Cụ thể, xếp hạng tiền gửi ngân hàng dài hạn (LT) của đồng nội tệ (LC) và ngoại tệ (FC) tại OCB đã giữ nguyên ở mức Ba3. Đồng thời, đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) và BCA điều chỉnh được duy trì ở mức B1. Ngoài ra, Moody’s cũng giữ nguyên đánh giá rủi ro đối tác (CRRs) dài hạn với đồng ngoại tệ và nội tệ ở mức Ba3, xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn ở Ba3 (cr).
Theo đánh giá của Moody’s, việc duy trì xếp hạng BCA, cùng với việc nâng triển vọng lên “ổn định” phản ánh kỳ vọng rằng, mức an toàn vốn của OCB hiện đang trội hơn so với các ngân hàng đồng cấp khác và sẽ tiếp tục tốt trong thời gian tới giúp hỗ trợ khả năng hấp thụ rủi ro tốt hơn.
Có thể nói, trước bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế có nhiều biến động, ngành ngân hàng tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, các đánh giá xếp hạng của Moody’s cho thấy OCB vẫn đang vận hành ổn định, có khả năng chịu đựng tốt trước những rủi ro tiềm ẩn.
Tháng 5 vừa qua, OCB cũng được VIS Rating (Đơn vị thành lập dựa trên mối quan hệ hợp tác với Moody's, cùng một số tổ chức khác, do hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) khởi xướng) xếp hạng A+ về độ tín nhiệm dựa trên khả năng sinh lời, năng lực quản trị rủi ro, và chất lượng tài sản.
VIS Rating đánh giá năng lực độc lập của ngân hàng thể hiện khả năng sinh lời ở mức "Mạnh", chủ yếu đến từ lợi suất cho vay và biên lãi thuần (NIM) cao hơn ngành. OCB có nhiều chiến lược tập trung đến phân khúc cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Trọng tâm này giúp duy trì tỷ suất lợi nhuận trên bình quân tổng tài sản (ROA) trung bình 2,2% (giai đoạn 2019-2023), cao hơn bình quân toàn ngành 1,3%.
Tổ chức này cũng đánh giá OCB hiện vẫn quản lý tốt rủi ro tài sản thông qua các nỗ lực liên quan đến công tác xử lý nợ xấu bằng rất nhiều phương pháp, ưu tiên đồng hành cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn. OCB duy trì tỉ lệ tài sản đảm bảo liên quan đến bất động sản khá chặt. Nhờ đó, chi phí tín dụng của ngân hàng được duy trì thấp hơn mức trung bình của ngành trong hai năm qua.
Được biết, hiện tại OCB đã và đang triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng và nhà đầu tư, cũng như tiếp tục nhận được đánh giá cao của các tổ chức chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới, cụ thể: Trở thành một trong số ít ngân hàng tích cực triển khai áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến quốc tế (Basel II nâng cao, Basel III cho rủi ro thanh khoản, IFRS9…), từ đó tiếp tục củng cố năng lực vốn vững chắc khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt mức 13,8%, cao hơn nhiều so với ngưỡng 8% theo quy định của NHNN.
Duy trì bảng cân đối tài sản lành mạnh với tỉ lệ nợ xấu (NHNN) ở mức 2,3% vào cuối Q2/2024, tuân thủ giới hạn quy định của NHNN; Chủ động quản lý các khoản vay, đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm rủi ro trong giai đoạn kinh tế khó khăn.
OCB hiện được Moody’s đánh giá tích cực với ghi nhận Tài sản thanh khoản chiếm 31% tổng tài sản có hữu hình. Bộ đệm thanh khoản này bao gồm tiền mặt, dự trữ bắt buộc, trái phiếu Chính phủ và nhiều loại giấy tờ có giá khác đã giúp OCB chống chịu tốt với những diễn biến thị trường bất ngờ.