Thèm nghe tiếng chát chúa bên tai...

PHỐ NHƠN |

Hàng trăm năm nay, cồng chiêng trở thành một thuộc tính trong đời sống của đồng bào ở Tây Nguyên, và trước đây nó chủ yếu được lấy từ làng Mỹ Thạnh (xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Bởi, cồng chiêng làng Mỹ Thạnh tạo nên dấu ấn và nét đặc trưng riêng biệt. Tuy nhiên, đó là chuyện của mấy mươi năm về trước. Còn bây giờ, những lão thành làm cồng chiêng nơi này rất muốn thèm nghe tiếng chát chúa bên tai như xưa.

“Thương hiệu” cồng chiêng Mỹ Thạnh

Ông Nguyễn Văn Tại (71 tuổi), trước đây là một thợ gò cồng chiêng có tiếng ở làng Mỹ Thạnh, nhưng giờ hằng ngày chỉ biết phụ giúp con cái khiêng những vỉ bánh tráng vừa mới ra lò đi phơi, đến lúc khô thì lại mang vào. Nhưng hễ ai nhắc đến gò cồng chiêng, đôi mắt ông lại sáng lên, rồi ông nói vanh vách về nghề. Ông bảo, trước đây gò cồng chiêng là nghề truyền thống của gia đình. Thường thì đến 60 tuổi không ai cầm cự nổi với nghề này nhưng hồi ấy, ai nấy đều bảo với sức khỏe của ông có thể làm đến 80 tuổi. Tuy nhiên, khi tuổi đời chưa đầy 40 thì làng nghề đã dần vắng khách và cũng bặt luôn tiếng búa chát chúa hằng ngày.

Cồng chiêng sản xuất ở làng Mỹ Thạnh được ưa chuộng, bởi đây là loại cồng chiêng gò chứ không phải đúc, nên khó vỡ, âm thanh lại trong và vang xa. Nguyên liệu làm cồng chiêng có thể là đồng vụn, đồng tấm, đồng vỏ đạn tùy theo từng thời kỳ. Để làm ra sản phẩm, trước tiên người thợ dùng đe, búa dát mỏng đồng ra, sau đó phay tròn đồng lại tùy theo kích cỡ loại cồng chiêng muốn làm, rồi mới gò lên thành hình sản phẩm. Cuối cùng dùng tay đánh thử vào cồng chiêng, nếu âm thanh phát ra tốt là sản phẩm đã hoàn thiện.

Theo ông Tại, một thợ giỏi, mỗi ngày có thể làm ra 1 cồng chiêng loại nhỏ. Còn để hoàn thành một bộ cồng chiêng thì mất khoảng nửa tháng. Ngoài việc có thể sản xuất cồng chiêng với đủ mọi kích cỡ, một vài lò chiêng Mỹ Thạnh thời ấy còn thường xuyên sản xuất theo yêu cầu của khách hàng những bộ cồng chiêng lớn mà đến hai người mới khiêng nổi một sản phẩm như vậy.

Điều đáng nói là làng gò cồng chiêng này trước đây nổi tiếng khắp nơi chính là nhờ đã chế tác nên âm thanh độc đáo. Đồng bào ở Tây Nguyên chơi cồng chiêng nhưng không chế tác được nó, nên họ phải nắn âm cho phù hợp với thị hiếu âm nhạc riêng. Muốn làm được việc này, bà con thường dùng búa đồng chuyên dụng để điều chỉnh độ dày mỏng ở một số điểm trên mặt chiêng cồng. Có điều, trong một làng, thậm chí trong cả một vùng, chỉ có một hoặc vài người có nhiều hiểu biết, có trình độ thẩm âm cao, với đôi tay khéo léo mới có thể làm được.

Và, điều đặc biệt là những người thợ gò cồng chiêng ở Mỹ Thạnh lại giúp giải quyết những khác biệt về âm thanh của các bộ cồng chiêng. Các chuẩn âm thanh theo sở thích của người đồng bào ở từng vùng thuộc Tây Nguyên được những người thợ nơi đây nhớ nằm lòng để gò nên những chiếc cồng chiêng có âm vực đúng với yêu cầu của khách hàng. Và đây là sự độc đáo của những người thợ tài hoa này.

“Có thể khẳng định đó là một bí quyết chẳng những bằng kinh nghiệm tích lũy lâu dài, mà còn bằng sự khổ luyện truyền từ đời này qua đời khác mới làm được. Ngoài tôi, bây giờ ở làng còn nhiều người gò cồng chiêng hồi ấy thuộc sở thích chuẩn âm thanh của người đồng bào từng vùng Tây Nguyên như anh Sáu Thú, anh Thanh, anh Hiến… Nhưng rồi đến những năm cuối thập niên 90 thế kỷ XX, làng cồng chiêng Mỹ Thạnh tàn lụi vì chúng tôi gò thủ công chứ không đúc, lại chỉ nguyên liệu đồng nên bán ra cao hơn các nơi khác. Mà bán giá cao thì không có thị trường tiêu thụ, nhưng nếu bán thấp thì lỗ”, ông Tại nói trong tiếc nuối.

Một thời hưng thịnh

Những người thợ cồng chiêng năm xưa ở nơi này cho biết, nghề này có mặt ở làng Mỹ Thạnh từ giữa thế kỷ thứ XIX. Cụ tổ của nghề này ở nơi đây là ông Nguyễn Văn Bảy, vốn là một nghệ nhân đúc đồng tại làng nghề Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Trước đó, ông Bảy nằm trong số lính thợ tài hoa nhất được tuyển về xây dựng cung đình, đại nội Huế. Về sau do loạn lạc, ông trôi dạt vào Bình Định, rồi xây dựng gia đình, tạo nên nghề gò cồng chiêng ở làng Mỹ Thạnh.

Thời gian đầu, ông Bảy chỉ gò những vật dụng dùng trong nhà, bán cho người dân quanh vùng. Nhưng may mắn là làng Mỹ Thạnh nằm bên dòng sông Côn, lúc bấy giờ giao thông đường thủy còn thịnh nên ông mang các hàng hóa ấy đến các chợ ven sông, có khi ngược lên tận thượng nguồn sông Côn để chào hàng. Sau một lần lên Tây Nguyên, nhận ra nhu cầu cồng chiêng, ông tìm cách chế tác. Sản phẩm của ông được đồng bào Tây Nguyên chấp nhận. Một mình làm không đủ đáp ứng nhu cầu, ông thu nhận thêm học trò.

Rồi, từ chỗ chỉ có vài người thợ chính ban đầu, sau phát triển dần lên vài chục thợ. Số người tìm đến học nghề ngày một đông hơn. Có những thợ, sau một thời gian làm cho ông Bảy, tích lũy được kinh nghiệm và vốn liếng, đã tự đứng ra mở lò riêng, tiếp tục truyền nghề thêm cho nhiều lao động. Làng gò cồng chiêng Mỹ Thạnh dần phát triển, rồi nức tiếng. Vào thời hoàng kim của làng, từ những năm 50 đến những năm 70 của thế kỷ trước, trong làng có đến gần 20 lò sản xuất cồng chiêng, mỗi lò trung bình từ 7 đến 10 thợ.

Theo ông Nguyễn Văn Cư (53 tuổi, cháu đời thứ tư của ông Bảy), những bậc tiền nhân của dòng họ anh kể lại, thuở ấy nghề làm cồng chiêng ở làng Mỹ Thạnh làm ăn rất thịnh vượng. Mỗi cặp cồng chiêng bán sỉ có giá đến 1 lượng vàng. Thương lái mua mang lên Tây Nguyên đổi trâu, đổi bò của đồng bào dân tộc thiểu số, có những cặp cồng chiêng đổi lấy đàn trâu, bò có giá trị đến 2 đến 3 lượng vàng. Chủ cơ sở làm chiêng có thu nhập đã cao, người buôn bán cồng chiêng kiếm lãi còn nhiều hơn nữa.

“Cồng chiêng Mỹ Thạnh gò bằng tay rất đẹp, âm thanh tốt, độ bền cao. Có thời trước 1975, hằng tuần cồng chiêng của làng chất đầy các xe tải trực chỉ đường quốc lộ 19 ngược Tây Nguyên cung cấp cho các làng đồng bào. Không chỉ thế, nó còn sang cả Lào và Campuchia. Các bộ tộc bên các nước bạn rất ưng bụng, họ nói cồng chiêng Mỹ Thạnh đánh lên tiếng nghe ngọt và vang xa, lại không bị nứt nên sử dụng được rất lâu”, ông Tại kể.

Sau một thời gian hưng thịnh, làng gò cồng chiêng Mỹ Thạnh không cạnh tranh lại với cồng chiêng đúc các nơi khác nên đã “đứt bóng” hẳn từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Dù vậy, đến nay những người thợ còn lại của làng nghề, ai cũng bày tỏ ước mong, sẽ có ngày nghề gò cồng chiêng trở lại. “Giá mà bây giờ được làm cồng chiêng, tôi vẫn làm bởi tôi thèm nghe tiếng chát chúa bên tai như xưa”, ông Tại nói chắc nịch. Thợ trẻ như ông Cư cũng bày tỏ nếu bây giờ các cấp ngành tạo điều kiện, ví như liên kết với các đơn vị ở Tây Nguyên để tạo đầu ra thì người làng Mỹ Thạnh sẵn sàng khôi phục làng nghề để gìn giữ một nét đẹp truyền thống.  

PHỐ NHƠN
TIN LIÊN QUAN

Tập huấn “Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp”

Mai Phương |

Ngày 29.5, Ban Quản lý các KCX và CN TP.HCM phối hợp với Tổ chức Kết nối Hợp tác kỹ thuật Châu Á (ATCN) và Cty TNHH Minh Trân (Trường Doanh thương Trí Dũng) đã tổ chức khai giảng Khóa đào tạo “Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp”. Chương trình thu hút 40 doanh nghiệp với hơn 70 học viên tại TP.HCM tham gia tập huấn.

Cổ tích về cô giáo… “đi xin”

Phố Nhơn |

Nước mắt cô giáo Ngô Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Nham (xã Trà Nham, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) đã không ít lần rơi khi nói về những kỷ niệm buồn vui với học trò vùng cao, về những dự định tiếp tục đi xin tiền, kêu gọi sự hỗ trợ xây nhà ở công vụ cho giáo viên, khu nhà ăn bán trú, đến việc duy trì bữa cơm bán trú cho học sinh. Câu chuyện về cô giống như cổ tích đẹp giữa đời thường viết lên từ ngọn lửa yêu nghề, mến trẻ.

Những chiếc lồng chim trị giá hàng trăm triệu từ tre

Nguyễn Đắc Thành |

Xuất phát điểm là học nghề điêu khắc gỗ qua sự đào tạo của những nghệ nhân ở Huế, thế nhưng sau này, ông Đoàn Minh Căn ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế lại tìm hướng đi khác cho mình là làm lồng chim từ tre. Qua mấy mươi năm tự tìm tòi học hỏi, giờ đây ông Căn đã trình làng rất nhiều sản phẩm lồng chim đẹp, đặc sắc và có giá trị lên đến hàng trăm triệu mỗi chiếc lồng.

Tập huấn “Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp”

Mai Phương |

Ngày 29.5, Ban Quản lý các KCX và CN TP.HCM phối hợp với Tổ chức Kết nối Hợp tác kỹ thuật Châu Á (ATCN) và Cty TNHH Minh Trân (Trường Doanh thương Trí Dũng) đã tổ chức khai giảng Khóa đào tạo “Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp”. Chương trình thu hút 40 doanh nghiệp với hơn 70 học viên tại TP.HCM tham gia tập huấn.

Cổ tích về cô giáo… “đi xin”

Phố Nhơn |

Nước mắt cô giáo Ngô Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Nham (xã Trà Nham, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) đã không ít lần rơi khi nói về những kỷ niệm buồn vui với học trò vùng cao, về những dự định tiếp tục đi xin tiền, kêu gọi sự hỗ trợ xây nhà ở công vụ cho giáo viên, khu nhà ăn bán trú, đến việc duy trì bữa cơm bán trú cho học sinh. Câu chuyện về cô giống như cổ tích đẹp giữa đời thường viết lên từ ngọn lửa yêu nghề, mến trẻ.

Những chiếc lồng chim trị giá hàng trăm triệu từ tre

Nguyễn Đắc Thành |

Xuất phát điểm là học nghề điêu khắc gỗ qua sự đào tạo của những nghệ nhân ở Huế, thế nhưng sau này, ông Đoàn Minh Căn ở xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế lại tìm hướng đi khác cho mình là làm lồng chim từ tre. Qua mấy mươi năm tự tìm tòi học hỏi, giờ đây ông Căn đã trình làng rất nhiều sản phẩm lồng chim đẹp, đặc sắc và có giá trị lên đến hàng trăm triệu mỗi chiếc lồng.