Biến chứng không ngờ tới khi "dính" bệnh thuỷ đậu

Hà Lê |

Bệnh thuỷ đậu lưu hành quanh năm trên phạm vi cả nước, nhưng đây là thời điểm bệnh có dấu hiệu gia tăng. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh thuỷ đậu đang vào mùa. Tại các bệnh viện, số ca mắc thuỷ đậu có dấu hiệu tăng lên. Tại các tỉnh phía Bắc, bệnh nhân thuỷ đậu cũng xuất hiện với nhiều ca biến chứng nguy hiểm.

Suy gan, suy tạng vì mắc thuỷ đậu rồi tự điều trị

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang nỗ lực cứu sống một trường hợp mắc thuỷ đậu nhưng tự điều trị khiến biến chứng nặng. Nằm trong phòng điều trị tích cực, bệnh nhân N.T.M. (28 tuổi, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đang từng ngày chiến đấu với bệnh thuỷ đậu biến chứng. Vốn là thanh niên khoẻ mạnh giờ đây sự sống của M. đang “ngàn cân treo sợi tóc” chỉ vì mắc thuỷ đậu không biết, tự điều trị rồi biến chứng.

Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) tiên lượng: Tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân M. khá nguy kịch, khó qua khỏi. Trước khi rơi vào tình trạng nguy kịch, trên cơ thể M. xuất hiện những mụn nước li ti kèm sốt. Lúc này, gia đình nghĩ M bị phản ứng phụ do uống thuốc điều trị viêm phế quản gần 1 tháng ròng. Sau đó, M. vẫn tỉnh táo tự đi mua thuốc về uống, trong đó có kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc Medrol 16mg (1 loại corticoid).

Tuy nhiên, 2 ngày sau khi tự dùng thuốc, tình trạng sốt tăng dần, đau họng, đau người, các nốt bọng nước to dần. Lúc này, gia đình đưa M đến Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân M. biến bị chứng nặng do thủy đậu, chỉ định dùng kháng sinh, thuốc bọc niêm mạc dạ dày.

Sau điều trị 1 ngày không đỡ, bệnh nhân tiếp tục xuất hiện bọng nước toàn thân, to hơn bình thường nên được chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. “Bệnh nhân có các ban phỏng nước dạng thủy đậu toàn thân, sốc nhiễm độc, suy gan, suy thận nặng, rối loạn đông máu trầm trọng, mạch rất chậm, xuất huyết trong nốt phỏng, tiên lượng nguy cơ tử vong cao”, Ths.BS Nguyễn Trung Cấp nói về trường hợp của bệnh nhân M. 

Đây không phải trường hợp đầu tiên mắc thuỷ đậu tự điều trị dẫn đến biến chứng. Ths.BS Nguyễn Trung Cấp cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, đã có 1 trường hợp tử vong do thủy đậu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng liên quan đến việc tự mua thuốc điều trị có chứa corticoid. Các thuốc chứa corticoid giúp giảm viêm nhưng có thể gây giảm miễn dịch, khiến virus bùng phát mạnh mẽ hơn.

Trước đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng đã điều trị tích cực cho một bệnh nhân trẻ tuổi bị biến chứng viêm phổi nặng sau thủy đậu, trên nền lupus ban đỏ hệ thống/hoại tử đầu chi. Bệnh nhân B.T.M.H (27 tuổi, ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) có tiền sử lupus ban đỏ hệ thống đã 7 năm nay và được điều trị nội trú tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân kèm thêm mắc hội chứng Raynaud đã cắt 4 đốt ngón tay hai bên, hoại tử ngón chân 4,5 trái chưa cắt. Bệnh nhân được chuyển sang Khoa Truyền nhiễm với triệu chứng sốt, xuất hiện ban phỏng nước rải rác vùng cẳng tay, thân mình. Chỉ một ngày sau, bệnh nhân khó thở, gắng sức, ho ít, thể trạng suy kiệt… Phim chụp XQ và các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi nặng sau thủy đậu, trên nền lupus ban đỏ hệ thống/hoại tử đầu chi. Tiên lượng tình hình của bệnh nhân khá dè dặt.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thời điểm này mỗi ngày khoa Truyền nhiễm thần kinh tiếp nhận từ 7-10 bệnh nhi được chẩn đoán mắc thuỷ đậu, có bé chưa đầy một tháng tuổi. Ngoài ra, bệnh viện còn tiếp nhận nhiều bệnh nhi từ các tỉnh được chuyển về đây điều trị.

Bệnh thuỷ đậu lành tính nhưng đừng xem nhẹ

Theo Ths.BS Nguyễn Trung Cấp, bệnh thuỷ đậu lành tính, song người dân không tự ý mua thuốc uống khi mắc thủy đậu. Nhiều người nghĩ thủy đậu chỉ là bệnh ngoài da nên không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng. Mụn nước do thủy đậu có thể gây viêm da bội nhiễm, để lại các vết sẹo lõm trên da. Biến chứng thứ hai có thể gặp phải là viêm phổi với triệu chứng như đau ngực, khó thở, tím tái, ho ra máu. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê…, thậm chí tử vong.

TS. BS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Mặc dù thủy đậu là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 1-2 tuần (đa phần tự chữa ở nhà), song ở những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt hoặc có bệnh cảnh nền thì dễ xảy ra biến chứng. Ngoài ra, do dân gian thường cho bệnh nhân thủy đậu kiêng nước, kiêng tắm hoặc nếu tắm thì cho tắm nước lá nên đã có những trường hợp bệnh nhân bị bội nhiễm do không đảm bảo vệ sinh. Các nốt phỏng nước không được điều trị kịp thời sẽ phồng to và để lại sẹo rất lâu lành. Người có cơ địa sẹo lồi thì vết sẹo còn có thể bị lồi, ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ, đặc biệt khi sẹo xuất hiện ở các vùng da hở.

Một biến chứng nguy hiểm của thủy đậu là viêm não. Theo báo cáo của Cơ quan dịch vụ y tế Anh, tỷ lệ tử vong do bị viêm não biến chứng chiếm từ 5-20%, nếu được cứu sống thì người bệnh cũng có nguy cơ bại não, nằm liệt giường. Ở phụ nữ mang thai đặc biệt là khi thai kỳ trong khoảng 13-20 tuần, khi mắc thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ…). Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong lên đến 30%.

Ngoài những biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng máu… nguy cơ tử vong cao, những biến chứng khác của thủy đậu, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng để lại hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Điển hình nhất là viêm da “bội nhiễm” tại mụn nước. Tình trạng này khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, đau nhức cơ thể. Sau khi khỏi bệnh, các mụn nước này có thể để lại các vết sẹo sâu trên da, rất khó hồi phục. Điều này sẽ khiến người bệnh cảm thấy mất tự tin trong cuộc sống sau này.

Đặc biệt với trẻ nhỏ mắc bệnh cần được đưa đến bệnh viện khám, không nên dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự chữa bệnh ngoài da cho trẻ. Không ít trường hợp tự chữa, bệnh không khỏi mà còn gây ra tình trạng nhiễm độc da toàn thân. Ngoài ra, người bệnh thủy đậu có nguy cơ bị bệnh zona (tên dân gian là giời leo). Khi khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn tồn tại trong cơ thể. Lúc hệ miễn dịch suy giảm, virus sẽ tấn công gây viêm da, ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của người bệnh.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, đối với thủy đậu, tiêm vaccine là cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất. Hơn 90% những người đã chủng ngừa sẽ tránh hoàn toàn được căn bệnh này. Khoảng 5-10% còn lại có thể bị thủy đậu sau khi tiêm chủng, nhưng các trường hợp này cũng chỉ bị nhẹ, với rất ít nốt đậu (dưới 50 nốt), và thường là không bị biến chứng.

Trẻ từ 1-12 tuổi chỉ cần tiêm 1 liều vaccine duy nhất để ngừa thủy đậu. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm 2 liều, cách nhau ít nhất 6 tuần để cho hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm ngừa thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng. 

Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter (gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày. 

Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ gây nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não tuy ít xảy ra. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.  

Hà Lê
TIN LIÊN QUAN

Bệnh viện Nguyễn Trãi áp dụng phần mềm khám chữa bệnh hiện đại

Thế Lâm |

Phần mềm quản lí khám chữa bệnh VNPT-HIS hiện đã được triển khai cho hơn 6.920 cơ sở y tế (trong tổng số 13.000 cơ sở y tế trên cả nước).

Điều trị những khối u thận nhờ phẫu thuật nội soi 3D

K’ LIỆP |

Một bệnh nhân có khối nang 5 cm ở thận bên phải không “lành tính” đã được áp dụng phẫu thuật nội soi 3 chiều - một trong những phương tiện nội soi hiện đại nhất hiện nay để cắt bỏ khối u thận và đã may mắn được xử lý kịp thời khi khối ung thư thận chưa phát triển đến mức phải cắt bỏ toàn bộ thận phải.

Hạn chế bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhờ chương trình "Vì lá phổi khỏe"

Kim Đồng |

Hiện nay, việc có thuốc ngừa cơn hen đã giúp rất nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này sống khỏe và có thể làm việc như người bình thường. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bệnh thiếu hiểu biết, hiểu chưa đúng về bệnh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Bệnh viện Nguyễn Trãi áp dụng phần mềm khám chữa bệnh hiện đại

Thế Lâm |

Phần mềm quản lí khám chữa bệnh VNPT-HIS hiện đã được triển khai cho hơn 6.920 cơ sở y tế (trong tổng số 13.000 cơ sở y tế trên cả nước).

Điều trị những khối u thận nhờ phẫu thuật nội soi 3D

K’ LIỆP |

Một bệnh nhân có khối nang 5 cm ở thận bên phải không “lành tính” đã được áp dụng phẫu thuật nội soi 3 chiều - một trong những phương tiện nội soi hiện đại nhất hiện nay để cắt bỏ khối u thận và đã may mắn được xử lý kịp thời khi khối ung thư thận chưa phát triển đến mức phải cắt bỏ toàn bộ thận phải.

Hạn chế bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhờ chương trình "Vì lá phổi khỏe"

Kim Đồng |

Hiện nay, việc có thuốc ngừa cơn hen đã giúp rất nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này sống khỏe và có thể làm việc như người bình thường. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bệnh thiếu hiểu biết, hiểu chưa đúng về bệnh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.