Có được đòi lại con khi đã cho người khác làm con nuôi?

LS Nguyễn Thị Thúy Hường |

Việc khao khát có một người con là nguyện vọng hết sức chính đáng của các cặp vợ chồng. Tuy nhiên, không phải vợ chồng nào sau khi lấy nhau cũng có thể sinh được con, dù họ đã cố gắng chạy chữa hết sức. Vợ chồng anh T và chị M lấy nhau đã hơn 10 năm nhưng vẫn không thể có con dù rất mong chờ. Anh chị đã tốn rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức để chạy chữa. Nghe có bác sĩ nào chữa trị giỏi, cả tây y lẫn đông y, dù xa xôi như thế nào, anh chị cũng đến khám, chữa trị để hy vọng có con, nhưng tất cả đều không đem lại kết quả gì.

Cho con rồi đòi lại

Sau nhiều lần chữa trị vô sinh thất bại, anh T và chị M được hai gia đình khuyên  nên xin con nuôi. Nếu cha mẹ nuôi và con nuôi yêu thương, chăm sóc nhau thì tình cảm cũng sẽ rất khăng khít, gắn bó. Thấy cũng hợp lý, anh T và chị M thống nhất xin con nuôi. Trong lúc đang tìm kiếm, anh chị được tin có một cháu bé mới 2 tuổi và không biết cha mẹ là ai bị bỏ rơi tại phường X. Anh chị vội đến đó ngay và liên hệ với UBND phường X để nhận cháu bé làm con nuôi. Tuy nhiên, đang trong quá trình xin nhận cháu bé làm con nuôi thì cha mẹ cháu bé xuất hiện và cho biết do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, công việc của hai vợ chồng không có, mà lại nuôi tới 4 con. Cháu bé bị bỏ rơi là con thứ 3, đứa nhỏ mới 1 tuổi, hai cháu bé đầu lớn hơn nên đã biết tự lo. Vì khó khăn quá, nên hai vợ chồng có ý định bỏ đứa bé để cho ai có điều kiện thì nhận làm con nuôi. Thấy anh T, chị M nói chuyện hiểu biết, gia cảnh đàng hoàng, khá giả nên cha mẹ cháu bé đồng ý trao đứa con 2 tuổi của mình cho anh T và chị M để làm con nuôi.

Kể từ khi nhận cháu bé về làm con nuôi, gia đình anh T và chị M ấm cúng hẳn lên và luôn rộn rã tiếng bi bô của trẻ nhỏ. Tưởng chừng những ngày tháng hạnh phúc của anh T và chị M sẽ mãi tiếp diễn, nhưng đột nhiên, 3 năm sau, cha mẹ ruột của cháu bé tìm đến và nằng nặc đòi anh T và chị M phải trả lại cháu bé. Cha mẹ ruột của cháu trình bày do hoàn cảnh của họ giờ khá hơn lúc trước nhiều, vợ chồng được hưởng thừa kế của cha mẹ nên giờ có nhà cửa và ít tiền gửi ngân hàng. Chính vì vậy, anh chị muốn nhận cháu bé lại để nuôi dưỡng. Anh T và chị M như “chết đứng”, không chịu vì suốt 3 năm qua, anh chị đã yêu thương, chăm sóc cháu bé như con ruột, tình cảm và sự quyến luyến ngày một sâu đậm hơn và cương quyết không chịu trả cháu bé lại cho cha mẹ ruột.

Anh T và chị M cũng phân tích cho cha mẹ của cháu bé hiểu là trước đây họ tự nguyện trao cháu bé để làm con nuôi của anh chị, chứ không có ép buộc gì. Ngoài ra, thủ tục nhận nuôi cháu bé cũng được hiện đúng theo quy định và trên giấy khai sinh cũng thể hiện anh T là cha, chị M là mẹ của cháu bé.

Không thể thích thì đòi lại con

Câu hỏi đặt ra, cha mẹ ruột cháu bé có được quyền đòi lại con mình đã cho người khác làm con nuôi?
Trước hết, anh T và chị M đáp ứng đầy đủ các điều kiện với người nhận nuôi con nuôi được quy định tại khoản 1, điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010, cụ thể, người nuôi con nuôi phải có đủ các điều kiện sau: a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; d) Có tư cách đạo đức tốt.

Anh T và chị M cũng không rơi vào trường hợp không được nhận con nuôi như quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010: a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; c) Đang chấp hành hình phạt tù; d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Anh T và chị M cũng đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ, hồ sơ theo quy định trong đó có văn bản thể hiện sự đồng ý của cha mẹ cháu bé về việc cho cháu bé làm con nuôi của anh T và chị M đồng thời đã làm thủ tục đổi họ tên cháu bé để cháu lấy theo họ của anh T.

Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định: 1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. 2.Theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 9 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó. 3.Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi. 4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi. 
Như vậy, kể từ lúc cho con làm con nuôi của người khác, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đẻ với con chấm dứt và được chuyển giao cho cha mẹ nuôi.

Nếu căn cứ vào quy định vừa nên trên thì rõ ràng anh T và chị M hoàn toàn có lý khi từ chối yêu cầu trả lại cháu bé cho cha mẹ ruột. Khi trao cháu bé làm con nuôi của anh T và chị M, thì cha mẹ cháu bé đã phải cân nhắc kỹ về những hậu quả có thể xảy ra từ việc trao con làm con nuôi của người khác, nên không thể thích cho con thì cho, thích đòi lại con thì đòi. Hơn nữa, anh M và chị T không rơi vào trường hợp nào phải chấm dứt quyền nuôi con nuôi, nên vẫn được quyền tiếp tục nuôi dưỡng và làm cha mẹ nuôi của cháu bé.  

LS Nguyễn Thị Thúy Hường