Bộ trưởng Bộ LĐTBXH kêu gọi hành động vì an toàn lao động

LÊ TUYẾT |

Tại lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đề nghị tất cả các cấp ngành, doanh nghiệp, người lao động cùng vào cuộc để đảm bảo an toàn cho người lao động. 

Tiếp tục triển khai đồng bộ, thường xuyên có hiệu quả các chỉ đạo theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư, Luật An toàn, vệ sinh lao động và văn bản hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh công tác thông tin trong công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch hành động cụ thể hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và thường xuyên kiểm tra việc triển khai thực hiện. Phải có kế hoạch và nội dung cụ thể nhằm thu hút sự tham gia của từng doanh nghiệp và người lao động; tăng cường phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động; cần chú trọng mở rộng triển khai các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động tới các cấp quận, huyện, xã, phường, thị trấn, cả trong khu vực có và không có quan hệ lao động, khu vực phi kết cấu, trong nông nghiệp và các làng nghề tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác chỉ đạo, trách nhiệm quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm; rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân. Tổng kết và có hướng dẫn nhân rộng các mô hình đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với từng ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và quy mô doanh nghiệp; sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở cần tăng cường đầu tư, đổi mới sử dụng công nghệ, máy thiết bị tiên tiến, rà soát, bổ sung các nội qui, quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc để chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm có hại tại doanh nghiệp.

Đối với người lao động, trước hết vì sức khỏe, tính mạng và lợi ích của chính mình cần tuân thủ đúng các nội qui, quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ  năng làm việc an toàn; kịp thời phản ánh với cơ quan chức trách hoặc kiên quyết từ chối hoặc rời bỏ công việc, nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất an toàn, vệ sinh lao động để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình.

LÊ TUYẾT