Nỗi lo heo bị tiêm thuốc an thần

Huyền Trân |

Lực lượng chức năng TPHCM vừa tiếp tục phát hiện một vụ vận chuyển 46 con heo nái từ Bà Rịa – Vũng Tàu vào khu vực TPHCM tiêu thụ, bị tiêm thuốc an thần. Qua vụ việc này càng cho thấy, tình trạng heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ và thịt heo sau giết mổ bán ngoài chợ tồn dư thuốc an thần vẫn diễn ra phổ biến hiện nay, khiến người dân cảm thấy không an tâm khi dùng thịt heo. Trong khi đó, các cơ quan chức năng năng dường như vẫn chưa có những biện pháp chế tài đủ mạnh cũng như giải pháp hiệu quả để ngăn chặn triệt để  nạn tiêm thuốc an thần vào heo, gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng.

Liên tục phát hiện heo tiêm thuốc an thần

Đêm ngày 2.5, Đoàn kiểm tra liên ngành số 2, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm TPHCM phát hiện tài xế L.T.N  điều khiển xe tải chở 46 con heo nái từ Bà Rịa - Vũng Tàu đi qua vòng xoay Mỹ Thủy (Q.2) vào hướng TP.HCM nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Theo tài xế, số heo này được vận chuyển từ một trang trại heo (Bà Rịa – Vũng Tàu)  về cơ sở giết mổ ở Long An, sau đó đem thịt đi tiêu thụ tại chợ đầu mối Bình Điền, TPHCM. Sau khi lấy mẫu kiểm tra, ngày 5.5, thông tin từ Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 cho biết, kết quả xét nghiệm cho thấy, 3/4 mẫu nước tiểu lấy từ lô 46 con heo được phát hiện vào đêm 2.5 dương tính với thuốc an thần Combistress. Theo đó, cơ quan chức năng đã lập biên bản và xử phạt hành chính chủ của lô heo trên 43 triệu đồng với các hành vi như: không có giấy chứng nhận kiểm dịch; sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch không đúng lô hàng; vận chuyển, lưu giữ, giết mổ lô heo chứa thuốc an thần.

Trước đó, ngày 21.3 tại Đồng Nai, cơ quan chức năng cũng phát hiện một cơ sở với khoảng 79 con heo sống được bơm nước và có dấu hiệu tiêm thuốc an thần trước khi đưa đi tiêu thụ (hàng đống vỏ thuốc an thần được phát hiện nằm la liệt cạnh chuồng heo).  Không dừng lại đó, hiện nay, tình trạng thịt heo nhiễm thuốc an thần vẫn xuất hiện nhan nhản ngoài chợ tại TPHCM.  Theo  công bố của Chi cục Thú y TPHCM, chỉ trong 1 tuần (từ ngày 3 đến 10.2),  qua xét nghiệm 58 mẫu thịt heo vào TPHCM, có nguồn gốc từ các lò mổ tỉnh Long An, Tây Ninh và Đồng Nai, lực lượng Thú y TPHCM  phát hiện đến 17 mẫu thịt nhiễm dư lượng thuốc an thần. Lượng heo nhiễm an thần này chủ yếu nhập về TPHCM thông qua hai chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn).

Còn nhớ vào tháng 10.2017, lực lượng chức năng phát hiện đến 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi đưa vào lò mổ Xuyên Á (huyện Hóc Môn, TPHCM) gây chấn động dư luận. Những tưởng sau vụ phát hiện khủng này,  với sự vào cuộc quyết liệt từ các địa phương, các cơ quan, bộ ngành liên quan thì nạn tiêm thuốc an thần cho heo có thể chấm dứt. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn tạm lắng xuống, đến nay, tình trạng tiêm thuốc an thần cho heo vẫn tái diễn tại các tỉnh phía Nam. Và có thể nói, những trường hợp bị phát hiện gần đây chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm chưa bị phát hiện.  

Khi chế tài chưa đủ mạnh thì khó mong có được miếng thịt heo sạch

Một trong những vấn đề khiến tình trạng tiêm thuốc an thần cho heo vẫn diễn tiếp diễn hiện nay là việc chế tài của các cơ quan chức năng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với những thương lái, chủ lô heo vì hám lợi mà bất chấp. Chẳng hạn vụ phát hiện 46 heo bị tiêm thuốc an thần phát hiện vào ngày 2.5 vừa qua, cơ quan chức năng cũng chỉ có thể xử phạt hành chính 43 triệu đồng đối với chủ lô heo, gồm cả 3 hành vi (không có giấy chứng nhận kiểm dịch; sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch không đúng lô hàng; vận chuyển, lưu giữ, giết mổ lô heo chứa thuốc an thần). Hay như vụ chấn động phát hiện 3.750 con heo bị tiêm thuốc trước khi đưa vào giết mổ tại lò mổ Xuyên Á cuối năm 2017 vừa qua, cơ quan chức năng cũng chỉ xử phạt mỗi chủ lô heo 30-35 triệu đồng, còn cơ sở giết mổ Xuyên Á bị đình chỉ hoạt động trong một thời gian.

Dù sao đối với heo còn sống phát hiện bị tiêm thuốc an thần vẫn  có thể xử phạt được, còn đối với thịt heo (heo đã giết mổ) bày bán ở các chợ bị phát hiện tồn dư thuốc an thần thì việc xử phạt còn gian nan hơn, thậm chí không thể xử được. Cụ thể như 17 mẫu thịt heo nhập chợ  được Chi cục Thú y TPHCM phát hiện tồn dư thuốc an thần vừa qua vẫn không thể xử lý được. Bởi hiện nay luật cũng như Bộ Y tế chưa có quy định ngưỡng vi phạm với hàm lượng thuốc an thần trong thịt heo (heo đã giết mổ), nên không có căn cứ pháp lý để xử phạt. Hơn nữa, đối với việc phát hiện thuốc an thần tồn dư trong thịt heo phải lấy mẫu để gửi đi kiểm tra và thường mất khoảng vài ngày mới có kết quả. Đến khi có kết quả thịt heo tồn dư thuốc an thần thì gần như lượng thịt heo đó đã được người dân tiêu thụ.

Luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn Luận sư TPHCM) cho biết: “Những  biện pháp chế tài hiện nay đối với đối tượng liên quan đến hành vi tiêm thuốc  an thần cho heo trước khi giết mổ còn quá nhẹ, chủ yếu xử phạt hành chính. Hơn nữa, hiện nay còn thiếu cơ sở  pháp lý làm căn cứ đối với thịt heo (heo đã giết mổ) tồn dư thuốc an thần bày bán ngoài thị trường nên việc xử phạt gần như khó khăn. Một khi những biện pháp chế tài xử phạt các hành vi tiêm thuốc an thần hay sử dụng hóa chất độc hại trong chăn nuôi, giết mổ heo chưa đủ chặt chẽ và chưa đủ mạnh thì  người dân khó mong có được miếng thịt heo sạch để ăn”.  

Được biết, Bộ NN-PTNT vừa qua đã giao cho Vụ Pháp chế chủ trì phối hợp Cục Thú y soạn dự thảo sửa đổi Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 của Chính phủ theo hướng tăng tối đa mức tiền phạt và biện pháp bổ sung đối với heo bị phát hiện có thuốc an thần và sản phẩm động vật tồn dư thuốc an thần vượt ngưỡng.

Heo bị tiêm thuốc an thần tác hại như thế nào đối với người dùng?

Thuốc an thần Combistress và Prozil là loại thuốc thú y dùng an thần cho động vật trong các trường hợp như giúp heo nái không quậy phá hay cắn con khi sinh, dùng trong hoạn heo, giải phẫu động vật…Theo khuyến cáo của các bác sĩ, tác hại của việc tiêm thuốc an thần cho heo trước khi giết mổ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nếu dùng phải, bởi lượng thuốc chưa bài thải hết trong thịt cũng như các cơ quan nội tạng.

Thông thường sau khi tiêm cho heo phải mất khoảng 5 ngày dư lượng thuốc trong cơ thể mới bài thải hết. Do vậy, ở những đàn heo được tiêm thuốc ngay trước ngày giết mổ, lượng thuốc an thần tồn dư còn ở mức khá cao trong thịt heo nên có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có chứa thuốc an thần lâu dần sẽ tích tụ trong cơ thể, gây nhiều nguy cơ bệnh tật như: ung thư, tác hại đến hệ thần kinh, gây ra các triệu chứng run tay chân, bệnh về thận, gây trầm uất, đãng trí…

Huyền Trân
TIN LIÊN QUAN

Cảnh báo nguy cơ mất an toàn khi để trẻ em vui chơi dọc bờ sông, kênh rạch

T.S |

Thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM xảy ra tình trạng người dân, nhất là các em học sinh đi câu cá dọc bờ sông, kênh rạch rồi sẩy chân té ngã, thậm chí tử vong do đuối nước. Để các em không phải đối mặt vơi nguy cơ này, các bậc cha mẹ cần phải tăng cường quản lý con trẻ, đặc biệt là không để các em tự ra các bờ sông vui chơi, câu cá. 

Đảm bảo an toàn cho lao động ngành xây dựng

Lê An Nhiên |

Thi công, xây dựng là một trong những ngành được ghi nhận là để xảy ra các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) cao nhất. TNLĐ không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho người lao động (NLĐ) mà còn khiến NLĐ mặc cảm khi họ trở thành gánh nặng cho người thân, gia đình. Để đảm bảo an toàn cho người lao động (NLĐ) làm việc trong ngành này, ngoài trách nhiệm của nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước, NLĐ, còn có vai trò quan trọng của chủ đầu tư các công trình.

Những kiến thức cần biết để công nhân ứng phó nạn trộm cướp

Trường Sơn |

Thời gian gần đây, tình trạng trộm cướp lẻn vào các khu công nghiệp, khu chế xuất để trộm cướp tài sản của công nhân diễn ra phức tạp. Dưới đây là những chia sẻ của các “hiệp sĩ” để các bạn công nhân tránh trở thành “con mồi” của các đối tượng này.

Cảnh báo nguy cơ mất an toàn khi để trẻ em vui chơi dọc bờ sông, kênh rạch

T.S |

Thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM xảy ra tình trạng người dân, nhất là các em học sinh đi câu cá dọc bờ sông, kênh rạch rồi sẩy chân té ngã, thậm chí tử vong do đuối nước. Để các em không phải đối mặt vơi nguy cơ này, các bậc cha mẹ cần phải tăng cường quản lý con trẻ, đặc biệt là không để các em tự ra các bờ sông vui chơi, câu cá. 

Đảm bảo an toàn cho lao động ngành xây dựng

Lê An Nhiên |

Thi công, xây dựng là một trong những ngành được ghi nhận là để xảy ra các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) cao nhất. TNLĐ không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho người lao động (NLĐ) mà còn khiến NLĐ mặc cảm khi họ trở thành gánh nặng cho người thân, gia đình. Để đảm bảo an toàn cho người lao động (NLĐ) làm việc trong ngành này, ngoài trách nhiệm của nhà thầu, cơ quan quản lý nhà nước, NLĐ, còn có vai trò quan trọng của chủ đầu tư các công trình.

Những kiến thức cần biết để công nhân ứng phó nạn trộm cướp

Trường Sơn |

Thời gian gần đây, tình trạng trộm cướp lẻn vào các khu công nghiệp, khu chế xuất để trộm cướp tài sản của công nhân diễn ra phức tạp. Dưới đây là những chia sẻ của các “hiệp sĩ” để các bạn công nhân tránh trở thành “con mồi” của các đối tượng này.