Theo tạp chí Elle của Pháp, việc bảo quản dưa lưới không hề đơn giản chút nào. Quan trọng nhất, bạn phải cẩn thận khi bảo quản dưa lưới ở nhiệt độ thấp bởi vì nếu không cẩn thận thì chất lượng và mùi vị của dưa lưới sẽ bị ảnh hưởng.
Vào mùa hè, trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 chính là mùa dưa lưới. Đây là loại quả lý tưởng cho các món salad, các món tráng miệng hoặc sinh tố. Tuy nhiên, để thưởng thức trọn vẹn hương vị của loại quả này cần phải cẩn trọng trong khâu bảo quản.
1. Cách chọn một quả dưa lưới ngon
Thực tế, phần cuống của quả dưa lưới đã chín thường rất khô và trông như sắp rụng. Vậy nên, nếu phần cuống của quả dưa lưới vẫn còn tươi và cứng thì quả dưa lưới đó chưa chín.
Ngoài ra, bạn cũng không nên chọn những quả dưa lưới có đốm xanh hoặc có chỗ cứng chỗ mềm. Thêm vào đó, những quả dưa lưới đã chín thường có mùi rất thơm. Nếu quả dưa không tỏa ra mùi thơm thì có thể quả dưa ấy chưa chín.
2. Không nên bảo quản dưa lưới trong tủ lạnh
Hơi lạnh và trái cây thường không hợp nhau. Dưa lưới cũng như vậy. Nhiệt độ quá thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dinh dưỡng và đặc biệt là đặc tính chống oxy hóa của dưa cũng như chất lượng mùi vị của nó.
Do đó, vị của quả dưa lưới bảo quản trong tủ lạnh thường nhạt hơn và cũng ít chất chống oxy hóa hơn.
Đặc biệt, bạn nên cẩn thận trong việc bảo quản những quả dưa lưới chưa chín hẳn bởi vì dưa lưới sẽ tiếp tục chín sau khi đã được thu hoạch.
Vậy nên, việc bỏ quả dưa chưa chín hẳn vào tủ lạnh sẽ làm chậm hoặc thậm chí là khiến quá trình này dừng lại hẳn.
Vậy nên, bạn hãy bảo quản dưa lưới ở nhiệt độ phòng và tránh để quả dưa tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng từ hai đến ba ngày để dưa chín đều và giữ được hết hương vị. Mặt khác, nếu dưa của bạn bắt đầu hơi chín, bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh cho đến khi muốn ăn.
Tuy nhiên, nếu bạn đã cắt dưa, tốt nhất nên bảo quản chúng trong tủ lạnh, nhớ bảo quản trong hộp kín để tránh dưa bị mất nước hoặc bị thối.