Nguy cơ tái diễn ngập nước sân bay Tân Sơn Nhất

Minh Quân |

TPHCM đã bước vào mùa mưa, đường thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện tắc cả trong lẫn ngoài, trong khi các dự án nạo vét, cải tạo đường thoát nước cho sân bay vẫn đang giậm chân tại chỗ.

Mương thoát nước bị 'bức tử'

Sân bay Tân Sơn Nhất được người Pháp quy hoạch, xây dựng trên khu đất cao của TP. Sân bay chia làm 3 khu vực thoát nước. Khu vực hành chính, khu sân golf thoát nước về hướng đường Phạm Văn Bạch ra kênh Tham Lương.  Hướng thứ hai, khu vực nhà ga quốc tế và khu vực sửa chữa máy bay, nước thoát ra mương Nhật Bản. Hướng thoát nước thứ ba là khu vực sân đậu máy bay, thoát ra mương A41 ra đường Cộng Hòa.

Những năm gần đây, sân bay này đối mặt với vấn đề ngập nước sau những trận mưa lớn gây uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn của các chuyến bay. Nghiêm trọng nhất là mùa mưa năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất nhiều lần xảy ra tình trạng ngập nước làm hàng chục chuyến bay bị hoãn, thậm chí phải chuyển hướng đáp xuống sân bay khác. Sau sự việc trên cho đến nay, hệ thống thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa được cải thiện. Hiện các đường thoát nước sân bay Tân Sơn Nhất vẫn đang bị “bức tử” bởi tình trạng nhà dân cơi nới; rác, xà bần đổ tràn lan gây tắc nghẽn dòng chảy.

Ghi nhận tại, khu vực mương A41 của sân bay Tân Sơn Nhất (thuộc phường 4, quận Tân Bình) dài khoảng 2 km. Mương này có hai nhánh bắt đầu từ 2 cống thoát nước của sân bay Tân Sơn Nhất, hợp dòng tại khu vực đường Giải Phóng. Mương dẫn nước ra đường Cộng Hòa rồi đổ vào hệ thống cống ngầm về kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Theo quan sát, nhiều đoạn mặt kênh bị bồi lấp nặng nề, đủ loại rác thải như rác sinh hoạt, chất thải, phế phẩm, trụ xi măng, than tổ ong, xà bần, cành cây…Rác ngập ngụa khắp các miệng cống gây nghẽn dòng và bốc mùi hôi thối. Qua tìm hiểu, trong các quyết định cấp đất tại khu vực này nêu rất rõ, tính từ tim mương trở vào 7 mét, người dân không được phép xây dựng. Thế nhưng thực tế, hàng chục khu phòng trọ, nhà cơi nới...mọc lên tràn lan, lấn cả vào mương. Càng về đoạn cuối mương A41, nhà dân hai bên lấn chiếm khiến con mương này chỉ còn rộng chưa tới 1 mét, tạo thành những đoạn "thắt cổ chai", gây ách tắc dòng chảy...

Tương tự, tại kênh Hi Vọng có chiều dài hơn 1,8km, bắt nguồn khu vực hành chính, khu sân golf thoát nước về hướng đường Phạm Văn Bạch ra kênh Tham Lương. Hiện nay, kênh này cũng đang trong tình trạng bị “bức tử” bởi người dân cơi nới, chiếm dụng để cất nhà, phòng trọ. Bên cạnh đó, việc người dân xả rác bừa bãi cũng gây tắc nghẽn dòng chảy. Nhiều đoạn không được nạo vét, phát quang khiến cây cối mọc um tùm, kết hợp với đủ thứ loại rác, xà bần...khiến dòng kênh bị bồi lấp gây tắc nghẽn.

Trong kho đó, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM mới đây khảo sát hiện trạng hệ thống thoát nước bên trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cho thấy hướng thoát nước từ khu vực sân bay về hướng đông nam qua tuyến mương Nhật Bản nhánh 1 và nhánh 2 không đồng bộ, bị lấn chiếm.

Cụ thể tại nhánh 1, với trục thoát nước chính là tuyến cống 1.000mm từ khu vực Công ty cổ phần thương mại xăng dầu Tân Sơn Nhất kết nối với cống hộp 2x1,6m đi qua nhà của Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific tiếp tục qua đoạn mương hở 1x1m… thoát qua cống hộp mương Nhật Bản. Nhiều đoạn ở nhánh này thoát nước kém do lượng bùn, vữa bê tông của nhiều đơn vị thải ra, đặc biệt đoạn mương hở phía sau Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) có dấu hiệu xuống cấp, sạt lở. Trong khi đó, nhánh thoát nước thứ 2 hiện bị nhà dân xây dựng lấn chiếm thu hẹp dòng chảy, không đảm bảo khả năng thoát nước. Ở nhánh thoát nước này, UBND Q.Tân Bình đã đề xuất dự án nâng cấp từ năm 2016 nhưng đến nay dự án chưa triển khai hoàn thành.

Ì ạch các dự án thoát nước

TPHCM đã bước vào mùa mưa, đường thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất hiện tắc cả trong lẫn ngoài, trong khi các dự án nạo vét, cải tạo đường thoát nước cho sân bay vẫn đang giậm chân tại chỗ. Được biết, TPHCM đã giao UBND quận Tân Bình thực hiện dự án thay thế toàn bộ tuyến mương hở A41 bằng cống hộp, dự kiến khởi công trong năm 2017 và hoàn thành vào năm 2019. Tuy nhiên, đến nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án này vẫn chưa hoàn thành. Đại diện UBND Q.Tân Bình cho biết có khoảng 179 hộ dân cư khu vực P.4 cần giải tỏa, nhưng việc giải tỏa tương đối khó khăn do hầu hết đất trong khu vực này là đất được cấp cho gia đình quân nhân, rất phức tạp về pháp lý. Mức độ lấn chiếm cũng rất nặng, có nhiều trường hợp lòng kênh “nằm gọn” trong hộ dân. Quận đang chờ thủ tục xét duyệt giá bồi thường từ Sở Tài chính.

Trong khi đó, từ năm 2012, dự án cải tạo kênh Hy Vọng được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đến năm 2013, nhận thấy sự cấp bách của việc cải tạo kênh cũng như giải thoát cho sân bay Tân Sơn Nhất khỏi cảnh ngập nước, UBND TPHCM ra chỉ đạo phải thực hiện cấp bách dự án này. Nhưng phải đến năm 2016, thiết kế cơ sở của dự án mới được UBND TPHCM phê duyệt. Tưởng chừng dự án sẽ được khởi công đúng như kế hoạch thì tháng 6.2017, Ngân hàng thế giới (WB) và UBND TPHCM đã thống nhất dừng gói tài trợ 400 triệu USD cho một số dự án chống ngập, cải thiện môi trường trên địa bàn. Hệ quả là một số dự án đang triển khai giữa chừng bị ngừng thi công, trong đó có việc cải tạo kênh Hy Vọng đi vào bế tắc. 

Một dự án cấp bách khác là xây dựng hồ điều tiết  với diện tích khoảng 1,3 héc ta để chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất. Tại công văn số 1230 ngày 10.2.2017, Bộ Quốc phòng đã thống nhất chủ trương tạm giao đất để Bộ GTVT thực hiện đầu tư. Tuy nhiên, theo lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất, dự án này đã được đưa vào điều chỉnh quy hoạch sân bay nên phải chờ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xong mới có thể xây dựng được.  

Để đảm bảo việc tiêu thoát nước cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước vừa TP kiến nghị UBND TP yêu cầu Cảng vụ hàng không Miền Nam triển khai việc nạo vét hệ thống thoát nước bên trong sân bay, đoạn đi qua các đơn vị như: VASCO, nhà máy A41, sư đoàn 370…. Đặc biệt phải có phương án xử lý đoạn thắt nút cổ chai tại tuyến mương hở khu vực phía sau VASCO.

Về lâu dài, Cảng vụ hàng không Miền Nam cần cải tạo hệ thống thoát nước bên trong hành lang bảo vệ sân bay (đoàn từ tương rào an ninh đến tương rào sân bay) nhằm đảm bảo đồng bộ với hệ thống thoát nước bên ngoài do TP quản lý. Bên cạnh đó, UBND Q.Tân Bình cũng được đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo mương thoát nước A41, vận động người dân không lấn chiếm, xả rác gây tắc nghẽn dòng chảy.

Minh Quân
TIN LIÊN QUAN

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khởi công Dự án đường 911B

CHÍ VĂN |

Ngày 24.5, tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Ban quản lý dự án giao thông Cái Mép – Thị Vải đã tổ chức lễ động thổ dự án đường 911B nối liền Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép - Thị Vải

TPHCM: Đội nắng, dầm mưa đón xe buýt vì thiếu nhà chờ

Thạch Nam |

Mặc dù số lượng xe buýt tại TPHCM ngày càng tăng, nhưng còn khá nhiều điểm đón xe buýt không được xây nhà chờ, vì vậy hành khách phải đứng dưới trời nắng hoặc dầm mưa đón xe. 

Cảnh báo nguy cơ mất an toàn khi để trẻ em vui chơi dọc bờ sông, kênh rạch

T.S |

Thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM xảy ra tình trạng người dân, nhất là các em học sinh đi câu cá dọc bờ sông, kênh rạch rồi sẩy chân té ngã, thậm chí tử vong do đuối nước. Để các em không phải đối mặt vơi nguy cơ này, các bậc cha mẹ cần phải tăng cường quản lý con trẻ, đặc biệt là không để các em tự ra các bờ sông vui chơi, câu cá. 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Khởi công Dự án đường 911B

CHÍ VĂN |

Ngày 24.5, tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Ban quản lý dự án giao thông Cái Mép – Thị Vải đã tổ chức lễ động thổ dự án đường 911B nối liền Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép - Thị Vải

TPHCM: Đội nắng, dầm mưa đón xe buýt vì thiếu nhà chờ

Thạch Nam |

Mặc dù số lượng xe buýt tại TPHCM ngày càng tăng, nhưng còn khá nhiều điểm đón xe buýt không được xây nhà chờ, vì vậy hành khách phải đứng dưới trời nắng hoặc dầm mưa đón xe. 

Cảnh báo nguy cơ mất an toàn khi để trẻ em vui chơi dọc bờ sông, kênh rạch

T.S |

Thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM xảy ra tình trạng người dân, nhất là các em học sinh đi câu cá dọc bờ sông, kênh rạch rồi sẩy chân té ngã, thậm chí tử vong do đuối nước. Để các em không phải đối mặt vơi nguy cơ này, các bậc cha mẹ cần phải tăng cường quản lý con trẻ, đặc biệt là không để các em tự ra các bờ sông vui chơi, câu cá.