Chị Trần Ngọc Trinh, ngụ TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết: “Hè này tôi đã cho 2 con đi học bơi ở trung tâm, các bé đều đã biết bơi mình cũng thấy an tâm hơn. Ngoài kỹ năng bơi, các bé còn được dạy thêm cách ứng cứu khi thấy có trường hợp tai nạn xảy ra, cách xử lý thế nào... mình thấy rất hay, bổ ích mà lại dạy miễn phí. Ở nhà thì mình cũng dạy con nhưng không có kỹ năng truyền đạt được như vậy”.
Cũng như chị Trinh, nhiều phụ huynh cũng bắt đầu quan tâm hơn đến vấn đề dạy bơi cho trẻ, dạy trẻ các kỹ năng xử lý tình huống. Thời gian gần đây, nhiều vụ việc trẻ em bị đuối nước thương tâm xảy ra lan truyền nhiều trên mạng xã hội. Có trường hợp do sự bất cẩn của người lớn khi thiếu quan sát trẻ, hoặc do môi trường sống xung quanh có nguy cơ gây tai nạn đuối nước. Có những trường hợp trẻ em hiếu động, rủ nhau đi tắm sông, ao, hồ…, nhưng lại không biết bơi, không xử lý được tình huống khi bơi... 1 số trẻ em ở vùng sâu, vùng xa ít có cơ hội tiếp cận với khu vui chơi, giải trí, sân chơi an toàn, nhất là thiếu các dịch vụ, bể bơi công cộng.
6 tháng đầu năm 2024 tình trạng đuối nước ở trẻ em tại Kiên Giang có dấu hiệu giảm so năm 2023. Tuy nhiên trước những nguy cơ tiềm ẩn, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao, đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn bơi cho cán bộ, giáo viên, cộng tác viên về chương trình kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em và chuẩn bị tổ chức thêm 1 lớp phổ cập bơi miễn phí cho trẻ em.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang hỗ trợ xây dựng 10 mô hình ngôi nhà an toàn tại các xã, phường, thị trấn, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tổ chức 12 lớp dạy bơi miễn phí và 13 lớp trang bị kỹ năng sống cho trẻ em.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước và phương pháp dạy bơi, cứu đuối an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên để về dạy lại cho học sinh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Đoàn trong tỉnh tổ chức 129 lớp dạy bơi, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho hơn 14.000 thiếu nhi.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao, Kiên Giang hiện có hơn 500 hồ bơi các loại tập trung đa phần ở các thành phố như Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên… Phần lớn là của các doanh nghiệp, tư nhân, riêng hồ bơi của Nhà nước đầu tư vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự quan tâm của chính quyền các cấp thời gian tới sẽ bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, địa phương sẽ đầu tư ngân sách cho công tác xây dựng hồ bơi tại các cơ sở hoạt động thể dục, thể thao của Nhà nước, các trường học trong tỉnh.
Qua đó nhằm phục vụ tốt nhất công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em và phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Giúp các em nâng cao sức khỏe, trang bị về kỹ thuật bơi, phương pháp cứu và sơ cấp cứu đuối nước nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tỉ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước.