Bệnh tật bủa vây vì lười vận động

HÀ LÊ |

Một nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố cho thấy, khoảng 1,4 tỉ người trưởng thành trên toàn cầu có nguy cơ mắc các bệnh gây tử vong cao chỉ vì không vận động đủ mức cần thiết. Trong một nghiên cứu khác thì Việt Nam được xếp vào top 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Tình trạng nhiều người Việt Nam lười vận động hiện nay đang khiến họ đối mặt với các nguy cơ bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư...

Thể lực người Việt hạn chế, bệnh tật rình rập

WHO chỉ ra 1/3 phụ nữ và 1/4 đàn ông không thực hiện đủ mức độ vận động khuyến cáo là 150 phút tập nhẹ hoặc 75 phút tập nặng mỗi tuần. Họ đã theo dõi mức độ vận động của 1,9 triệu người trên 168 quốc gia, với các dữ liệu thu thập được từ năm 2016, trong đó Kuwwait, Ả-rập Xê-út và Iraq có tỷ lệ lười tập thể dục cao nhất với 50% người lớn vận động dưới mức khuyến cáo. Tỷ lệ này ở Mỹ, Anh, Trung Quốc lần lượt là 40%, 36% và 14%.

Việt Nam không nằm trong danh sách này của WHO nhưng theo thông báo mới nhất từ Quỹ dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA đưa ra thì Việt Nam đang lọt vào 1 trong 10 nước mà người dân lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu này cho thấy hiện tại chiều cao trung bình của người Việt Nam thấp đứng thứ 3 châu Á, xếp gần áp chót trong khu vực ASEAN. Tố chất thể lực, sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn.

Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164,4 cm, thua 8 cm so với Nhật và 10 cm so với Hàn Quốc. Nữ 153,4cm thấp hơn chuẩn chung trên 10cm. Trong 30 năm qua, người Việt cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được 1 cm.

Các nhà khoa học cũng đưa ra những lý do vì sao người Việt Nam lại có trở ngại lớn trong việc phát triển chiều cao, chính là vì chế độ dinh dưỡng và cách tập thể dục thể thao chưa hợp lý. Nhiều công trình nghiên cứu đã cho thấy việc phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào di truyền 20%, còn yếu tố dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và môi trường chiếm 80%.

Theo WHO, lười vận động là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong sớm. Lười vận động làm tăng nguy cơ các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư và tiểu đường.

Nếu siêng năng tập luyện, con người dễ dàng thu được nhiều lợi ích như tăng cường cơ bắp, cải thiện sức khỏe tim mạch và xương, kiểm soát cân nặng. Rèn luyện cơ thể thường xuyên cũng làm giảm nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, trầm cảm và nhiều loại ung thư.

Nghiên cứu của WHO cũng cho thấy, mức độ lười vận động ở các nước giàu cao gấp đôi các nước nghèo. Nguyên nhân có thể các nước giàu đã chuyển đổi sang những công việc cũng như hình thức giải trí ít đòi hỏi đi lại, vận động. Trong khi đó, ở các nước nghèo, nhân viên có xu hướng di chuyển nhiều hơn. 

Tập thể dụng hàng ngày tốt cho sức khỏe và chống lại được bệnh tật - Ảnh: HUYỀN TRÂN
Tập thể dụng hàng ngày tốt cho sức khỏe và chống lại được bệnh tật - Ảnh: HUYỀN TRÂN

Người Việt “ôm” đầy bệnh vì lười vận động

Theo nghiên cứu từ Viện Dinh dưỡng quốc gia trong vòng 5 năm qua, số người tăng huyết áp Việt Nam tăng 50%, đái tháo đường 200%, thừa cân béo phì 15,6%, nguy cơ tim mạch 12,5%...

PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng: Không lạ khi Việt Nam được xếp vào nhóm những nước lùn nhất khu vực, nằm trong top 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Thế hệ ông bà ta vận động để mà sống (lao động chân tay). Đến thế hệ hiện nay thường lười vận động hơn, lo kiếm sống, hưởng thụ. Thế hệ trẻ lại ít được giáo dục để biết vận động tốt thế nào, không có thói quen luyện tập rèn thể lực từ nhỏ. Người lao động Việt Nam đang dành nhiều thời gian cho kiếm sống mà quên đi việc tập luyện hay dành thời gian cho tâm hồn thanh thản, giảm stress thông qua hoạt động thể lực. Quỹ thời gian của mỗi người là do người đó tự lập ra, tự cân đối. Mỗi người hãy dành 30 phút/ngày; 5 ngày/ tuần hay 150 phút/tuần cho hoạt động vận động. Nếu chúng ta dành hết thời gian, sức lực kiếm tiền thì một ngày không xa chúng ta sẽ dành hết số tiền, thậm chí không đủ để lấy lại sức khoẻ.

Cũng theo PGS.TS Lê Bạch Mai, cuộc sống hiện đại, tiện nghi cũng khiến cho con người thường rất ít khi phải vận động chân tay. Hàng ngày, chúng ta dành thời gian quá nhiều cho việc ngồi và nằm, cộng thêm những việc khác như xem phim, nói chuyện điện thoại…

Đặc biệt, việc lười vận động hiện đang là một tình trạng phổ biến đối với những người làm văn phòng. Mọi người không biết được hết những tác hại của việc lười vận động gây ra rất nhiều bệnh nguy hiểm đến sức khỏe của chúng ta. Có thể chỉ ra đây những bệnh sẽ xuất hiện nếu lười vận động.

Đó là tình trạng ngủ không ngon, bởi tập luyện, vận động kích thích giấc ngủ vì làm tăng thân nhiệt, sau đó giảm xuống gần bằng với số lượng vài giờ đồng hồ sau đó; Thiếu sức bền, nếu không tập thể dục thường xuyên, cơ thể của bạn không hấp thụ khí oxy hiệu quả khi nó đang ở trong trạng thái căng thẳng. Điều này dẫn đến khó thở, vì vậy mà bạn luôn phải thở hổn hển mỗi khi làm gì đó nặng nhọc; Tăng cân là điều dễ dàng nhận thấy, lười vận động chính là một yếu tố gây tăng cân hàng đầu hiện nay. Thừa cân béo phì là nguyên nhân gây ra các chứng bệnh về huyết áp, đường huyết; Các bệnh về đường huyết, tác hại của việc lười vận động khiến cho cơ thể của chúng ta thường xuyên căng thẳng, cơ thể mệt mỏi và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng đột quỵ…

PGS.TS Lê Bạch Mai cho rằng, vận động hợp lý giúp tăng cường sức khỏe chung, điều hòa hoạt động của hệ nội tiết, trong đó có tuyến yên, tuyến giáp. Nhờ đó hệ nội tiết tiết các kích thích tố tăng trưởng GH giúp tận dụng hết tiềm năng di truyền, đồng thời kích thích sự phát triển của tế bào xương, tăng chiều dài của xương. Ngoài ra, hoạt động thể dục thể thao giúp các cơ quan nội tạng, tinh thần tốt lên. Không những thế, người trẻ tập thể dục thể thao sẽ giúp giao tiếp tốt hơn, học cách phối hợp đồng đội, rèn luyện ý chí vươn lên, chiến thắng chính mình và chiến thắng đối thủ.

Những cảnh báo của PGS.TS Lê Bạch Mai hoàn toàn có cơ sở khi Bộ Y tế đưa ra những con số về tình trạng mắc bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.

Tỷ lệ người dân mắc các bệnh không lây nhiễm đang là vấn đề rất đáng báo động của người dân Việt Nam, đặc biệt là người thành thị. Lối sống công nghiệp, đô thị hóa đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân. Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, khoảng 2 triệu người mắc bệnh tim mạch, phổi mạn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng chia sẻ: Bệnh không lây nhiễm đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới với khoảng 40 triệu người tử vong hàng năm, (chiếm 70 - 75% số lượng tử vong trên toàn cầu) và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Ở Việt Nam không lây nhiễm cũng là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất.

Bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, bao gồm những bệnh không có khả năng lây truyền, có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung tiến triển chậm. Bốn loại bệnh không lây nhiễm chính được quan tâm hiện nay là các bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột quỵ...), các thể ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường. Bệnh tạo ra gánh nặng bệnh tật nặng nề do tỷ lệ tàn phế và tử vong cao.  

Nếu một người không vận động thể chất nhẹ nhàng đủ 150 phút/tuần hoặc vận động thể lực mạnh 75 phút/tuần, hay kết hợp cả hai hình thức vận động trên, thì bị coi là rơi vào tình trạng thiếu vận động.

Ước tính, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, khoảng 2 triệu người mắc bệnh tim mạch, phổi mạn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư... chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật. Các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi. Con số gây “sốc” này cho thấy thói quen lười vận động, lối sống thiếu khoa học mặc dù là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm nhưng ngày càng trở nên phổ biến, đòi hỏi những cách suy nghĩ thay đổi mới của mỗi người dân.

HÀ LÊ