Nỗi niềm bóng đá nữ

Hoài Đan |

Giải U16 Quốc gia nữ vừa kết thúc với chức vô địch thuộc về đội Hà Nội. Nhưng phía sau đó là những câu chuyện xúc động về những cô gái tuổi 14-15 đi đá bóng với tất cả những khát khao, đam mê để chiến thắng số phận.

Sau 3 mùa giải với tên gọi giải bóng đá tập huấn nữ U16, năm 2018 sân chơi dành cho bóng đá nữ lứa tuổi U16 chính thức đổi tên thành giải bóng đá nữ Vô địch U16 Quốc gia. Giải có 4 đội tham dự gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Nam và Dự tuyển Quốc gia.

Sở dĩ chỉ có ít đội tham dự là vì bóng đá nữ không phát triển rộng khắp các địa phương mà chỉ tập trung ở những trung tâm chính, những nơi vốn có phong trào bóng đá nữ mạnh, có truyền thống và đóng góp nhiều quân số cho ĐTQG. Và cũng chỉ có 3 địa phương phát triển bóng đá nữa đủ để có một đội bóng ở lứa tuổi U16. Những cầu thủ có triển vọng nhất được VFF tiếp nhận và tập cả năm tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam.

Vì đây là lần đầu tiên giải được gọi dưới cái tên Vô địch U16 Quốc gia đã tạo ra niềm hứng khởi lớn cho chính các cầu thủ. Với họ cảm giác được thi đấu chuyên nghiệp, tiền thưởng lớn và được hát quốc ca chính là động lực lớn để cống hiến trên sân cỏ.  

Nữ cầu thủ Vũ Thị Hoa. Ảnh: FB
Nữ cầu thủ Vũ Thị Hoa. Ảnh: FB

Vượt lên số phận

Vũ Thị Hoa sinh năm 2003, cùng quê Đô Lương, Nghệ An là tuyển thủ đội Dự tuyển U16 Quốc gia. Bố em vừa mất trong một tai nạn lao động, ở quê còn mẹ và 3 em nhỏ. Về chịu tang bố được 1 tuần, Hoa lại có mặt ở Hà Nam để tham dự Giải U16 Quốc gia trong màu áo Hà Nội. Và nhìn cách mà cô gái này thi đấu, tất cả đều thấy một nghị lực khát khao vượt lên số phận của cô gái 15 tuổi. Bóng đá bây giờ là tất cả cuộc sống của em.

Hoa chia sẻ rằng sau biến cố của gia đình, em đã có ý định ở nhà để đỡ đần mẹ và các em. Tuy nhiên, chính mẹ đã động viên em tiếp tục theo đuổi đam mê và lên tham dự giải. Cũng vì thế mà Hoa đa đặt ra quyết tâm giành giải để có thêm trợ cấp cho gia đình. Cô gái 15 tuổi này đã xác định theo nghiệp bóng đá bên cạnh đam mê là có thêm được kinh tế để giúp đỡ gia đình. Gánh nặng cơm áo gạo tiền vì thế sớm đặt lên vai cô.

Chứng kiến hoàn cảnh của Hoa, cựu tuyển thủ nữ Quốc gia Ngọc Châm đã kêu goi sự ủng hộ trên trang facebook cá nhân của mình. Trong đó, cô chia sẻ: “Vô tình đọc được thông tin chia sẻ của một người chị về một người em, một đồng nghiệp, một cầu thủ bóng đá nữ có hoàn cảnh rất khó khăn.

Em Vũ Thị Hoa sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ không có điều kiện chăm lo cho 3 con ăn học tử tế, em đi đá bóng cũng 1 phần nào bớt được gánh nặng về kinh tế cho bố mẹ. Mới 15 tuổi đầu xa gia đình theo đuổi đam mê và mong 1 ngày giúp bố mẹ có được cuộc sống đỡ vất vả hơn vậy mà em phải đón nhận một thông tin dữ, ba em vừa mất trong một tai nạn lao động, để lại 3 con nhỏ, bạn bé nhất mới 2 tuổi. Cá nhân Hoa là chị cả lớn nhất trong nhà, nuốt nước mắt vào trong em không dám khóc trước mặt mẹ. Em bây giờ là trụ cột để mẹ dựa vào thay ba chăm sóc 2 em nhỏ.

Nhìn hoàn cảnh của em mà tôi không cầm được nước mắt. Mỗi người một số phận, mỗi người một hoàn cảnh. Sướng khổ tại tâm, chỉ mong em và gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này, để ba được yên nghỉ dưới suối vàng. Mong mọi người hãy chia sẻ, ủng hộ em nó và gia đình, hỗ trợ nhau những lúc khó khăn nhất. Lá lành đùn lá rách. Lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Những lời chia sẻ của cựu tuyển thủ Ngọc Châm sau đó đã nhận được những sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm cho gia đình Hoa. Đó là một sự ghi nhận của những tấm lòng vì các số phận không may mắn của bóng đá.

Chính nghị lực sống cùng tài năng thiên bẩm đã giúp cho Vũ Thị Hoa luôn cố gắng vươn lên. Kết thúc giải U16 Quốc gia, Hoa đã giành giải vua phá lưới một cách đầy ấn tượng. Đó là thành quả của sự vượt lên số phận của nữ cầu thủ tài năng này. Và đó cũng là điều đáng suy ngẫm về số phận của những cô gái đi đá bóng.

Và những nỗi niềm

Lê Thị Bảo Trâm sinh năm 2004, là cầu thủ thuộc đội dự tuyển trẻ Quốc gia, quê ở Quảng Nam. Em sinh ra trong gia đình bố mẹ đều làm nông, là út trong gia đình, trên em là 3 anh trai. Trâm đến với bóng đá ban đầu không được sự ủng hộ từ phía gia đình. Thế nhưng, sau khi thuyết phục đã được bố mẹ chấp thuận chỉ để thoả mãn niềm đam mê. Rồi máu bóng đá ăn vào người, Trâm cũng theo luôn nghiệp này.

Vì Quảng Nam không có đội bóng nên Trâm đã phải đến Quảng Ninh ăn ở, tập luyện tại trung tâm địa phương này. Sau đó, Trâm được VFF chọn lên đội Dư tuyển trẻ quốc gia. Và suốt hơn 1 năm qua, Trâm được hít thở bầu không khí Thủ đô khi cùng các đồng đội đóng quân tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam.

Với Trâm giải U16 Quốc gia nữ năm nay có ý nghĩa đặc biệt với em khi bản thân đã được thi đấu chính thức chứ không còn sắm vai dự bị như cách đấy 1 năm. Bên cạnh đó, cô bé cũng không giấu giếm được sự xúc động khi được tham dự giải chuyên nghiệp, được hát quốc ca và động lực phấn đấu vì giải thưởng đã tăng lên. Hơn nữa, đây là sân chơi giúp chính các cầu thủ được thi đấu nhiều hơn, cọ xát nhiều hơn. Đó là điều rất bổ ích với mỗi cầu thủ chuyên nghiệp.

Thi đấu ở vị trí trung vệ nên Trâm thần tượng đàn chị là tuyển thủ Quốc gia nữ Chương Thị Kiều. Trâm nói rằng, mục tiêu phấn đấu trong sự nghiệp của em chính là một ngày nào đó được khoác áo ĐTQG dự SEA Games và các giải đấu quốc tế lớn. Với Trâm, đá bóng là đam mê nhưng cũng chính là kế sinh nhai của em, thế nên xác định đây không chỉ là nghề mà còn là nghiệp. Hiện tại, Trâm có thu nhập khoảng hơn 4 triệu đồng/tháng. Trong đó, ở đội dự tuyển em nhận hơn 3 triệu và từ đơn vị chủ quản Quảng Ninh là hơn 1 triệu đồng.

Kết thúc giải U16 Quốc gia, Trâm và các đồng đội ở Đội dự tuyển trẻ chỉ giành giải ba nhưng niềm vui lớn nhất của em chính là có mặt trong đội U16 Quốc gia nữ. Điều này giúp Trâm có thêm cơ hội được đi thi đấu quốc tế. Đó chính là hành trình mở ra con đường lên tuyển của Trâm trong tương lai.

Với tất cả những cầu thủ nữ, họ còn quá trẻ để hiểu được những vận động của xã hội. Thế nhưng, họ lại thừa hiểu được sự nghiệt ngã khi chọn nghiệp bóng đá để theo đuổi. Bên cạnh đam mê, đó là cả con đường mưu sinh của những cô gái đi đá bóng này. Thành công của tuyển nữ Việt Nam tại SEA Games 29 chính là động lực để thúc đẩy những niềm đam mê. Thế nhưng, theo HLV Mai Đức Chung thì điều quan trọng nhất là bóng đá nữ cần nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa của toàn xã hội.

Hoài Đan