Mới đây, bốn ngân hàng khối quốc doanh đã có bước điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động. Cụ thể, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 3,7%/năm xuống 3,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4%/năm xuống 3,8%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm từ 4,6%/năm xuống 4,5%/năm.
Riêng kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng không có sự thay đổi, giữ nguyên mức 4,4%/năm và 6%/năm. Ở các kỳ hạn từ 12-24 tháng, lãi suất của cả 4 ngân hàng trên đều giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.
Lãi suất tiền gửi cũng được nhiều ngân hàng cổ phần tư nhân điều chỉnh giảm đồng loạt từ đầu tháng 8 với mức giảm phổ biến 0,2-0,3 điểm phần trăm. Đơn cử như tại Techcombank, ngân hàng này đã giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,3 điểm phần trăm với các kỳ hạn dưới 6 tháng và 12 tháng. SCB đồng loạt giảm 0,3 điểm phần trăm tại hầu hết kỳ hạn gửi, ngoại trừ kỳ hạn 12-13 tháng. Lãi suất cao nhất tại SCB hiện đã giảm về mức 7,7%/năm. Theo phân tích của các chuyên gia tài chính, Việc dư thừa thanh khoản, đồng thời tín dụng khó tăng chính là yếu tố chính khiến các ngân hàng giảm lãi suất đầu vào.
Thời gian qua mặc dù liên tục hạ lãi suất nhưng huy động tiền gửi của ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng tích cực. Qua báo cáo tài chính của các ngân hàng 6 tháng đầu năm cho thấy, tăng trưởng huy động vốn cao hơn nhiều so với hoạt động cho vay.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng cho hay, huy động vốn trên địa bàn đến cuối tháng 6.2020 nhìn chung đã có tốc độ tăng trưởng tích cực hơn so với những tháng đầu năm (tăng 3,35% so với cuối năm trước). Dự ước 7 tháng đầu năm 2020, huy động vốn tiếp tục tăng 3,96%.