Bước qua thời kỳ hoàng kim của thập niên 60, 70 với nhiều sân khấu sáng đèn hàng đêm, sân khấu cải lương tại TPHCM nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung đang trong tình trạng thoái trào.
Điểm nghẽn của sân khấu cải lương
TPHCM hiện có một sân khấu duy nhất chuyên về lĩnh vực này nhưng lượng khán giả vẫn thưa thớt, trong khi nhiều đoàn xã hội hóa có sẵn vở hay thì lại tìm không ra sàn diễn, hoặc giá thuê quá cao không thể bù lỗ nên khó đi đường dài.
NSND-TS Bạch Tuyết chỉ ra những “điểm nghẽn” của cải lương, là thiếu hụt tác giả kịch bản tài năng, thiếu vắng sáng tạo âm nhạc trong cải lương, thiếu đạo diễn cải lương giỏi và tính truyền nghề từ nghệ sĩ giỏi đến nghệ sĩ trẻ đang bị mai một. Cuối cùng là rất cần chính sách đãi ngộ của nhà nước để hà hơi tiếp sức cho cải lương.

Còn TS-NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng – giảng viên Nhạc viện TPHCM thì cho rằng, “Đến thời điểm hiện tại, đoàn cải lương Trần Hữu Trang được chia làm ba đoàn nhỏ chỉ có tổng biên chế 9 nhạc công, tức 3 nhạc công cho một đoàn nhỏ, gồm 2 người chơi cổ nhạc và 1 người chơi organ. Như vậy phần âm nhạc không thể nào đủ cho một vở tuồng. Nhạc công lão thành dần vắng bóng theo thời gian nhưng lại không có người trẻ thay thế”.
Cần sự tiếp sức của nhà nước
Nghệ sĩ Kim Tử Long chia sẻ, “Sân khấu nhỏ hẹp thiếu không gian dàn dựng vở đã hạn chế năng lực của nghệ sĩ. Khi nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được xây dựng lại, chúng tôi hy vọng đây sẽ thật sự là nơi dành cho cải lương, nhưng cuối cùng lại trở thành một nơi tổ chức hội nghị cao cấp. Nghệ sĩ không có sân khấu phù hợp để biểu diễn, rất nhiều người phải chịu cảnh hát đám, hát đình để trụ được với nghề”.
Tác giả Vương Huyền Cơ nhìn nhận: Cải lương có tồn tại hay không cũng nhờ vào lớp trẻ. Thách thức của chúng ta là làm sao phổ biến cải lương như tân nhạc... Nâng tầm cải lương, phá bỏ suy nghĩ cải lương là “sến súa”.
"Muốn được như thế, trước tiên là phải phổ cập cải lương qua các kênh phổ biến hiện nay như YouTube, Zalo, Facebook bằng cách mời các nghệ sĩ nổi tiếng livestream…
Kênh tiếp cận thứ 2 là game show. Tổ chức game show về kiến thức cải lương, có thể thi cá nhân hoặc nhóm. Kênh thứ 3 là đưa cải lương vào trường học. Kênh cuối cùng, cũng rất quan trọng là trình diễn. Hãy đầu tư cho tác giả viết những kịch bản cải lương hay nhất, chạm được đến trái tim khán giả… Có làm được những điều này hay không phải nhờ vào sự hỗ trợ và quan tâm của nhà nước.”