Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có tổng cộng 2.199 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, với 6.733 thành viên. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tấm gương Công an xã bán chuyên trách, Bảo vệ dân phố, lực lượng Dân phòng... dũng cảm trong công tác, được các cấp, các ngành, đoàn thể và Nhân dân biểu dương, khen ngợi.
Những thành tích, kết quả đó đã khẳng định vai trò quan trọng, nòng cốt, xung kích của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trao đổi với Lao Động, Thượng tá Nguyễn Trần Tuấn - Trưởng Công an huyện Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk) - chia sẻ: "Ngay sau khi thành lập lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, Công an huyện đã tổ chức tập huấn cho toàn bộ lực lượng. Thời gian tới, Công an các xã, thị trấn ở địa bàn sẽ tiếp tục tập trung bồi dưỡng, huấn luyện thêm về nghiệp vụ, quy định của pháp luật cho anh em".
Theo Thượng tá Nguyễn Trần Tuấn, việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ sẽ giúp các tổ công tác ở các thôn, buôn nắm chắc địa bàn, giải quyết ngay các vấn đề phát sinh về an ninh trật tự tại cơ sở. Ngoài ra, Công an huyện sẽ xem xét thêm phương án lựa chọn thêm nhân sự là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn để tham gia vào lực lượng mới thành lập.
"Lực lượng này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác vận động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con dân tộc thiểu số, theo dõi sát tình hình để kịp thời tham mưu cho Công an cơ sở có phương án giải quyết các vụ việc liên quan an ninh trật tự một cách thỏa đáng. Các tổ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở cũng sẽ là nhân tố quan trọng để xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" - Thượng tá Nguyễn Trần Tuấn nhấn mạnh.
Còn theo Thượng tá Kiều Mạnh Hùng - Trưởng Công an huyện Krông Pắk, Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xem như "cánh tay nối dài", có nhiệm vụ hỗ trợ lực lượng Công an, các cấp chính quyền bảo đảm an ninh trật tự, ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch...
Công an huyện sẽ chỉ đạo lực lượng Công an xã, thị trấn phân công nhiệm vụ cụ thể cho nhân sự các Tổ công tác. Họ sẽ kiểm soát, nắm lại những đối tượng có từng có mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân để làm công tác hòa giải, tùy theo tính chất của mỗi vụ việc. Trong đó, Tổ công tác có nhiệm vụ đặc biệt là răn đe, cảm hóa các đối tượng từng có tiền án, tiền sự để họ tái hòa nhập với cộng đồng, cố gắng lao động sản xuất.
"Địa bàn huyện có diện tích đất canh tác lớn, với nhiều loại cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng... Đến mùa thu hoạch nông sản, nhiều công nhân lao động từ nơi khác về làm công việc thời vụ, kiếm thêm thu nhập. Lực lượng mới thành lập sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ trộm cắp, phá hoại nông sản của bà con trên địa bàn" - Thượng tá Kiều Mạnh Hùng nói thêm.