Nhiều nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng trưởng chiều cao
Trao đổi với PV báo Lao Động, TS BS. Trần Quang Nam – Trưởng Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD) cho biết, hiện nay BV đang điều trị 4 bé chậm tăng trưởng chiều cao bằng hormone tăng trưởng (trong đó có 3 bé được chẩn đoán mắc bệnh thiếu hormone tăng trưởng đơn độc và 1 trẻ được chẩn đoán suy tuyến yên). Sau thời gian từ 3 đến 6 tháng điều trị, các bé đáp ứng với thuốc điều trị tốt, trung bình mỗi bé cao thêm 0,8-1 cm/mỗi tháng.
Cũng theo vị BS này, bình thường trẻ sơ sinh có chiều cao trung bình khoảng 50 cm. Trong năm đầu tiên, trẻ sẽ tăng 25 cm. Trong 2 năm kế tiếp, mỗi năm trẻ sẽ tăng 10 cm. Từ 3 tuổi trở lên cho đến lúc dậy thì, mỗi năm trẻ tăng thêm khoảng 5 cm. Nếu trẻ không đạt được các mốc tăng trưởng về chiều cao theo từng độ tuổi thì được gọi là chậm tăng trưởng chiều cao. Trẻ chậm tăng trưởng gây nên tâm lý mất tự tin khi trẻ ở độ tuổi trưởng thành, đồng thời khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Theo đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm tăng trưởng chiều cao như suy dinh dưỡng, các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, suy thận mạn hoặc các bệnh lý nội tiết như suy giáp, thiếu hóc môn tăng trưởng,...
“Việc phát hiện sớm, tìm được nguyên nhân, có hướng điều trị đúng và kịp thời sẽ giúp cải thiện quá trình tăng trưởng chiều cao cho trẻ đạt hiệu quả,..." , BS Nam nói.
Không lạm dụng “thần dược” để trị chậm tăng trưởng ở trẻ
Trường hợp bé trai N.V.T.D., lúc 10 tuổi, cân nặng 28 kg, cao 117 cm (so với chuẩn chiều cao trung bình thì bé D còn thiếu 15cm). Thấy con thấp và mặt quá non so với các bạn đồng trang lứa, chị H (mẹ bé D) thường mua canxi và các loại thực phẩm chức năng tăng chiều cao để cải thiện chiều cao cho bé D.
Năm 2018, chị H đưa con đến BV ĐHYD tầm soát với chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng. Được biết, trước đây mỗi năm chiều cao của bé chỉ tăng lên được 3cm. Hiện tại chiều cao của bé đã cải thiện rõ rệt, sau 14 tháng tiêm hormone tăng trưởng, bé đã tăng lên 12cm. Bé D đã ngang bằng các bạn đồng trang lứa.
Về việc lạm dụng các loại thực phẩm chức năng tăng chiều cao cho trẻ, TS BS. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh - Phòng khám Nhi BV ĐHYD cho rằng, một số phụ huynh lo lắng khi thấy con mình phát triển chậm so với bạn đồng trang lứa nên đã tự ý mua các loại thực phẩm chức năng này cho trẻ sử dụng. Việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng này mà không có sự tư vấn của các chuyên gia y tế rất dễ dẫn đến việc trẻ bị dư thừa chất.
“Phụ huynh theo dõi chiều cao, cân nặng của trẻ, đánh dấu trên biểu đồ tăng trưởng là rất quan trọng. Nếu biểu đồ tăng trưởng đi xuống hoặc đi ngang, hay điểm cân nặng, chiều cao nằm ở kênh thấp nhất, thì cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa để phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị đúng phác đồ”, BS Quỳnh cho biết thêm.
Ngoài ra, điều trị chậm tăng trưởng do thiếu hormone cần phải tuân thủ điều trị tốt, tái khám định kỳ để kịp thời điều chỉnh liều thuốc phù hợp với thể trạng của trẻ, bên cạnh đó trẻ cần được phối hợp các biện pháp khác như dinh dưỡng, vận động thể lực để hỗ trợ quá trình tăng trưởng.
"Phụ huynh không tự ý bổ sung canxi hoặc các thực phẩm chức năng cho trẻ mà phải đưa trẻ đi khám đúng chuyên khoa để các bác sĩ chuyên khoa có thể theo dõi lâu dài và trẻ được chẩn đoán đúng và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm", BS Quỳnh khuyến cáo.