Hạn chế bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhờ chương trình "Vì lá phổi khỏe"

Kim Đồng |

Hiện nay, việc có thuốc ngừa cơn hen đã giúp rất nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này sống khỏe và có thể làm việc như người bình thường. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người bệnh thiếu hiểu biết, hiểu chưa đúng về bệnh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Bệnh nhân hen đang chiếm con số “khủng”

Theo các chuyên gia y tế, bệnh hen ảnh hưởng không ranh giới về lứa tuổi, bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh. Hen không chỉ là gánh nặng cho ngành y tế, mà còn ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Nhiều bệnh nhân hen không được điều trị hoặc điều trị không đúng thường xuyên bị khó thở, khò khè, mất ngủ, phải đi cấp cứu vì cơn hen cấp…

Mới đây, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, bệnh hen ảnh hưởng đến khoảng 315 triệu người trưởng thành trên thế giới. Chỉ tính riêng tại châu Á, có hơn 107 triệu người đang sống chung với bệnh hen và 155 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (viết tắt là COPD). Tuy nhiên, chưa đến 1/3 bệnh nhân hen trên thế giới được điều trị bằng liệu pháp dự phòng và chỉ dưới 10% bệnh nhân COPD đang tìm kiếm phương pháp điều trị.

Tại Việt Nam, số người mắc bệnh hen chiếm 4,1% dân số, nhưng chỉ có 29,1% trong số đó được điều trị. Còn bệnh COPD có 4,2% số người trên 40 tuổi mắc phải, điều này gây ảnh hưởng đến công việc và hoạt động sinh hoạt hàng ngày…

Được biết, nguyên nhân chính của hen và COPD là do hút thuốc hoặc tiếp xúc khói thuốc, ô nhiễm môi trường, nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên khi còn nhỏ, bệnh nghề nghiệp khi phải tiếp xúc với khí hóa chất,... Một chuyên gia sức khỏe cho biết, để phòng ngừa căn bệnh này, ngoài việc kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường thì việc phát hiện bệnh sớm để điều trị bệnh hen, COPD đúng cách, tránh nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh về sau là điều đặc biệt quan trọng.

Hạn chế hen và COPD nhờ "Vì lá phổi khỏe"

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch-Lâm sàng TP.HCM chia sẻ: “Bệnh hô hấp là một vấn đề ngày càng gia tăng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu, đặt gánh nặng đáng kể lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều quốc gia tại châu Á, trong đó có Việt Nam. Để hạn chế bệnh về hô hấp, không còn tử vong và người bệnh hen được sống khỏe như một người bình thường, thì việc chương trình "Vì lá phổi khỏe" hợp tác giữa Cục quản lý khám chữa bệnh, các hội chuyên ngành và AstraZeneca thực sự cần thiết và đóng vai trò quan trọng để giúp ngành y Việt Nam đạt được những mục tiêu quốc gia về kiểm soát những bệnh không lây nhiễm, trong đó có hen và COPD là bệnh lý trọng điểm”.

Về chương trình này, TS Lương Ngọc Khuê cho biết: “Trong kế hoạch của chương trình chúng tôi hướng tới mục tiêu thiết lập và cải thiện 150 phòng quản lý bệnh hen và COPD trong giai đoạn 2017-2020, và đang nỗ lực không ngừng để thực hiện mục tiêu đặt ra.

Ngoài ra, theo PGS. Lê Thị Tuyết Lan, bên cạnh việc tài trợ 20 máy hô hấp ký và 500 máy phun khí dung trong năm 2017, trong năm bảng lề 2018, chương trình “Vì lá phổi khỏe” sẽ hướng đến mục tiêu tài trợ thành lập mới và cải thiện 50 đơn vị quản lý hen và COPD trên cả nước nhằm giúp hơn 9.000 bệnh nhân sẽ được chẩn đoán sớm và tiếp cận điều trị phù hợp trong năm 2018…

Cụ thể sẽ tài trợ sinh hoạt cho 40 câu lạc bô bệnh nhân, giúp mang lại lợi ích 3.250 bệnh nhân trong việc nhận thức đúng về quản lý bệnh; 10 chương trình tầm soát miễn phí, giúp 1.800 bệnh nhân tiếp cận chẩn đoán sớm; cung cấp thông tin y khoa cập nhật cho hơn 1.000 cán bộ y tế; đào tạo và cấp chứng chỉ cho 120 bác sĩ và kỹ thuật viên thuộc 50 đơn vị. Ngoài ra, đơn vị đầu tiên năm 2018 sẽ được thành lập tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Khánh Hòa vào tháng 5-2018…

Kim Đồng