Người đã từng mắc virus Adeno có nguy cơ tái nhiễm không?

Kim Nhung |

Trước diễn biến các ca mắc virus Adeno đang có xu hướng tăng cao lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng…, mỗi người cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh. 

Người đã mắc bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm?

Theo nghiên cứu, virus Adeno thuộc họ Adenoviridae, được chia thành 2 nhóm chính: Nhóm gây bệnh ở chim (Avi Adenovirus) và nhóm gây bệnh ở động vật có vú (Mastadenovirus). Trong nhóm gây bệnh ở động vật có vú (bao gồm cả con người), các chuyên gia đã phân lập được 47 loại virus Adeno.

Theo đó, type 1-5, 7, 14 và 21 vừa gây bệnh viêm họng hạch vừa gây bệnh viêm kết mạc. Type 40 và 41 thường gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em. Các trường hợp mắc bệnh nặng thường do virus Adeno type 5, 8, 19 gây ra.

Như vậy, nếu người bệnh nhiễm virus Adeno, sau khi khỏi bệnh sẽ có miễn dịch virus Adeno với hiệu quả cao và kéo dài với cùng type mắc bệnh.

Tuy nhiên lại không có khả năng bảo vệ với các type khác.

Đồng nghĩa với việc, nếu tiếp xúc với bệnh nhân mắc virus Adeno ở type khác thì vẫn có khả năng nhiễm bệnh.

Ảnh: LĐO
Người đã mắc  virus Adeno vẫn có khả năng tái nhiễm. Ảnh: LĐO

Lưu ý phòng bệnh virus Adeno

Virus Adeno có nhiều type huyết thanh gây bệnh và tùy theo từng type có thể gây bệnh ở các cơ quan khác nhau.

Do đó, nếu nghi ngờ mắc bệnh, nhất là ở trẻ nhỏ khi có các biểu hiện sốt, ho, mệt và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí kịp thời. 

Đồng thời cần thực hiện đầy đủ các biện pháp sau:

- Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng nhất là trẻ nhỏ. Khi có sức đề kháng tốt, trẻ có thể giảm nguy cơ mắc các loại bệnh, trong đó bao gồm cả những bệnh về đường hô hấp.

- Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, không có khói, bụi, khói thuốc lá. Hằng ngày cần chú ý vệ sinh cá nhân trong đó nên thường xuyên vệ sinh mũi họng mỗi ngày.

- Rửa tay thường xuyên, đối với trẻ cần nhắc nhở trẻ sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn hoặc rửa tay bằng xà phòng.

- Không nên đến những nơi công cộng khi đang xảy ra dịch bệnh. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài, cần đeo khẩu trang đúng cách. Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, những người đang ốm.

- Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia nhất là ở phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ nhỏ.

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, gần đây số ca bệnh Adenovirus dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cao. Từ đầu năm 2022 đến nay, tại bệnh viện đã tiếp nhận 1.406 ca bệnh, trong đó 811 trẻ phải nhập viện (chiếm gần 58%) và có tới 7 ca tử vong.

Chỉ tính riêng từ tháng 8 đến ngày 21-9, tổng số ca bệnh Adenovirus phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Tỉ lệ trẻ mắc Adenovirus nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Kim Nhung