Tình người còn mãi trong hành động hiến tạng

Hà Lê |

Những câu chuyện cảm động, những hành động đẹp trong hiến tạng đã và đang có sức lan toả trong cộng đồng. Có biết bao sự ra đi chìm sâu vào quên lãng nhưng cũng có những sự ra đi là để trở về. Món quà mà những người ra đi để lại thực sự thắp lên niềm tin, hy vọng và tự hào về những điều tử tế và tốt đẹp chưa bao giờ vắng mặt trên cuộc đời này.

Cho đi là còn mãi

Đầu năm 2018, câu chuyện bé Hải An, 7 tuổi ở Hà Nội hiến giác mạc sau khi qua đời vì bệnh u cầu não xâm lấn đã truyền cảm hứng cho chúng ta về lòng tốt, về sự sẻ chia và quan tâm giữa người và người. Hàng ngàn lá đơn hiến tạng và những bộ phận trên cơ thể đã được gửi đi chính là bằng chứng rõ ràng nhất về ngọn lửa cảm hứng mà Hải An đã lan tỏa.

Ngay sau khi Hải An ra đi, giác mạc của Hải An hiến tặng đã được ghép cho 2 bệnh nhân. Sự ra đi của bé Hải An chắc chắn là nỗi đau khó nguôi ngoai trong lòng chị Nguyễn Trần Thuỳ Dương – mẹ Hải An cùng gia đình – nhưng có thể sự ra đi của một thân thể này, là nguồn sống của một thân thể khác.

Câu chuyện của Hải An đã thực sự lan toả, sau đó rất nhiều trường hợp hiến tạng khi chết não. Đặc biệt, những ngày đầu tháng 7 vừa qua, bé Vân Nhi, 12 tuổi ở Hà Nội mắc bệnh Papylome (u nhú dây thanh quản) từ năm 2 tuổi đã ra đi sau hơn 10 năm chiến đấu với bệnh. Qua câu chuyện của Hải An, Vân Nhi cùng gia đình cũng có mong muốn được hiến tạng sau khi chết não. Tâm nguyện của Vân Nhi đã thành hiện thực. Chưa đầy một tuần sau khi Vân Nhi ra đi, giác mạc của Vân Nhi đã được ghép cho 2 bạn nhỏ.

Tâm nguyện của Vân Nhi cùng gia đình đã được thực hiện. Hai người được ghép giác mạc của Vân Nhi có phản ứng tốt. Nghe tin ca ghép thành công, trong lòng chị Nguyễn Thị Hải Vân - mẹ Vân Nhi - cùng các thành viên của gia đình cũng phần nào nguôi ngoai. Khao khát duy nhất của chị lúc này là được gặp lại Vân Nhi trong đôi mắt của hai người nhận giác mạc, để mỗi khi nhớ tới con gái, chị có thể trả lời: "Mẹ đã nhìn thấy con rồi, con an tâm nhé".

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, từ công tác tuyên truyền và câu chuyện hiến tạng của 2 ngọn lửa Hải An, Vân Nhi, 6 tháng đầu năm số lượng người hiến tặng giác mạc đã chạm con số 60, gần bằng tổng số người hiến năm 2017. Hiện, sổ đăng ký chờ hiến giác mạc của Bệnh viện Mắt Trung ương lúc nào cũng hơn 1.000 người. Trong cộng đồng thì có khoảng 300.000 người mù do bệnh lý giác mạc đang chờ người hiến mắt. 

Ca ghép giác mạc của Vân Nhi 12 tuổi cho bệnh nhi 6 tuổi tại Bệnh viện Mắt Trung ương.
Ca ghép giác mạc của Vân Nhi 12 tuổi cho bệnh nhi 6 tuổi tại Bệnh viện Mắt Trung ương.

Ghép tạng, cơ hội hồi sinh sự sống

Còn theo thống kê tại Việt Nam hiện nay có hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang chờ được ghép tạng. Cả nước hiện có 15 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật ghép tạng.

Chỉ tính riêng tại BV Việt Đức mỗi ngày có 2-3 bệnh nhân chết não và mỗi năm hơn 11 ngàn trường hợp tử vong do tai nạn giao thông có thể hiến tạng. Theo các chuyên gia ghép tạng, một người chết não cho đa tạng có thể cứu được 6-10 người bệnh. Tuy nhiên, thời gian qua số ca hiến tạng sau khi chết não còn rất hạn chế. Đây thực sự là điều đáng tiếc khi bác sĩ vẫn có đủ khả năng để cứu chữa người bệnh, khi người bệnh vẫn còn cơ hội và khao khát sống nhưng phải bó tay bởi không có nguồn tạng để ghép.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Ðức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người dẫn chứng về trường hợp không vui xảy ra tại Hà Nội. Người anh bị chết do tai nạn giao thông, vợ con và gia đình đã đồng ý hiến thận của người anh cho một người em trai. Thế nhưng, đến phút cuối cùng, khi tiến hành các thủ tục ghép, người em út trong gia đình lại không đồng ý. Kết quả, người em kia đã chết vì không có thận để ghép. Hay có trường hợp cả gia đình đã đồng ý hiến tạng khi người thân của họ qua đời, các bệnh nhân được nhận đã sẵn sàng cho ca phẫu thuật thì một người trong số đó thay đổi quan điểm. Vậy là việc ghép đành bị hoãn và các bệnh nhân đang chờ lại rơi vào vô vọng.

Những trường hợp được ghép tạng từ người hiến tặng sau khi chết não còn hạn chế. Vừa qua, tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội 4 người chết não đã hiến 8 quả thận, 4 lá gan và 4 quả tim để bệnh viện này ghép gan, tim, thận cho 14 bệnh nhân và giúp Bệnh viện Trung ương Huế ghép tim cho 2 bệnh nhân khác. Số tạng từ những người hiến này đã được ghép cho 16 bệnh nhân trong đó 4 bệnh nhân suy tim, 4 bệnh nhân suy gan và 8 bệnh nhân suy thận.

PGS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết: Trước đây, mỗi năm chỉ có một vài ca hiến tạng nhưng thời gian gần đây Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhiều trường hợp hiến tạng từ người cho chết não. Điều này cho thấy người dân đã có cái nhìn cởi mở hơn về việc hiến tạng như một hành động nhân văn, sự sẻ chia để hồi sinh sự sống. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động vẫn cần đẩy mạnh hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến, ghép mô và bộ phận cơ thể: Thực ra nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam đang rất lớn. Nếu như ở nước ngoài thì 90% người cho là người chết não thì ở Việt Nam lại ngược lại, đến khoảng 90% là lấy từ người sống. Nếu như nói rằng nhận thức của người dân còn hạn chế thì thì tôi cho rằng điều này chưa đầy đủ. Bởi trên thực tế từ khi Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến, ghép mô và bộ phận cơ thể người được thành lập đến nay, đã có rất nhiều người đã biết đến việc hiến tạng và đã đến Trung tâm đăng ký hiến tạng. Đơn cử gần nhất có rất nhiều người đến từ Bạc Liêu, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Trị, có nhà sư đến từ phía Nam ra Hà Nội ngay từ 4h sáng và cả nhà sư ở Hà Nội đã đến trung tâm đăng ký hiến tạng. Những trường hợp này có điểm chung là có tâm nguyện được hiến tạng ngay khi có cơ hội.

Vấn đề ở đây theo tôi là do thông tin đến với cộng đồng chưa đầy đủ. Đơn cử như từ khi Luật Hiến, lấy ghép mô và bộ phận cơ thể người ra đời từ năm 2006, đến giờ này số tạng chúng ta lấy và ghép tạng được còn hạn chế.

Do đó, nếu như mọi người dân có đầy đủ thông tin về hiến ghép tạng như chương trình hôm nay thì tôi tin chắc họ sẽ đến đăng ký hiến tạng nhiều hơn khi có cơ hội tại Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến, ghép mô và bộ phận cơ thế người và 15 cơ sở hiến, ghép tạng khác trong cả nước.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ, không phải ông làm trong lĩnh vực điều phối hiến, ghép tạng thì nói tốt về điều này. Nhưng từ những lợi ích nhìn thấy ngay trước mắt của việc hiến tạng.

Ông Phúc khẳng định: “Từ lúc người đồng ý hiến tạng cầm tấm thẻ đăng ký hiến tạng trên tay thì họ chính là người thực sự hạnh phúc nhất, bởi từ giây phút ấy họ biết rằng nếu không may mình qua đời thì những bộ phận mà họ đã đăng ký hiến tặng sẽ mang lại sự sống cho bất kỳ ai, dù họ không hề quen biết và sự ra đi của họ thực sự không còn vô nghĩa. Tôi chưa hề thấy bất kỳ ai khi nhận tấm thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng trên tay mà họ không nở nụ cười hạnh phúc”.

Hà Lê
TIN LIÊN QUAN

Lo ngại trao nhầm con ở bệnh viện

K'LIỆP |

Một vụ việc hy hữu vừa xảy ra khi Bệnh viện (BV) đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con khiến dư luận rất quan tâm. Trước sự việc này, một vài người lo ngại, liệu rằng còn có vụ việc tương tự xảy ra, đặc biệt vào thời kỳ công nghệ 4.0 thì giải pháp nào để giải quyết dứt điểm “lỗ hổng” này?

Người nhiễm HIV có thể sinh con khỏe mạnh nhờ điều trị ARV

Kim Đồng |

Tại buổi tập huấn tại TPHCM về hiệu quả điều trị ARV (Antiretrovaral, một loại thuốc làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể) trong dự phòng lây nhiễm HIV, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM cho biết, người nhiễm HIV nếu tuân thủ điều trị sẽ sinh con khỏe mạnh bình thường và có thể sống thực sự an toàn với bạn tình…

Làm gì để không bị hoại tử bàn chân do đái tháo đường

Kim Đồng |

Một loại biến chứng bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) rất nguy hiểm nhưng ít người bệnh quan tâm là những tổn thương bàn chân. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ phải đoạn chi và thậm chí có thể bị đe dọa tính mạng.

Hiến tạng “nối sự sống” cho 6 người lạ

Kim Đồng |

Mặc dù không hề quen biết nhưng bằng lòng nhân ái, hai người đàn ông đã căn dặn gia đình nếu chẳng may qua đời thì phải làm theo tâm nguyện là hiến tạng cứu người. Nhờ quyết định cao cả ấy, họ đã hồi sinh cuộc sống cho 6 người lạ.

Lo ngại trao nhầm con ở bệnh viện

K'LIỆP |

Một vụ việc hy hữu vừa xảy ra khi Bệnh viện (BV) đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm con khiến dư luận rất quan tâm. Trước sự việc này, một vài người lo ngại, liệu rằng còn có vụ việc tương tự xảy ra, đặc biệt vào thời kỳ công nghệ 4.0 thì giải pháp nào để giải quyết dứt điểm “lỗ hổng” này?

Người nhiễm HIV có thể sinh con khỏe mạnh nhờ điều trị ARV

Kim Đồng |

Tại buổi tập huấn tại TPHCM về hiệu quả điều trị ARV (Antiretrovaral, một loại thuốc làm giảm sự sinh sôi của HIV trong cơ thể) trong dự phòng lây nhiễm HIV, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM cho biết, người nhiễm HIV nếu tuân thủ điều trị sẽ sinh con khỏe mạnh bình thường và có thể sống thực sự an toàn với bạn tình…

Làm gì để không bị hoại tử bàn chân do đái tháo đường

Kim Đồng |

Một loại biến chứng bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) rất nguy hiểm nhưng ít người bệnh quan tâm là những tổn thương bàn chân. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ phải đoạn chi và thậm chí có thể bị đe dọa tính mạng.

Hiến tạng “nối sự sống” cho 6 người lạ

Kim Đồng |

Mặc dù không hề quen biết nhưng bằng lòng nhân ái, hai người đàn ông đã căn dặn gia đình nếu chẳng may qua đời thì phải làm theo tâm nguyện là hiến tạng cứu người. Nhờ quyết định cao cả ấy, họ đã hồi sinh cuộc sống cho 6 người lạ.