Nghỉ việc, báo trước thiếu một ngày, có phải bồi thường cho công ty?

Nam Dương |

Tôi vi phạm thời hạn báo trước một ngày khi nghỉ việc thì có phải bồi thường cho công ty không? Tôi không ký tiếp HĐLĐ không xác định thời hạn vì như thế khi nghỉ việc tôi phải báo trước 45 ngày được không? Công ty nói không trả trợ cấp thôi việc do đã đóng BHTN đúng không? Trên đây là một số câu hỏi chính mà Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động đã nhận được trong tuần qua. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời. 

Phải bồi thường nếu vi phạm thời gian báo trước

Bạn đọc có email hangxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi:  Tôi làm việc cho công ty A được 3 năm và đã ký hợp đồng không xác định thời hạn. Tôi muốn nghỉ việc và đã nộp đơn vào ngày 19.3.2018. Theo quy định tôi phải làm tới ngày 2.5.2018 là đủ 45 ngày. Ngày 30.4 và 1.5 là ngày lễ, nên tôi được nghỉ và ngày 2.5 tôi đã nghỉ không phép. Vậy công ty bắt tôi đền hợp đồng là đúng hay sai và nếu có thì đền như thế nào?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:

Khoản 3, điều 37 BLLĐ 2012 quy định: NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, nhưng phải báo cho NSDLĐ biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại điều 156 của bộ luật này (lao động nữ có thai nghỉ theo chỉ định của cơ sở y tế có thẩm quyền). Do bạn nghỉ sớm hơn 1 ngày so với quy định, do đó, về nguyên tắc bạn vẫn thuộc trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. Điều 43 BLLĐ 2012 quy định nghĩa vụ của NLĐ khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật như sau: 1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho NSDLĐ nửa tháng tiền lương theo HĐLĐ. 2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho NSDLĐ một khoản tiền tương ứng với tiền lương của NLĐ trong những ngày không báo trước. 3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho NSDLĐ theo quy định tại điều 62 của bộ luật này.

Do đó, việc công ty yêu cầu bạn bồi thường cho công ty là có cơ sở. Mức bồi thường của bạn là ½ tháng lương + 1 ngày lương do vi phạm nghĩa vụ báo trước.

Không ký tiếp HĐLĐ được không?

Bạn đọc có email lekimnganxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Ngày 12.5 là tôi hết HĐLĐ, nhưng đến 18.5 bên nhân sự mới đưa HĐLĐ bảo ký với mức lương tôi không mong muốn. Tôi đã xin thôi việc vào ngày 23.5 và sẽ bàn giao công việc đến ngày 6.6. Tuy nhiên, nhân sự yêu cầu tôi phải ký HĐLĐ không xác định thời hạn với mức lương cũ để hợp thức hóa việc trả lương cho từ ngày 12.5 đến nay,  nếu không sẽ không trả lương. Công ty có quyền không trả lương cho tôi nếu không ký HĐLĐ mới không, vì nếu ký thì sẽ bị buộc phải báo trước 45 ngày mới nghỉ việc được, mà tôi  không muốn điều đó.

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời:  Khoản 1, 2 Điều 22 BLLĐ 2012 quy định: 1. HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:

a) HĐLĐ không xác định thời hạn; HĐLĐ không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. b) HĐLĐ xác định thời hạn; HĐLĐ xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng. c) HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

2. Khi HĐLĐ quy định tại điểm b và điểm c, khoản 1 điều này hết hạn mà NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn, hai bên phải ký kết HĐLĐ mới; nếu không ký kết HĐLĐ mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều này trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều này trở thành HĐLĐ xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Trường hợp hai bên ký kết HĐLĐ mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần, sau đó nếu NLĐ vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn.

Do bạn không nói rõ HĐLĐ hết hạn vào ngày 12.5 là loại nào, và đã ký lần thứ mấy, nhưng qua thông tin bạn cung cấp, thì có thể đây là HĐLĐ xác định thời hạn. Như vậy, đến ngày 18.5, nhân sự đề nghị bạn ký HĐLĐ mới là được phép. Tuy nhiên, do bạn không đồng ý với mức lương “không mong muốn” nên không ký, nên về nguyên tắc HĐLĐ của bạn đã trở thành không xác định thời hạn. Việc bạn xin nghỉ việc vào ngày  23.5 và sẽ bàn giao công việc đến 6.6 để nghỉ sẽ đúng pháp luật, nếu việc xin nghỉ việc của bạn được công ty đồng ý. Còn nếu không đồng ý thì bạn phải thực hiện đúng quy định báo trước 45 ngày thì việc nghỉ việc của bạn mới đúng pháp luật. Trường hợp bạn không báo trước đủ 45 ngày thì là nghỉ việc trái pháp uật và sẽ phải bồi thường cho công ty ½ tháng lương và khoản tiền tương đương tiền lương cho những ngày vi phạm báo trước.

Không trả trợ cấp thôi việc vì đã đóng BHTN

Bạn đọc có email thuanxxx@yahoo.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Đầu tháng 5.2016, tôi bắt đầu thử việc 2 tháng, sau đó được ký HĐLĐ thời hạn 1 năm từ ngày 4.7.2016. Đến tháng 7.2017, tôi được tái ký HĐLĐ thời hạn 1 năm. Hiện tại, tôi được thông báo công ty sẽ không tái ký HĐLĐ. Tôi có trao đổi với công ty về việc trợ cấp thôi việc và lương KPI thì được trả lời: "Từ 2009 đến nay công ty đã đóng BHTN nên NLĐ nhận trợ cấp thất nghiệp khi đăng ký thất nghiệp.  KPI 2018 quy định chỉ khi có kết quả đánh giá định kỳ hàng năm (tháng 4 của năm kế tiếp năm phát sinh). Vì vậy KPI không được thanh toán". Công ty trả lời như vậy đúng hay sai.

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Khoản 1, điều 47 BLLĐ 2012 quy định: 1. Ít nhất 15 ngày trước ngày HĐLĐ xác định thời hạn hết hạn, NSDLĐ phải thông báo bằng văn bản cho NLĐ biết thời điểm chấm dứt HĐLĐ. Điều 48 BLLĐ 2012 quy định: 1. Khi HĐLĐ chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10, điều 36 của bộ luật này thì NSDLĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.  2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia BHTN theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc. Do HĐLĐ xác định thời hạn 1 năm lần thứ hai của bạn đến đầu tháng 7.2018 mới hết hạn, nên việc công ty thông báo không tái ký HĐLĐ với bạn nữa là phù hợp.

Vì công ty đã đóng BHTN đầy đủ, nên khi chấm dứt HĐLĐ bạn không được hưởng trợ cấp thôi việc nữa, mà sẽ hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đi đăng ký và nộp hồ sơ đầy đủ trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ. Về khoản tiền KPI, đây là khoản tiền không mang tính chất bắt buộc như lương, mà phụ thuộc vào chính sách của công ty. Do đó, nếu công ty quy định việc trả KPI cho năm 2018, chỉ được tính khi có kết quả đánh giá vào thời điểm tháng 4.2019, thì bạn sẽ không được hưởng khoản tiền KPI này.  

Nam Dương
TIN LIÊN QUAN

Trưởng phòng ký quyết định thôi việc, không được hưởng TCTN đúng không?

Nam Dương |

Trong tuần qua, Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi của bạn đọc liên quan đến quyền lợi của NLĐ về chấm dứt đóng BHXH và trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm mới được nghỉ hưu?

Nam Dương |

Bạn đọc có email namphuongx@xxx hỏi: Nữ giám đốc của một công ty TNHH khi đến tuổi nghỉ hưu (55 tuổi), mà tổng thời gian tham gia BHXH được 15 năm, như vậy có đủ điều kiện để hưởng lương hưu không? Nếu muốn tiếp tục tham gia BHXH tiếp tục có được không và thời gian tham gia đóng BHXH tối đa được mấy năm?

Phải xin nghỉ bao lâu mới được hưởng trợ cấp thôi việc?

Nam Dương |

Bạn đọc có email tuanx@xxx hỏi: Tôi sinh tháng 11.1959 đang làm việc tại công ty cổ phần từ 10.1987 ở TPHCM. Tôi muốn nghỉ việc sớm để hưởng trợ cấp thôi việc (TCTV). Nghe nói phải nộp đơn xin nghỉ việc tối thiếu trước nghỉ hưu 12 tháng mới được hưởng TCTV đúng không?

Trưởng phòng ký quyết định thôi việc, không được hưởng TCTN đúng không?

Nam Dương |

Trong tuần qua, Văn phòng tư vấn pháp luật Báo Lao Động nhận được một số câu hỏi của bạn đọc liên quan đến quyền lợi của NLĐ về chấm dứt đóng BHXH và trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

Đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm mới được nghỉ hưu?

Nam Dương |

Bạn đọc có email namphuongx@xxx hỏi: Nữ giám đốc của một công ty TNHH khi đến tuổi nghỉ hưu (55 tuổi), mà tổng thời gian tham gia BHXH được 15 năm, như vậy có đủ điều kiện để hưởng lương hưu không? Nếu muốn tiếp tục tham gia BHXH tiếp tục có được không và thời gian tham gia đóng BHXH tối đa được mấy năm?

Phải xin nghỉ bao lâu mới được hưởng trợ cấp thôi việc?

Nam Dương |

Bạn đọc có email tuanx@xxx hỏi: Tôi sinh tháng 11.1959 đang làm việc tại công ty cổ phần từ 10.1987 ở TPHCM. Tôi muốn nghỉ việc sớm để hưởng trợ cấp thôi việc (TCTV). Nghe nói phải nộp đơn xin nghỉ việc tối thiếu trước nghỉ hưu 12 tháng mới được hưởng TCTV đúng không?