ thể về chất thải sản phẩm tái chế, nên việc kiểm soát các sản phẩm từ CTNH chưa được thực hiện đồng bộ”.

Bên cạnh đó, tại nhiều cơ sở xử lý chất thải, vẫn sử dụng hình thức chôn lấp, quá trình kiểm soát ô nhiễm chưa thực sự đem lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường và vẫn đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, một số địa phương sử dụng nguồn vốn ODA để nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn; dây chuyền chưa phù hợp với điều kiện VN, tỷ lệ chất thải được đem chôn lấp hoặc đốt sau xử lý rất lớn từ 35 – 80%, chi phí vận hành và bảo dưỡng cao…

Trong khi đó, đối với CTNH trong ngành y tế, việc xử lý, thiêu hủy CTNH cũng chưa đáp ứng được quy định. Hiện có trên 73,3% bệnh viện toàn quốc có xử lý bằng công nghệ đốt, còn lại 26,7% sử dụng biện pháp thiêu đốt ngoài trời hoặc chôn lấp trong khuôn viên bệnh viện hoặc bãi chôn lấp chung của địa phương. Cả nước có khoảng 400 lò đốt rác thải y tế được đầu tư phân tán, phần lớn tại ngay cơ sở y tế và công suất xử lý nhỏ, phổ biến từ 20 – 50kg/giờ và một lượng lớn trong số đó không có hệ thống xử lý khí thải kèm theo.

Theo các chuyên gia môi trường: Trong thời gian tới, phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về CTNH. Đặc biệt là việc xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với từng công nghệ xử lý, tái chế CTNH để tạo cơ sở pháp lý và kỹ thuật cho việc áp dụng các công nghệ xử lý, tái chế. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo các công nghệ đã được cấp phép hoạt động tuân thủ đúng quy định, đạt các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu khoa học về các công nghệ để xử lý, tái chế các loại CTNH đặc thù. Song song đó,  xây dựng và ban hành các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở khoa học cho công nghệ xử lý chất thải. Ngoài việc nâng cao hiệu quả vấn đề quản lý, thanh tra, xử phạt, Nhà nước cần chú trọng đến vấn đề quản lý thị trường và quy hoạch công nghệ xử lý CTNH. Khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, đảm bảo các yêu cầu trong công tác bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện VN.  

Hoàng Hưng
TIN LIÊN QUAN

Vườn Quốc gia Cát Tiên “kêu cứu” vì khai thác cát

HÀ ANH CHIẾN |

Vườn quốc gia Cát Tiên (VQG Cát Tiên) là khu “rừng cấm” đóng chân trên địa bàn nhiều tỉnh gồm Đồng Nai, Lâm Đồng... đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới do đặc trưng là rừng nguyên sinh, có hàng nghìn loài động thực vật quý hiếm và đặc biệt quý hiếm hầu hết có trong Sách Đỏ. Tuy nhiên, hiện nay VQG Cát Tiên đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng từ hệ sinh thái hai bên bờ sông Đồng Nai do tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều năm qua.

TP.HCM: Hàng loạt trụ Metro đang bị bẩn vì nạn vẽ bậy

Thạch Nam |

Những chữ nguệch ngoạc, hình vẽ quái dị đang tràn ngập dưới chân trụ Metro làm xấu đi nét đẹp của công trình.

Vườn Quốc gia Cát Tiên “kêu cứu” vì khai thác cát

HÀ ANH CHIẾN |

Vườn quốc gia Cát Tiên (VQG Cát Tiên) là khu “rừng cấm” đóng chân trên địa bàn nhiều tỉnh gồm Đồng Nai, Lâm Đồng... đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới do đặc trưng là rừng nguyên sinh, có hàng nghìn loài động thực vật quý hiếm và đặc biệt quý hiếm hầu hết có trong Sách Đỏ. Tuy nhiên, hiện nay VQG Cát Tiên đang phải đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng từ hệ sinh thái hai bên bờ sông Đồng Nai do tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều năm qua.

TP.HCM: Hàng loạt trụ Metro đang bị bẩn vì nạn vẽ bậy

Thạch Nam |

Những chữ nguệch ngoạc, hình vẽ quái dị đang tràn ngập dưới chân trụ Metro làm xấu đi nét đẹp của công trình.