Thiếu hormone tăng trưởng ảnh hưởng chiều cao của trẻ
Chi Loan (ngụ Quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, cháu Nhân con chị chậm tăng trưởng chiều cao đang được điều trị tại Khoa Nội tiết Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương, TPHCM.
Trước khi điều trị tại BV này, chị đã dẫn con đến nhiều nơi để thăm khám, thậm chí tìm đến một số trung tâm dinh dưỡng để điều trị. Tuy nhiên vẫn không hiệu quả. Thấy vậy, chị Loan tìm đến các bác sĩ tại BV Nguyễn Tri Phương để tư vấn. Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ BV đã tiến hành theo dõi 2 lần (mỗi lần 6 tháng) và phát hiện cháu Nhân không tăng trưởng về chiều cao.
Cũng tại BV Nguyễn Tri Phương, cháu Nhân đã được bác sĩ điều trị và đạt hiệu quả tích cực. Hiện bé Nhân cao được 1,6 mét, sống hòa nhập vui vẻ với bạn bè cùng trang lứa.
Về vấn đề phát triển chiều cao ở trẻ, trao đổi với PV Báo Lao Động, bác sĩ Nguyễn Thị Thư Hương - bác sĩ điều trị Khoa Nội tiết BV Nguyễn Tri Phương cho biết, thiếu hormone tăng trưởng đơn thuần là bệnh lý hiếm với tỉ lệ 1/4000 - 1/10000, có thể xảy ra ở trẻ em mọi độ tuổi cho đến trước khi dậy thì. Theo đó, ngoài yếu tố di truyền, dinh dưỡng, bệnh nội khoa thì thiếu hụt hormone là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chậm phát triển chiều cao ở trẻ em.
Biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài vấn đề chiều cao của trẻ sẽ không tăng hoặc tăng rất chậm và kết quả cuối cùng dẫn đến trẻ sẽ có chiều cao thấp hơn nhiều so với độ tuổi. Cách nhận biết đơn thuần là trẻ có chiều cao thấp hơn những đứa trẻ khác cùng tuổi.
Cũng theo bác sĩ Hương, để biết trẻ có bệnh lý hay không hoặc bị suy dinh dưỡng thì phụ huynh nên đưa bé đi khám bác sĩ nội tiết để được thăm khám các bệnh lý về nội tiết, đặc biệt là bệnh lý thiếu hormone tăng trưởng gây ảnh hưởng sự phát triển chiều cao của trẻ.
"Để theo dõi tình trạng sức khỏe của con thường xuyên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ nhi tổng quát”, bác sĩ Hương khuyến cáo.
Điều trị thiếu hormone tăng trưởng
Theo các bác sĩ BV Nguyễn Tri Phương, thiếu hormone không ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, thường chỉ làm ảnh hưởng đến chiều cao, gây nên những bất lợi trong cuộc sống cũng như nghề nghiệp cho trẻ trong tương lai.
Theo đó, để điều trị bệnh, thông thường trẻ sẽ được chụp X- Quang xương bàn tay trái, làm các xét nghiệm máu cần thiết, chụp MRI sọ não. Sau khi có kết quả chẩn đoán thì phụ huynh sẽ được tham vấn về cách thức điều trị và theo dõi cụ thể.
BS. CKII. Võ Đức Chiến - Giám Đốc BV Nguyễn Tri Phương cho biết, chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng bệnh lý tương đối hiếm nên nhận thức về bệnh lý này trong cộng đồng là chưa cao.
Không ít phụ huynh thấy con mình thấp hơn so với bạn bè đưa đi khám bác sĩ nhi tổng quát thì không có bệnh lý, bác sĩ dinh dưỡng cũng khẳng định bé không suy dinh dưỡng.
Có trường hợp trẻ ăn đủ chất, uống sữa đầy đủ, chơi thể thao đều đặn nhưng vẫn mãi không cao và phụ huynh không biết phải làm gì nữa,… Về vấn đề này, các bác sĩ cho rằng việc điều trị bằng hormone tăng trưởng có hiệu quả.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý: Điều trị bệnh lý là bằng đường tiêm, vì vậy cần tiêm thuốc đều đặn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ; Tái khám đúng hẹn để bác sĩ điều chỉnh kịp thời liều thuốc để đạt được hiệu quả cao nhất có thể…
Ngoài ra, khi có bất cứ lo lắng gì phát sinh trong quá trình điều trị nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn về bệnh lý này, không nên nghe theo những nguồn tin không chính thức tạo hoang mang và tự ngưng điều trị cho bé.
Điều trị đúng thời điểm, đúng liều lượng là rất quan trọng
Trẻ nên được phát hiện sớm và được điều trị trước tuổi dậy thì. Tốt nhất là điều trị trong khoảng độ tuổi từ 4 -13 tuổi. Nếu qua “thời gian vàng” này, các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, dẫn đến việc dùng hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng", bác sĩ Chiến khuyến cáo.
BS. CKII. Võ Đức Chiến - Giám Đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, các nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ bệnh thiếu hormone tăng trưởng là 1/4000. Trẻ em thiếu hormone tăng trưởng sẽ chậm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ gãy xương và bệnh tim mạch, nếu được điều trị kịp thời sẽ cải thiện được chiều cao, giảm chi phí chăm sóc y tế, và các chi phí xã hội khác.