Những dấu hiệu cho thấy con bạn có thể bị tự kỷ

Mộc Nhi (theo HealthSite) |

Tự kỷ là một loại rối loạn phát triển thần kinh, xảy ra khá phổ biến trên toàn cầu. Là cha mẹ, hãy đọc để biết một số dấu hiệu của tự kỷ ở trẻ em.

Khi bị tự kỷ, sự phát triển bình thường của não bị gián đoạn. Thuật ngữ rối loạn phổ tự kỷ được sử dụng để chỉ các rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ em. Tự kỷ có thể ảnh hưởng đến giao tiếp, hành vi và các mối quan hệ xã hội. Nó cũng ảnh hưởng đến khả năng nhận thức.

Di truyền và các yếu tố môi trường là nguyên nhân chính gây ra chứng rối loạn này. Các triệu chứng thường khác nhau ở mỗi trẻ và đôi khi có thể gây nhầm lẫn cho cha mẹ, khiến họ không nhận ra rằng con mình có thể mắc chứng tự kỷ. Điều này có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời bằng các liệu pháp sẽ cải thiện được vấn đề này. Vì vậy, cha mẹ cần cảnh giác với những dấu hiệu sau đây.

Để ý xem con bạn có nhất quyết tuân theo một thói quen hay không. Trẻ tự kỷ sẽ không dễ dàng coi thường hay buông lỏng thói quen đó.

- Con bạn có thể gặp khó khăn khi thích nghi với bất kỳ thay đổi nào trong lịch trình hoặc môi trường.

- Con có một sự gắn bó thái quá với những đồ vật vô tri vô giác.

- Con có thể dành hàng giờ chỉ để nhìn chằm chằm vào một thứ và cũng có thể bị mê hoặc bởi những vật chuyển động như một chiếc quạt đang quay.

- Con tránh giao tiếp bằng mắt.

- Giọng nói con trở nên bất thường. Có thể lặp đi lặp lại cùng một từ hoặc một câu.

- Con không thể truyền đạt những gì mình cần hoặc muốn.

- Trẻ tự kỷ không thích bị chạm vào, nên bạn có thể nhận thấy con có vấn đề hay không khi cố gắng ôm con.

- Con không có phản ứng gì khi bạn nói chuyện với con, có thể trông như thể con không hề nghe thấy bạn.

Nhìn chung, các triệu chứng của bệnh tự kỷ là khác nhau ở mỗi trẻ và rất dễ gây nhầm lẫn. Đôi khi, những gì bạn cho là hành vi tốt thực sự có thể là biểu hiện của chứng tự kỷ. Vì vậy, là cha mẹ, hãy luôn cảnh giác và hỏi ý kiến bác sĩ nếu con có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. 

Mộc Nhi (theo HealthSite)