Cảnh báo gia tăng tình trạng béo phì, cận thị trong trường học

TÂM AN |

Tỉ lệ học sinh TPHCM mắc bệnh béo phì và tật khúc xạ khá cao, nhiều năm qua không có dấu hiệu giảm.

Tỉ lệ béo phì và tật khúc xạ mắt trong học sinh còn cao

Ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin, tình hình sức khỏe, chiều cao, thể lực của học sinh TPHCM được cải thiện so với trước đây nhưng có 2 vấn đề rất đáng quan tâm là bệnh béo phì và tật khúc xạ còn tương đối cao.

Trong khi tỉ lệ suy dinh dưỡng trong học sinh hiện nay đã rất thấp và có xu hướng giảm thì tỉ lệ béo phì vẫn cao. Tùy từng cấp học, tỉ lệ này là 15-32%.

Một số thành phố lớn cũng có tỉ lệ học sinh bị bệnh béo phì tương tự TPHCM. Vấn đề thứ hai là tỉ lệ tật khúc xạ (loạn thị và cận thị), trong đó, phần lớn học sinh bị cận thị. Qua nhiều năm, tỉ lệ này vẫn chưa giảm, trung bình 20-30%, tùy cấp học.

Để giải quyết vấn đề bệnh béo phì đối với học sinh, hàng năm, Sở Y tế TPHCM phối hợp UBND quận, huyện tập huấn cho nhân viên y tế học đường thực hành dinh dưỡng, cung cấp tài liệu để tăng cường giáo dục dinh dưỡng cho cân đối.

Ông Hưng đề nghị cần tăng thời gian cho trẻ vận động cả trong và ngoài nhà trường để giảm tình trạng béo phì trong học sinh.

"Các bậc cha mẹ nên tính toán để học sinh có thời gian, có điều kiện rèn luyện thể lực. Mặt khác, chế độ dinh dưỡng cho trẻ cũng rất quan trọng, đừng lạm dụng thức ăn nhanh, mà phụ huynh nên cân đối lượng rau xanh, củ, quả... trong bữa ăn hằng ngày cho con em mình để tránh béo phì" - ông Hưng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tình trạng học sinh bị các tật khúc xạ cũng đến mức cảnh báo. "Hiện nay, đa số học sinh bị cận thị, chỉ một số ít bị loạn thị. Nguyên nhân chính khiến học sinh bị tật khúc xạ là do các em sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều. Các em mải mê với các trò chơi trên điện thoại, iPad, máy vi tính... trong thời gian dài khiến mắt không được nghỉ ngơi" - ông Hưng nhìn nhận.

Thiếu nhân viên y tế học đường

Theo ông Hưng, hiện nay nhiều trường phổ thông đã thay đổi bàn ghế cho phù hợp với lứa tuổi học sinh, nhưng vẫn còn một số ít trường chưa thay đổi.

Bàn ghế không phù hợp với độ tuổi học sinh rất dễ gây ra các tật về khúc xạ, cong vẹo cột sống... nơi học sinh.

Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cũng cho biết thêm, trong những năm gần đây, việc tuyển nhân viên y tế học đường gặp khó khăn. Việc này phần nào ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe học sinh.

"Nhân viên y tế học đường là cầu nối quan trọng giữa ngành y tế và ngành giáo dục để chăm sóc sức khỏe học sinh. Nhiều người cho rằng, nếu không có nhân viên y tế trường học thì sử dụng trạm y tế phường nhưng tôi cho rằng không phù hợp" - ông Hưng nêu quan điểm.

Ông cho rằng, trạm y tế phường có rất nhiều công việc, cần lo các vấn đề y tế của cộng đồng, trong khi nhân viên y tế trường học phải chăm sóc sức khỏe học sinh thường xuyên và liên tục.

Không chỉ vậy, y tế học đường còn triển khai các hoạt động y tế trong trường như an toàn thực phẩm, lập kế hoạch theo dõi sức khỏe cho học sinh, hỗ trợ tư vấn cho ban giám hiệu để có đánh giá, theo dõi học sinh.

TÂM AN