Quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Long An đang góp phần làm gia tăng nhiều áp lực đối với môi trường, trong đó có vấn đề thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, đặc biệt là chất thải nhựa.
Được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Long An, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhiều hoạt động để cải thiện vấn đề này bao gồm: Thí điểm phân loại rác tại nguồn; Thu gom riêng các loại chất thải đã được phân loại; thử nghiệm làm phân hữu cơ từ rác đã phân loại…

Đến nay đã qua thời gian thí điểm, WWF-Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục triển khai chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức phân loại rác tại thành phố Tân An nhằm duy trì và mở rộng mô hình trong thời gian tới.
Trên thực tế xử lý rác thải còn gặp nhiều khó khăn do rác hỗn hợp không được phân loại. Vì vậy, việc phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là rác thải nhựa có vai trò quyết định và ảnh hưởng quan trọng đối với hệ thống quản lý chất thải rắn.
Nhìn chung người dân còn chưa nhận thức được lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn, thu gom và tái chế nên tỉ lệ thu gom so với lượng phát sinh chưa đạt được mức tối đa.
Được sự chấp thuận của UBND tỉnh Long An, WWF-Việt Nam đã triển khai thực hiện dự án Quản lý rác thải tỉnh Long An trong phạm vi Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Dự án đã hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết, bao gồm việc phát gần 10.000 thùng rác cho các hộ gia đình tại TP. Tây An, hỗ trợ mua 2 xe tải thùng để thu gom riêng các loại rác đã được phân loại, tuyên truyền và tập huấn về lợi ích và cách thức phân loại rác tại nguồn cho khoảng 1.000 cán bộ và người dân; xoá bỏ hết các đống rác tự phát trên địa bàn triển khai thí điểm.
Việc được các cơ quan chức năng công nhận kết quả và triển khai áp dụng với quy mô lớn hơn chính là một thành công lớn của dự án. UBND tỉnh Long An cũng giao nhiệm vụ cho các huyện, thị xã khác nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn quản lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An có trách nhiệm hỗ trợ việc thực hiện và giải quyết mọi vướng mắc, khó khăn cho người dân trong quá trình triển khai mô hình phân loại rác này tại các địa phương.
Theo đó, WWF-Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông hỗ trợ và xúc tiến mở rộng mô hình, bao gồm một chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao ý thức, khuyến khích hành vi phân loại, tái sử dụng và tái chế rác thải nhựa cộng đồng.
Trong chiến dịch này, các thông điệp được truyền tải thông qua các chất liệu văn hóa dân gian nên vừa mới mẻ, vừa thân quen với người dân địa phương. Đó là những bức tranh cổ động mang phong cách truyền thống, với nội dung mở nhằm khơi dậy sự quan tâm của người dân đối với vấn đề rác thải và phân loại rác. Các câu ca dao, tục ngữ vui nhộn được “tái chế” để thúc đẩy người tiêu dùng thực hành phân loại rác thải trong sinh hoạt.
Ngoài ra, dự án còn mang đến ca khúc Rap mang tên “Phân loại vì nhân loại” được sáng tác từ chính những câu tục ngữ ca dao nói trên, giúp cho thông điệp khích lệ thói quen phân loại rác tràn ngập sắc màu tươi trẻ, lôi cuốn, dễ dàng tác động đến suy nghĩ, hành động của người dân địa phương. T
TS.Trịnh Thị Long - Quản lý dự án WWF-Việt Nam cho biết: “Thông qua các nỗ lực hoạt động của WWF-Việt Nam trong suốt thời gian qua với Long An, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần giúp người dân địa phương hiểu rõ hơn về ý nghĩa và lợi ích của việc phân loại rác thải tại nguồn.
Đặc biệt, chúng tôi cũng mong người dân có thể thay đổi cách ứng xử với rác nhựa thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng để kéo dài vòng đời của nhựa và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững. Chỉ như vậy, chúng ta mới phát huy được hết các tính năng của vật liệu nhựa, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.”