Gặp chàng trai khám phá hang động Sêrêpôk

Hữu Long |

Hệ thống hang động bên dòng Sêrêpôk được anh Nguyễn Thanh Tùng (trú thôn Đức Lập, xã Đắk Sô, huyện Krông Nô) khám phá bởi sự tò mò, niềm đam mê từ tấm bé… Nhờ những thông tin, hình ảnh mà Tùng sưu tầm đã giúp các nhà khoa học, giới nghiên cứu có cái nhìn chính xác để từ đó làm nền tảng đưa hệ thống hang động này trở thành công viên địa chất núi lửa lớn nhất Đông Nam Á...

Đốt đuốt tìm hang
Truyền thuyết về núi lửa Chư B’Luk được nhiều người Ê Đê kể lại rằng, hàng ngàn năm về trước, tổ tiên người Ê Đê sống tối tăm trong các hang động nằm sâu dưới lòng đất. Họ gọi ngọn núi thiêng nơi bắt nguồn của hệ thống hang động là Chư B’Luk trong nghĩa “Chư” là núi, “B’Luk” là “cội nguồn”. Một ngày nọ, một người đàn ông trong cộng đồng vì vi phạm giới luật bị trục xuất khỏi hang Chư B’Luk. Theo năm tháng, người đàn ông bị trục xuất bắt đầu tập săn bắn, hái lượm canh tác có của ăn của để. Từ đây, cộng đồng người Ê Đê sống dưới hang động lần lượt dắt díu nhau lên mặt đất lập làng, sinh sống phát triển. 

Đắk Nông vừa gửi hồ sơ đến Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị bổ sung công viên địa chất núi lửa Krông Nô vào danh mục  khu du lịch quốc gia.
Đắk Nông vừa gửi hồ sơ đến Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị bổ sung công viên địa chất núi lửa Krông Nô vào danh mục khu du lịch quốc gia.

Một câu chuyện khác kể về ngọn núi Chư B’Luk mà người Ê Đê vẫn kể con cháu nghe là vào thời kỳ Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi. Vị vua đầu triều Nguyễn được người dân bản địa giúp đỡ, chỉ lối trốn trong 43 hang động!? Để tránh thú dữ ăn thịt những ngày trốn trong rừng, Nguyễn Ánh mời thầy pháp cúng yểm bùa trấn trạch trừ tà ma, thú dữ.  Sau này, khi lên ngôi vua, ông liền sai binh lính tới khảo sát các hang động, thác nước để… nghỉ mát?

Dù không phải là dân bản địa nhưng từ ngày còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Thanh Tùng mê tít những câu chuyện huyền thoại về ngọn núi lửa qua lời kể các già làng người địa phương. Tuổi nhỏ ham tìm hiểu, Tùng men theo bờ SêrêPôk để tìm đến một số hang động trong ngọn núi Chư B’Luk. Cũng tại dọc bờ suối, Tùng may mắn được những người câu cá lớn tuổi cặn kẽ chỉ lối vào bên trong hang động.

Khác với sự rụt rè, lo lắng của chúng bạn cùng trang lứa, Tùng nhanh nhẹn, can đảm nên nghĩ được cách tránh lạc lối giữa rừng sâu. Vào rừng, cậu bé bẻ cây làm dấu, đốt đuốt len lỏi sâu vào hang này đến hang động khác. Trong trí nhớ của Tùng, bên trong hang động đầu tiên mà cậu phát hiện là một thế giới kỳ lạ với hệ thống thảm thực vật phong phú...

Quãng thời gian trẻ thơ trôi qua, Tùng rời quê lăn lộn với nhiều công việc ở nhiều tỉnh thành miền Nam kiếm sống. Vài năm sau, Tùng về địa phương làm hướng dẫn viên cho một khu du lịch địa phương. Ngoài giờ làm, Tùng tiếp tục tìm hiểu, khám phá những hang động trong rừng sâu mà chưa có dấu chân người đặt đến. Từ những kinh nghiệm, kiến thức về hệ thống hang động từ học hỏi được, Tùng đã gửi những hình ảnh, tư liệu mà bản thân anh cất công nhiều năm sưu tầm đến cho ngành văn hóa tỉnh nhà để phục vụ nghiên cứu và phát triển du lịch.  

Mãi đến năm 2007, Tùng tình cờ gặp tiến sĩ La Thế Phúc  - Nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất, nghiên cứu viên chính Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, đang tìm hiểu về các dạng địa chất tại khu vực các tỉnh Tây Nguyên. Từ đó, Tùng cùng tiến sĩ La Thế Phúc quay trở lại tìm hiểu các hang động Chư B'luk. “Thật bất ngờ, tiến sĩ La Thế Phúc là nhà khoa học đầu tiên tại Việt Nam khẳng định các hang động trên địa bàn huyện Krông Nô là hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Việt Nam” – anh Tùng kể.

Đánh thức ngọn núi ngàn năm

Đề tài nghiên cứu của tiến sĩ La Thế Phúc mang tên “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước, các nhà khoa học của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Hội hang động Nhật Bản đã đề nghị chính quyền địa phương được tìm hiểu các hệ thống hang động còn lại trên địa bàn huyện Krông Nô với sự hướng dẫn của Tùng.  

“Gần 7 năm sau đó (năm 2014 – PV), đoàn thám hiểm đã công bố một tin khiến dư luận thời bấy giờ vô cùng tự hào. Đó là Tây Nguyên chúng ta đang sở hữu một hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á… Chư B’Luk là di sản thiên nhiên độc đáo do quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm” – anh Tùng nhớ lại.

Trong thời gian làm việc cùng đoàn thám hiểm, Tùng vẫn nhớ nguyên kỷ niệm sinh hoạt cùng đoàn trong điều kiện thiếu thốn, nguy hiểm. “Khó khăn nhưng mọi người đều vượt lên tất cả khi đặt chân đến các hang động chưa từng được khám phá đầy kỳ ảo” – Anh Tùng chia sẻ và cho biết thêm, bên trong những hang động phần lớn là bề mặt đá bazan lởm chởm. Qua quá trình đo đạt, nghiên cứu một số hang, đoàn thám hiểm còn phát hiện nhiều di vật khảo cổ  từ hậu kỳ đồ đá cũ (6.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (4.000 - 3.000 năm)”  - Tùng nói.

Quá trình đo đạt, thám hiểm, các nhà khoa học còn phát hiện  quần thể hang Chư B’Luk nối liền với quần thể thác lớn trên sông Sêrêpôk.  Theo chia sẻ của Tùng, qua những nghiên cứu và đo đạt toàn bộ các hang động trước đó, trong tương lai có thể mở ra tiềm năng du lịch vô cùng lớn.  Với những kiến thức về hang động được tích lũy, Tùng cho biết, sẵn sàng giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước khi đến khám phá, tìm hiểu hang động nếu có lời đề nghị. 

Đắk Nông vừa gửi hồ sơ đến Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị bổ sung công viên địa chất núi lửa Krông Nô vào danh mục  khu du lịch quốc gia.
Đắk Nông vừa gửi hồ sơ đến Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đề nghị bổ sung công viên địa chất núi lửa Krông Nô vào danh mục khu du lịch quốc gia.

Phát triển đi đôi với bảo tồn

Ông Tachihara Hiroshi  - Trưởng đoàn Hiệp hội Hang động núi lửa Nhật Bản từng  khẳng định, hệ thống hang động hình thành trong quá trình hoạt động núi lửa rất có giá trị về mặt khoa học địa chất, thiên nhiên, tiềm năng du lịch... “Nếu địa phương hiểu và xây dựng phương án bảo vệ và gìn giữ hệ thống hang động này sẽ có ý nghĩa rất lớn về sau này trong việc khảo sát và phát triển du lịch. Tôi nghĩ thời gian đến, chính quyền địa phương cần nhanh chóng lập phương án bảo tồn để người dân địa phương không chặt phá rừng, tác động  trực tiếp đến hệ thống hang động” - ông Tachihara Hiroshi chia sẻ.

Còn theo tiến sĩ La Thế Phúc, nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam, với diện tích khoảng 2.000 km2, công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô trải dài từ huyện Krông Nô sang một số xã lân cận của các huyện Chư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, thị xã Gia Nghĩa. Tiến sĩ Phúc đánh giá, Công viên địa chất núi lửa Krông Nô hiện hữu tới 7/10 kiểu di sản địa chất theo phân loại của UNESCO và được đánh giá là hang động dung nham dài và đẹp nhất Đông Nam Á.

“Bên trong hệ thống hang động núi lửa Chư B’luk hiện còn ẩn chứa hàng vạn bí mật cần được nghiên cứu, khám phá bài bản, kỹ lưỡng. Tôi khẳng định, hệ thống hang động Chư B’Luk có đầy đủ điều kiện để xây dựng công viên địa chất quốc gia, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Nếu được công nhận, đây sẽ là tiền đề để địa phương đẩy mạnh hoạt động du lịch, phát triển kinh tế  xã hội”  - tiến sĩ La Thế Phúc nhấn mạnh.

Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Ban chuyên trách Ban Quản lý xây dựng Công viên địa chất  núi lửa Krông Nô, đến tháng 8.2018, tỉnh Đắk Nông sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình tổ chức UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên theo bà An, hiện nay khu vực hang động núi lửa đang bị tác động trực tiếp từ yếu tố con người như trạng khai thác khoáng sản trái phép; khai thác nước ngầm.

“Việc bảo vệ những hệ thống hang động cần được tăng cường, cấm người dân sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật trong canh tác nông nghiệp làm ảnh hưởng đến môi trường và tác động lâu dài đến các hang động. Thời gian đến, để ngăn chặn tình trạng xâm hại, tác động tiêu cực đến danh thắng đang trong quá trình điều tra, khảo sát, vấn đề quản lý, bảo vệ các hang động một cách nghiêm ngặt” – bà An nói. 

Hữu Long