Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ
ThS. BS. Thái Thanh Yến (Khoa Da liễu -Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) thông tin, bệnh lupus ban đỏ có thể xảy ra do 3 nguyên nhân, do di truyền, tác động môi trường sống và hormone trong cơ thể thay đổi.
Cụ thể, do di truyền, những người sinh ra trong gia đình có người mắc bệnh lupus ban đỏ sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Trường hợp khác, khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, sử dụng các loại thuốc làm cho cơ thể nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời cũng sẽ có nguy cơ bị bệnh lupus. Cùng với đó, sự thay đổi của nồng độ hormorne trong cơ thể cũng là nguyên nhân góp phần xuất hiện của bệnh. Điều này có thể giải thích vì sao phụ nữ thường mắc nhiều hơn nam giới, đặc biệt trong và sau khi mang thai.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh là đau cơ và khớp, các vùng trên cơ thể thường bị đau như cổ, đùi, vai và phần trên của cánh tay. Người bệnh có thể bị sốt trên 37,5 độ C hoặc phát ban ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, đặc biệt là vùng thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như mặt, cánh tay, bàn tay. Một dấu hiệu khá phổ biến của lupus là phát ban màu đỏ hình cánh bướm trên mũi và má. Ngoài ra, lupus còn gây ra đau ngực, khó thở và nhạy cảm với ánh sáng. Bệnh còn khiến cho người bệnh loét miệng, cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, giảm trí nhớ, khô mắt, viêm mắt và xảy ra nguy cơ máu đông. Điều này có thể gây ra cục máu đông ở chân khiến người bệnh có nguy cơ đột quỵ, đau tim hoặc sảy thai nhiều lần. Cùng với đó, người bị lupus còn gặp phải vấn đề về thận, gọi là viêm thận lupus. Các triệu chứng như tăng cân, sưng mắt cá chân, huyết áp cao và giảm chức năng thận.
Mẹo giúp kiểm soát bệnh lupus phát ban trên da
Mặc dù bệnh lupus ban đỏ gây ra phát ban tổn thương trên da nhưng thường không gây ngứa hoặc ngứa ít. Đến nay, vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm căn bệnh này nhưng vẫn có thể kiểm soát, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu bệnh bùng phát trở lại.
ThS. BS. Thái Thanh Yến hướng dẫn, điều quan trọng là dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. “Sử dụng thuốc đúng chỉ định ngay cả khi giảm hay hết các triệu chứng, vì việc này sẽ ngăn bệnh lupus bùng phát. Việc tiếp theo là tránh tiếp xúc với tia UV từ ánh nắng mặt trời và các nguồn khác vì chúng có thể khiến cho bệnh lupus bùng phát. Tránh để da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Thoa kem chống nắng mỗi ngày và mặc quần áo chống nắng khi đi ra ngoài.
Ngoài ra, cũng cần tránh để cơ thể rơi vào tình trạng căng thẳng, kiệt sức. Cuối cùng, mặc dù người mắc bệnh lupus không phải tuân theo chế độ ăn kiêng nhưng tốt nhất là ăn uống thực phẩm bổ dưỡng gồm trái cây, rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt, thịt và cá để tăng cường miễn dịch cho cơ thể” - bác sĩ Thanh Yến nói.